Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hội nghị trực tuyến về sản xuất, tiên thụ lúa gạo các tỉnh ĐBSCL
05 | 06 | 2009
Chính phủ chưa bao giờ hạn chế xuất khẩu gạo, nhưng việc tăng hay giảm chỉ tiêu xuất khẩu phải dựa trên sản xuất thực tế.

Sáng ngày 4/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo Bộ NN&PTNT, đến thời điểm hiện nay các tỉnh vùng ĐBSCL đã thu hoạch xong lúa vụ Đông Xuân, tiếp tục là vụ được mùa lớn. Về tình hình sản xuất lúa vụ Đông Xuân toàn vùng năm 2008-2009 đạt 1,548 triệu ha, tăng so với năm trước 22.000 ha. Đến nay cơ bản đã thu hoạch xong, năng suất toàn vùng đạt 63,48 tạ/ha, xấp xỉ so với năm 2008. Sản lượng thóc ước đạt 9,823 triệu tấn, tương đương năm 2008.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, với sản lượng lúa như dự kiến, toàn vùng năm 2009 đạt khoảng 20,7 triệu tấn, sau khi cân đối cho nhu cầu tại chỗ (để ăn, giống, chăn nuôi, hao hụt…) và điều hoà cho các tỉnh Đông Nam Bộ, lượng lúa hàng hoá cần tiêu thụ cả năm vào khoảng 10,4 triệu tấn (tương đương 5,2 triệu tấn gạo), chưa kể lượng gạo tồn năm 2008 khoảng 800.000 tấn.

Xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm đạt mức cao nhất từ ngày Việt Nam xuất khẩu gạo đến nay, với số lượng 2,958 triệu tấn, trị giá FOB là1,217 tỷ USD (trị giá CIF là 1,385 tỷ USD), tăng 50,81% về số lượng và tăng 28,21% về giá trị FOB (tăng 35,31% trị giá CIF) so với năm 2008. Giá trị xuất khẩu bình quân đạt 411,52 USD/tấn.

Cũng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, số lượng đăng ký hợp đồng đến cuối tháng 5 đã lên đến 4,064 triệu tấn, riêng tháng 5 đã đăng ký hợp đồng lên đến 400.000 tấn, sau khi có thông báo tiếp tục đăng ký lại hợp đồng từ ngày 5/5/2009. Như vậy, về cơ bản nếu không có biến động bất thường, xuất khẩu gạo năm 2009 có thể đảm bảo trị giá trên 5 triệu tấn gạo.

Xuất khẩu phải dựa trên thực tế sản xuất

Tại Hội nghị, đại diện nhiều tỉnh ĐBSCL như Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, An Giang cho rằng, hiện nay giá lúa trong dân đang giảm, thấp hơn khoảng 500 đồng/kg so đầu tháng 5 nên nông dân cũng khó khăn hơn trong việc tiêu thụ. Nhiều địa phương có tỷ lệ lúa IR50404, OM579 (giống lúa có chất lượng thấp) còn cao, có tỉnh chiếm đến 30% diện tích gieo trồng nên việc tiêu thị lượng lúa này còn gặp nhiều khó khăn, giả cả giảm, không có thị trường tiêu thụ; trong khi đó lượng lúa tồn trong các doanh nghiệp cũng còn nhiều…

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, với lượng lúa tồn còn nhiều như vậy, có tỉnh tồn từ 70.000-200.000 tấn, trong khi đó, vụ hè thu sẽ cho thu hoạch lớn, nếu không có kế hoạch tiêu thụ thì lượng lúa tồn ngày càng lớn. Đại diện các tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thành lập cơ quan chuyên ngành rà soát lại sản lượng lúa hàng hoá tại đồng bằng sông Cửu Long và chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng chỉ tiêu xuất khẩu gạo, không dừng ở con số 5 triệu tấn như dự kiến trong năm nay. “Nếu không tiêu thụ được sẽ rất khó khăn cho nông dân, ảnh hưởng đến chính sách kích cầu cho nông nghiệp. Chính phủ có thể xem xét tăng lượng gạo xuất khẩu lên 6 triệu tấn”- kiến nghị của ông Văn Hà Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng là của nhiều đại biểu dự Hội nghị.

Các đại biểu cũng đề xuất, Chính phủ cần có cơ chế tạm trữ ngay thời điểm này. Nếu không sẽ làm phức tạp thêm tình hình, lặp lại kịch bản như năm ngoái, giá thì chững lại mà dân cũng không bán được, doanh nghiệp không mua.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trong 5 tháng qua đạt nhiều thắng lợi, góp phần vào ngăn chặn suy giảm kinh tế. Đây là năm đỉnh cao, sản lượng tăng thêm khoảng 215.000 tấn lúa, xuất khẩu đạt mức kỷ lục cao, giá thuận lợi, đem lại hiệu quả lớn.

Theo Bộ trưởng, trước mắt trong tháng 6 và tháng 7, cần khuyến khích đẩy mạnh việc ký hợp đồng của các doanh nghiệp. Về việc mua tạm trữ, hiện giá đang giảm, nhưng áp lực về cung vẫn còn ở phía trước, khi thu hoạch lúa hè thu chính vụ, áp lực giảm giá là rất lớn nên cần chuẩn bị phương án mua tạm trữ. Tuy nhiên, yêu cầu các địa phương rà soát lại lượng tồn kho trong dân và sẽ cân nhắc thời điểm để triển khai chính sách mua tạm trữ này.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị, cần tăng cường hơn nữa công tác điều hành, trong đó có việc giao ban trực tuyến về các họat động sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL. Trên cơ sở tình hình địa phương, Bộ NN&PTNT có thể điều hành trực tiếp với một số địa phương.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ chưa bao giờ hạn chế xuất khẩu gạo, nhưng việc tăng, hay giảm chỉ tiêu xuất khẩu phải dựa trên sản xuất thực tế. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương còn tỷ lệ lúa IR50404, OM579 cao, nên chỉ đạo kiên quyết hơn trong việc giảm tỷ lệ trồng giống lúa này.



Nguồn: vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường