Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển cây cao-su ở Hà Giang
08 | 06 | 2009
Tỉnh Hà Giang đề ra mục tiêu đến năm 2015 trồng 10.000 ha cây cao-su. Ðây là bước đột phá mạnh nhằm khai thác tiềm năng về đất đai và lao động để phát triển kinh tế ở một tỉnh còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, còn có những vấn đề cần được quan tâm xử lý kịp thời.

Tỉnh Hà Giang có 552.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó 282.622 ha đất rừng sản xuất, nhưng thế mạnh này chưa được phát huy, nên giá trị từ kinh tế lâm nghiệp thấp. Những năm trước đây, nhiều loại cây đã được đưa vào trồng, nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tổ chức thực hiện chưa tốt nên đã thất bại. Chính vì lẽ đó khi triển khai thực hiện đề án phát triển cây cao-su đã có không ít ý kiến băn khoăn về hiệu quả.


Từ thực tế đó, tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác đi khảo sát và học tập kinh nghiệm ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu và cả Vân Nam (Trung Quốc) nơi tiếp giáp với tỉnh và đã trồng cây cao-su nhiều năm để rút ra cách làm phù hợp với địa phương mình. Tiến hành rà soát đất đai trên địa bàn, qua khảo sát có gần 17.000 ha ở các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình có khí hậu tương đồng và độ dốc cho phép để trồng cao-su. Ðược sự giúp đỡ về giống và kỹ thuật của Tập đoàn công nghiệp cao-su, tháng 7-2008, Hà Giang đã tiến hành trồng thử nghiệm 10 ha tại huyện Bắc Quang và Vị Xuyên.


Ðưa chúng tôi về thôn Me Thượng (xã Vô Ðiếm, huyện Bắc Quang) một trong hai địa điểm trồng thử nghiệm cây cao-su của tỉnh. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cao-su Hà Giang Nguyễn Xuân Phú cho biết, theo đánh giá của bộ phận kỹ thuật của Tập đoàn bước đầu cho thấy cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở đây. Năm nay công ty đang tập trung trồng 1.000 ha; tiếp đó mỗi năm sẽ trồng 1.500 ha để đến 2015 tỉnh Hà Giang sẽ có đại điền cao-su với 10.000 ha. Ðược biết, để phát triển cây cao-su, Tập đoàn công nghiệp cao-su đã có thỏa thuận cụ thể với Hà Giang, trong đó tỉnh ban hành chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách và môi trường đầu tư, còn nguồn vốn do Tập đoàn đảm nhiệm. Khi chúng tôi đến cũng là ngày công ty tổ chức trao thẻ bảo hiểm y tế cho công nhân. Chị Ma Thị Hương, công nhân đội vườn ươm cho biết, nhà ở thôn Thia (xã Vô Ðiếm), là một trong các hộ  góp đất theo hình thức liên doanh với công ty, được nhận vào làm công nhân. Sau thời gian thử việc, chị được tham gia bảo hiểm xã hội, mỗi tháng được trả 1,5 triệu đồng tiền lương. Ðây quả là một số tiền không nhỏ với những người lao động ở nông thôn như chị. Anh Nông Văn Bình ở thôn Dương (cùng xã) thì rất phấn khởi cho biết, nhà em đã chuyển gần 3 ha đồi tạp để góp vốn với công ty. Tham gia trồng cao-su vừa có được thu nhập ổn định lại được lao động ngay trên chính mảnh đất của gia đình. Ngoài số lao động được tuyển theo chính sách góp vốn như chị Hương và anh Bình, công ty cũng đã chủ trương tuyển lao động tại chỗ (những trường hợp không có đất góp vốn). Vì trồng và chăm sóc 10.000 ha cao-su thì lượng lao động công ty sử dụng lên tới gần 5.000 người, ngoài số cán bộ kỹ thuật cao, thì lượng lao động cần tuyển cũng cần tới 4.000 người, góp phần tích cực tạo việc làm cho người dân địa phương.


Ðể triển khai chương trình phát triển cây cao-su, tỉnh Hà Giang chủ trương khuyến khích các lâm trường quốc doanh, doanh nghiệp, tập thể và hộ gia đình tham gia góp vốn với công ty bằng quyền sử dụng đất. Người dân trong vùng quy hoạch cao-su được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha đất trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm để chuyển đổi sang trồng cao-su; 3 triệu đồng/ha đối với đất trồng cây hằng năm; 2 triệu đồng với đất trồng cây lâm nghiệp và hỗ trợ di chuyển nhà 3 triệu đồng. Ngoài mức hỗ trợ này người dân tham gia còn được tính giá trị đất tham gia góp cổ phần là 10 triệu đồng/ha trong một chu kỳ, được trở thành cổ đông và được ưu tiên tuyển dụng hợp đồng làm công nhân. Sau một chu kỳ nếu không tiếp tục tham gia thì đất đó vẫn thuộc về người dân.


Khi dự án thành công, nếu chỉ tính năng suất bình quân 1,7 tấn mủ khô/ha thì với thời giá hiện nay cũng đã cho tổng thu gần 700 tỷ đồng/năm; thu ngân sách cũng tăng 170 tỷ đồng từ thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó cây cao-su cũng góp phần đáng kể trong việc nâng cao độ che phủ rừng, chống xói mòn và sản phẩm gỗ tận thu sau mỗi chu kỳ thu hoạch cũng mang lại lợi ích đáng kể.


Tuy nhiên, một vấn đề đang đặt ra là, trong năm 2009, tỉnh có kế hoạch trồng 1.000 ha cao-su và đã có quyết định giao đất cho công ty. Nhưng việc bàn giao đất diễn ra rất chậm. Ðến hết tháng 5, mới chỉ có 200 ha đất được bàn giao. Anh Phú cho biết, đang là thời điểm quyết liệt của việc đào hố ủ phân, chuẩn bị cho mùa trồng cây; cây giống cũng đã được Tập đoàn cung cấp đủ nhưng với tiến độ bàn giao đất như thế này, chắc chắn sẽ không bảo đảm. Cây nằm chờ đất. Phó Chủ tịch UBND xã Vô Ðiếm Lý Ðức Xuyền cho biết, theo quy hoạch xã có gần 1.000 ha đất để trồng cao-su. Dự kiến năm nay bàn giao cho công ty 500 ha nhưng đến thời điểm này mới được 50 ha. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết việc này diễn ra ở nhiều nơi. Vì sao vậy? Phải chăng người dân chưa "mặn mà" với cây cao-su?


Cao-su là loại cây mới trồng ở Hà Giang, việc nghiên cứu, theo dõi và chỉ đạo thực tiễn còn rất hạn chế nên phải tiến hành những bước đi chắc chắn, không nóng vội, chủ quan. Bởi lẽ, Hà Giang là tỉnh có lượng mưa lớn (ở Vị Xuyên là 2.400-2.657 mm; Bắc Quang và Quang Bình khoảng 4.000 mm); cùng đó, vào mùa đông thường có sương muối gây rụng lá, đây là yếu tố hạn chế đối với sự phát triển của cây cao-su. Việc trồng cây cao-su cũng phải theo hướng đại điền, tập trung. Mỗi điểm phải có quy mô tối thiểu 200 ha, mỗi vùng phải từ 500 đến 1.000 ha, như vậy mới giảm chi phí cho sản xuất, bảo vệ và chế biến, giảm giá thành sản phẩm. Ðây là vấn đề cốt lõi của bài toán kinh tế. Trong khi đó, ở tỉnh diện tích đất chưa sử dụng có thể trồng cây cao-su tuy còn nhiều nhưng không liền vùng liền khoảnh; cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông còn rất khó khăn; trình độ của người dân không đồng đều, tập quán canh tác cũ... Thêm nữa, đó là việc cần phải chấn chỉnh đội ngũ cán bộ tham gia giải phóng mặt bằng bàn giao đất đưa vào sử dụng, để chương trình phát triển cây cao-su của tỉnh đạt kết quả.



Nguồn: www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường