Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo thua thiệt, lỗi ở điều hành
05 | 06 | 2009
Xuất khẩu gạo năm 2009 đang rối ren, mà cốt lõi vấn đề vẫn là thiếu sự điều hành, quản lý thống nhất, đồng bộ. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, nếu khâu quản lý, điều hành yếu kém, xuất khẩu gạo sẽ bị thua thiệt.
Tăng lượng xuất khẩu

Bộ NN&PTNT cho biết, ngoại trừ yếu tố bất lợi từ thiên tai, sâu bệnh, sản lượng lúa gạo toàn vùng năm nay có thể đạt 20,7 triệu tấn. Sau khi trừ đi cơ số dự trữ, giống, tiêu dùng trong nước, có thể để ra 10,4 triệu tấn để xuất khẩu (tương đương 5,2 triệu tấn gạo), chưa kể lượng tồn kho năm 2008.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nói rằng, tính đến ngày 31/5, cả nước tồn kho 1,377 triệu tấn gạo. Các DN cũng đã mua vào hơn 3,5 triệu tấn, với tồn kho năm ngoái khoảng 800.000 tấn thì tổng cộng, con số tồn kho lên tới 4,3 triệu tấn. Chưa kể, số hợp đồng đã đăng ký còn khá nhiều.

Nguồn gạo dồi dào, trong khi chỉ tiêu xuất khẩu của Chính phủ mới đây nhất là 5 triệu tấn, khiến các DN nhấp nhỏm.

Do vậy, tại Hội nghị trực tuyến về xuất khẩu gạo diễn ra sáng 4/6, Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Văn Hà Phong mạnh dạn đề xuất tăng chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm nay lên 6 triệu tấn. Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thanh Bình cũng đồng tình và cho rằng, con số 5,7 đến 6 triệu tấn gạo xuất khẩu là hợp lý. 

Xuất khẩu gạo cả nước hết tháng 5/2009 đạt gần 2,96 triệu tấn, trị giá 1,22 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng gấp đôi về số lượng, và 28% về giá trị.

Tháng 6 này, dự kiến giao 650.000 tấn, còn 600.000 tấn chuyển sang tháng 7. Như vậy, Việt Nam sẽ xuất khẩu được 3,6 triệu tấn, đạt mức Chính phủ giao. Giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 425,67 USD/tấn (theo VFA).

Song, ông Hiệp hội Lương thực cảnh báo, diễn biến thị trường gạo đang rất phức tạp, khó dự báo. Các nước xuất khẩu đang có xu hướng đẩy mạnh bán lượng tồn kho (Thái Lan khoảng 3,8 triệu tấn, Ấn Độ xấp xỉ 1 triệu tấn... ). 

Tại thị trường châu Phi, nhu cầu lớn nhưng phía Việt Nam rất dè chừng bởi vẫn tồn kho 500.000 tấn gạo từ 2008 chuyển sang, giá hồi đó tận 580-600 USD/tấn. Thị trường Trung Quốc thông tin còn nhiều biến động, rất khó dự báo.

Do vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, lâu nay điều hành xuất khẩu gạo vẫn dựa trên cơ sở sản xuất thực tế. Chính phủ cũng chưa bao giờ hạn chế xuất khẩu gạo mà phụ thuộc vào năng lực thị trường, hệ thống bốc dỡ... từng giai đoạn để quyết định.

"Hiện tại giá lúa đang xuống, các nước đang đưa gạo dự trữ ra bán, nếu chúng ta điều hành không khéo, đưa ra thông tin tăng chỉ tiêu giá còn giảm hơn nữa", Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Trước mắt, Bộ trưởng Cao Đức Phát kiến nghị, trong tháng 6-7 vẫn khuyến khích đẩy mạnh việc ký hợp đồng, chủ trương ký càng nhiều càng tốt, tạo cơ sở để tiêu thụ lúa hè thu, thu đông tới.

Gấp gáp sửa cơ chế điều hành

Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, cho rằng, cần có cơ quan thống nhất việc nắm sản lượng để tính toán, cân đối lượng xuất khẩu một cách chặt chẽ. Đặc điểm ĐBSCL trên đồng lúc nào cũng có lúa, vụ gối vụ, nếu không nắm chắc, rất khó chủ động ký hợp đồng. Cuối cùng, hiệu quả xuất khẩu không cao, người nông dân thiệt.

Cách cân đối như hiện nay, theo ông Văn Hà Phong, là không được, khi cứ giao chỉ tiêu rồi DN mua ở đâu thì mua. Ông kiến nghị nên giao chỉ tiêu xuất khẩu cho các tỉnh, nếu không các tỉnh cũng chẳng hài lòng, và không điều hành được.

Ngoài ra, phần lớn các địa phương đều thống nhất kiến nghị đưa lãnh đạo UBND các tỉnh xuất khẩu gạo lớn tham gia vào Tổ điều hành xuất khẩu gạo để có tiếng nói chung.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên lên tiếng, về rà soát, cân đối lại cung cầu, Tổ điều hành xuất khẩu gạo đã, đang và tiếp tục sẽ làm.

Ông Biên nhấn mạnh, quan trọng là DN không nên bán phá giá. Thời gian qua, nhiều mặt hàng của Việt Nam rớt giá do chính chúng ta ko biết giữ cho sản phẩm. Do vậy, đăng ký giá sàn là một chủ trương đúng đắn.

Có ý kiến cho rằng, nên giao công tác điều hành xuất khẩu gạo cho Bộ Công Thương. Thứ trưởng Biên giải thích, theo quy định khi gia nhập WTO, cơ quan Nhà nước không có quyền can thiệp vào hoạt động của DN.

Do vậy, sẽ vẫn giao cho Hiệp hội thống nhất thực hiện điều hành xuất khẩu theo quy chế, dưới sự hướng dẫn của Bộ, là phù hợp luật Việt Nam và thế giới.

Ngay cả việc phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương, Việt Nam cũng không có cam kết và bảo lưu vấn đề này khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, cá nhân ông Biên cho rằng chưa đến lúc phải chỉ định đầu mối cũng như phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương. Nếu phân bổ, các DN lại phải đăng ký, chẳng khác gì xuất hiện tổ điều hành con ở các địa phương thì tình hình sẽ rối ren, khó quản lý. 

Về công tác điều hành, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phải tăng cường hơn nữa công tác điều hành, trong đó có việc giao ban trực tuyến. Ông cũng đồng ý bổ sung thành phần vào tổ điều hành xuất khẩu gạo để trên cơ sở tình hình địa phương, chúng ta có thể điều hành trực tiếp với các địa phương.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi Nghị định 12 về điều hành xuất khẩu gạo để có cơ chế minh bạch, hiệu quả hơn. Chẳng hạn, DN phá giá hợp đồng hàng triệu tấn, hay trường hợp các DN "đi đêm" về giá thì cơ chế để xử lý thế nào... Hiệp hội Lương thực cũng phải nghiên cứu sửa đổi Quy chế xuất khẩu gạo của các thành viên.

Tạm trữ sớm, tránh lặp lại sai lầm

Cũng chính vì thông tin trên, giá lúa tại ĐBSCL 20 ngày lại đây giảm rõ rệt, thương lái cũng ít vào mua cho bà con. Điều đáng lo ngại là thu hoạch lúa hè thu sắp rộ, từ khoảng tháng 7, khiến không chỉ DN lo lắng mà nông dân cũng đứng ngồi không yên bởi vụ này ĐBSCL tiếp tục được mùa.

Giá lúa hiện chỉ ở mức 2.800-2.900 đồng/kg, phải thu mua ở mức 3.800-4.000 đồng/kg trở lên bà con mới có lãi.

Do vậy, cần có cơ chế để DN vay vốn mua gạo tồn trữ. Ông Văn Hà Phong lo ngại giá lúa giảm, DN lừng chừng không mua vào, nếu không cảnh giác coi chừng kịch bản 2008 sẽ lặp lại. Ông khuyến cáo, đây có thể sẽ là một trong những vấn đề nóng trong tháng tới, chứ không đơn giản như nhận định.

"Chính phủ cần có cơ chế tạm trữ ngay thời điểm này. Nếu không tình hình sẽ muộn, giá đang chựng mà không mua, để như năm ngoái sẽ rất khó khăn, rối ren, dân sẽ mất lòng tin với Chính phủ về điều hành xuất khẩu gạo", ông Phong nói.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, việc mua tạm trữ áp lực về cung còn ở phía trước. Hiện giá lúa đã giảm, song, khi chính thức thu hoạch vụ hè thu áp lực giảm giá còn lớn nữa. Ông yêu cầu các địa phương rà soát lại lượng tồn kho trong dân và sẽ cân nhắc thời điểm để triển khai chính sách mua tạm trữ này.

Vấn đề nữa là cơ cấu giống chất lượng thấp IR 50404 vẫn còn quá cao, chiếm hơn 18%. Bộ trưởng Cao Đức Phát cương quyết, các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, tránh lặp lại sai lầm năm 2008 khi để tỷ lệ giống chất lượng thấp quá cao.

"Đó là trách nhiệm của chính các địa phương, vì có nơi đích thân Thủ tướng xuống chỉ đạo nhưng tỷ lệ IR 50404 vẫn cao hơn chỉ đạo của Bộ. Đề nghị các tỉnh kiểm điểm, rút kinh nghiệm nếu tới đây lúa không tiêu thụ được", ông Phát nghiêm khắc.

Có ý kiến cho rằng cách cân đối để tính chỉ tiêu xuất khẩu gạo của Bộ NN&PTNT là lạc hậu, Bộ trưởng Cao Đức Phát lý giải, đó là cách tính căn cứ trên số liệu của Tổng cục Thống kê.

Chẳng hạn, về mức tiêu dùng cả nước là 9kg/người/tháng (thành phố), 11kg (nông thôn); để làm giống là 150 kg/ha, song, có địa phương chỉ là 80-110 kg/ha nên Bộ sẽ xem xét lại. Về dự trữ, số lượng thường xê dịch theo khung thời gian, thậm chí giữa 2 năm cũng có sự điều chỉnh.

Do vậy, mặc dù đầu năm có định hướng chỉ tiêu xuất khẩu nhưng chỉ áp dụng cho 6 tháng, sau đó phụ thuộc mùa màng, thời tiết, dịch bệnh. 



Nguồn: vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường