Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thừa Thiên Huế: Có 13 xã hoàn thành sớm mục tiêu chương trình 135
03 | 07 | 2007
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có 13/29 xã (tập trung chủ yếu ở các huyện Nam Đông, A Lưới) đã hoàn thành mục tiêu chương trình và tự nguyện rút khỏi diện 135. Như vậy, trong giai đoạn II (từ nay đến 2010), Thừa Thiên-Huế chỉ còn 16 xã tiếp tục được đầu tư theo Chương trình 135.

Trong giai đoạn từ 1999 đến nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đầu tư hơn 102 tỉ 377 triệu đồng để xây dựng 182 công trình hạ tầng cơ sở như giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ, trung tâm cụm xã... tại các xã đặc biệt khó khăn; trong đó có hơn 1 tỉ 500 triệu đồng vốn do dân và các cơ quan đơn vị trên địa bàn đóng góp. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh được phân cấp thực hiện Chương trình 135, từ việc xác định đối tượng đầu tư đến giám sát và điều hành dự án, nên đảm bảo chất lượng các công trình sau khi đưa vào sử dụng. Nhân dân trong vùng dự án đã có thêm việc làm, tăng thu nhập, với việc tham gia gần 40.000 ngày công, khai thác vận chuyển hơn 8.100 m3 cát sạn, đất cấp phối để xây dựng các công trình 135.

Tại huyện miền núi Nam Đông có 7/10 xã, thị trấn khó khăn, thì nay đã có 5 xã xin thôi hưởng Chương trình 135. Đáng chú ý, Chương trình 135 đã đầu tư giúp Nam Đông nhựa hoá và bê tông hoá 79 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 8 cầu kiên cố. Hiện Nam Đông có hệ thống giao thông thông suốt về tận thôn, bản, cụm dân cư, không bị ách tắc trong mùa mưa lũ. Hệ thống thuỷ lợi tại đây được đầu tư xây dựng thêm 13 hồ đập kiên cố, kiên cố hoá 24 km kênh mương, đảm bảo tưới cho hơn 90% diện tích lúa nước. Huyện xây dựng mới 16,3 km đường dây trung thế, 32,9 km đường dây hạ thế, 17 trạm biến áp, kéo điện từ lưới điện quốc gia về cho 100% số xã, với hơn 95% số hộ sử dụng điện, sớm hơn chỉ tiêu đại hội đảng bộ huyện đề ra 1 năm. Nguồn vốn định canh, định cư trong giai đoạn này cũng tập trung 19,7 tỉ đồng đầu tư giao thông, giếng nước, các công trình phúc lợi, hỗ trợ khai hoang ruộng nước, giúp tách hộ, lập vườn cho 276 hộ nghèo ổn định nơi ăn chốn ở. Các địa phương trong huyện đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa hơn 85% giống lúa xác nhận vào gieo cấy trên toàn bộ diện tích. Hiện nay, huyện Nam Đông đã đạt năng suất lúa nước tăng từ 38,2 tạ/ha lên 45,6 tạ/ha. Sản lượng lương thực đạt 3.850 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 170 kg; giá trị thu nhập 1 ha đất canh tác đã đạt 18 triệu đồng, gấp đôi so với năm 2000. Chương trình 135 kết hợp với các chương trình khác còn giúp Nam Đông trồng được 2.500 ha cây cao su, trong đó có khoảng 600 ha cây cao su đã cho mủ. 2 xã Hương Sơn và Hương Phú là những đơn vị đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên-Huế xin thôi hưởng Chương trình 135 nhờ có thu nhập từ cây cao su. Xã Hương Phú có 562 hộ đã trồng được 600 ha cao su, trong đó đã có hơn 200 ha trong thời kỳ khai thác, mỗi năm thu được từ 150 đến 200 tấn mủ tươi, doanh thu từ 600 đến 800 triệu đồng. Xã Hương Sơn có 214 hộ với 100% đồng bào dân tộc Catu, đã trồng được 261 ha, trong đó diện tích khai thác hiện khoảng 100 ha. Nhiều hộ trồng cao su cho thu nhập cao, mỗi công lao động có thể cho thu hoạch từ 70 ngàn đồng đến 80 ngàn đồng. Nhiều hộ có thu nhập từ 20-30 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ thu hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài việc đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tỉnh Thừa Thiên-Huế còn phân công 57 cơ quan, đơn vị trên địa bàn nhận trực tiếp giúp đỡ các xã nghèo và hộ nghèo theo lối "cầm tay, chỉ việc" để tạo được chuyển biến mới trong đầu tư. Hiện đã có 292 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, giống cây trồng, phân bón, vật nuôi, với tổng giá trị 742 triệu đồng. Nhiều hộ đã thoát nghèo thông qua các hình thức giúp đỡ cụ thể này. Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đánh giá: Chương trình 135 đầu tư kịp thời và đúng hướng nên đã phát huy hiệu quả trong việc nâng cao đời sống đồng bào vùng miền núi dân tộc và các vùng khó khăn trong tỉnh. Hiện tỉ lệ hộ nghèo trong vùng thực hiện Chương trình 135 giảm khoảng từ 5% đến 7%/năm. Riêng huyện miền núi A Lưới tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 61% xuống còn 29,97%; và huyện miền núi Nam Đông giảm từ 45% xuống còn 11,4%.../.



TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường