Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường gạo trong nước
09 | 06 | 2009
Tại hội nghị trực tuyến về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo các tỉnh ĐBSCL, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, với sự tham gia của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, các đại biểu đưa ra nhận xét: vài doanh nghiệp đã vì lợi ích cục bộ mà bán tống bán tháo cả triệu tấn gạo với giá rẻ mạt làm hại thị trường.

Tính đến tháng 5, cả nước còn khoảng 10,2 triệu tấn lúa (tương đương 5,1 tấn gạo) để xuất khẩu, cao hơn năm ngoái 18%. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt 1,2 tỷ USD, với giá bình quân 411 USD mỗi tấn. Chỉ tính trong 3 ngày đầu tháng 6, các doanh nghiệp đã giao thêm 100.000 tấn, nâng tổng lượng xuất từ đầu năm lên hơn 3 triệu tấn.

Tuy nhiên, nhiều người đang lo lắng về diễn biến thị trường hiện nay. Giá lúa trong dân đang dao động 4.300- 4.400 đồng/kg, có nơi giảm 500 đồng/kg, không đảm bảo lợi nhuận cho bà con. Tình trạng bán phá giá lại tái diễn, do doanh nghiệp lo ngại thị trường còn xuống nữa.

Chính Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhắc tới chuyện doanh nghiệp ký hợp đồng xuất chỉ 100.000-200.000 tấn, nhưng bán giá thấp, khiến những đơn vị xuất cả triệu tấn bị ảnh hưởng. Hành vi bán phá giá đó cũng gây thiệt hại cho toàn thị trường.

Theo ông Trương Minh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, các nước xuất khẩu lớn trên thế giới đang muốn bán lượng gạo tồn kho. Thái Lan dự định bán ra khoảng 3,8 triệu tấn, với giá dự báo 405 USD/tấn, chấp nhận lỗ. Ấn Độ cũng có chủ trương bán ra nhưng trong nước đang gặp hạn hán. Ước tính châu Phi tồn khoảng 800.000 tấn.

Thông tin nguồn cung thế giới tăng cao khiến người dân trong nước lo ngại, doanh nghiệp cũng cố gắng nhanh tay bán với bất cứ giá nào.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, Việt Nam chưa đưa ra mức giá sàn khiến nhiều doanh nghiệp lợi dụng, tùy tiện bán với bất cứ giá nào miễn sao thu lợi. Ông Biên cho rằng tập trung đẩy mạnh ký hợp đồng nhưng phải cân nhắc cung cầu và đưa ra giá sàn. Các tỉnh cần rà soát cân đối lại lượng gạo tồn kho và giải quyết cho các doanh nghiệp vay vốn để bình ổn tâm lý.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng tìm ra doanh nghiệp bán phá giá không phải là vấn đề dễ dàng. Vì vậy, cần tạo cơ chế xuất nhập khẩu minh bạch và trách nhiệm hơn. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần sửa đổi quy chế quản lý xuất khẩu gạo, khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, nhưng nghiêm cấm bán phá giá.

Diện tích lúa đông xuân 2008-2009 khu vực ĐBSCL đạt hơn 1,5 triệu ha, tăng 20.000 ha so với cùng kỳ năm trước, sản lượng gần 10 triệu tấn. Các tỉnh đang đề nghị giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo của năm nay ở mức 5,5- 6 triệu tấn.

Tính đến ngày 31/5/2009, gạo tồn kho trong các doanh nghiệp lên tới 1,377 triệu tấn gạo, mặc dù dự kiến lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 3,6 triệu tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tồn kho gạo nhiều nhất thuộc về Tổng công ty Lương thực Miền Nam với 592.000 tấn, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc 130.000 tấn còn lại là các doanh nghiệp khác hơn 650.000 tấn.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA cho biết các doanh nghiệp trong nước đã cơ bản mua hết gạo hàng hóa vụ đông xuân 2009 với hơn 3,5 triệu tấn và hiện còn tồn phải chờ xuất. Việc giá gạo đang giảm mạnh hiện nay do trên thị trường hiện có nguồn lúa đưa từ Campuchia về khá nhiều nhưng chất lượng kém, không thể chế biến ra gạo 25% tấm để xuất khẩu, nên lúa này bán giá thấp.

Riêng lúa đông xuân trong nước, doanh nghiệp lùng mua mà không được, giá vẫn ổn định. Mấy ngày qua giá lúa ở ĐBSCL chỉ còn 4.100 - 4.200 đồng/kg, giảm 400 - 500 đồng/kg so với hồi tháng 4.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương, lượng lúa gạo Campuchia đổ về nhiều trong những ngày qua là lúa gạo của nông dân Việt Nam sang Campuchia thuê đất để trồng.

Ngoài ra, giá gạo trong nước giảm, còn do tác động của thị trường gạo thế giới, dưới tác động của khủng hoảng tài chính kinh tế, các nhà nhập khẩu chỉ mua đủ nhu cầu phân phối mà ngại mua dự trữ như mọi năm.

Theo dự kiến của VFA, xuất khẩu gạo trong tháng 6 lên tới 650.000 tấn, nâng lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay lên 3,608 triệu tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2008. Số lượng hợp đồng đã đăng ký qua VFA tới ngày 31-5 là 4,1 triệu tấn, vượt mức giao hàng trong 6 tháng đầu năm, phải chuyển sang giao trong tháng 7.

Lượng gạo còn ký được trong 6 tháng cuối năm chỉ còn 888.000 tấn nếu Chính phủ không điều chỉnh chỉ tiêu cao hơn 5 triệu tấn hồi đầu năm.

Thứ trưởng Phương, dự đoán sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước năm nay đạt ít nhất 5,5 triệu tấn vì khi dự báo xuất khẩu gạo đầu năm, các cơ quan chuyên môn đã không lường trước được lượng lúa gạo từ Campuchia đổ về.



Nguồn: vinanet
Báo cáo phân tích thị trường