Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hàng thủy sản ùn tắc tại Móng Cái, vì có tạp chất
10 | 06 | 2009
Thứ trưởng Lương Lê Phương cho biết, việc bơm tạp chất vào sản phẩm có sự cấu kết của một số thương nhân Trung Quốc với thương lái trong nước, tập trung ở hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

Nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị ách tắc tại cửa khẩu Đông Hưng và Móng Cái (Quảng Ninh) được xác định là có chứa tạp chất trong sản phẩm.

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương thông báo chiều ngày 5/6 tại buổi họp báo về hội chợ triển lãm quốc tế thủy sản Việt Nam (Vietfish) 2009 diễn ra tại TP.HCM.

Theo thông tin từ hải quan Trung Quốc, sau khi tiến hành kiểm tra mức độ an toàn thực phẩm, cơ quan này phát hiện nhiều lô hàng tôm (nguyên con) chứa nhiều tạp chất “làm nặng” như: đá mạt, đinh vụn, bột sắt, chì… để tăng trọng lượng.

Thứ trưởng Lương Lê Phương cho biết, việc bơm tạp chất vào sản phẩm có sự cấu kết của một số thương nhân Trung Quốc với thương lái trong nước, tập trung ở hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

Những gian thương này đã sử dụng một số tạp chất như gas, chì hay da thịt của một số loại động vật khác… bơm vào nội tạng của con tôm nhằm mục đích tăng khối lượng của lô hàng để kiếm lợi.

Hiện vẫn chưa có thống kê về lượng hàng ứ đọng nhưng theo ông Phương, Bộ NN&PTNT sẽ xử lý nghiêm những lô hàng còn nằm lại bên phía cửa khẩu Việt Nam với hình thức cao nhất là tiêu hủy toàn bộ lô hàng.

“Đồng thời Bộ NN&PTNT sẽ kết hợp với cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc ngăn chặn những hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng”, Thứ trưởng Phương nói.
 
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tuần qua, công an tỉnh Cà Mau phối hợp cùng lực lượng quản lý thị trường đã bắt thêm được một container tôm bơm tạp chất. Các cơ quan chức năng cũng đang tiến hành điều tra những cá nhân, tổ chức làm ăn gian dối này.

Ông Hòe cho biết thêm, để thực hiện hành vi gian lận này, một số đối tượng về các tỉnh ĐBSCL mua tôm sú, tôm thẻ chân trắng với giá rất cao, vì vậy có thời điểm xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu chế biến, khiến nhiều doanh nghiệp chế biến trong nước bị ảnh hưởng theo.

Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm ước đạt khoảng 1,3 tỉ USD, giảm từ 6-10% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm tính đến giữa tháng 5 đạt 32,6 ngàn tấn với kim ngạch 275,9 triệu USD, so với cùng kỳ 2008 giảm 5,2% về lượng, 8,3% về giá trị.

Theo dự báo của VASEP, sản lượng xuất khẩu thủy sản sẽ còn tiếp tục giảm trong tháng 6 và có thể giá trị của cả năm sẽ chỉ đạt khoảng 4 tỉ USD, thấp hơn năm 2008 là 0,5 tỉ USD.

Sức mua của các thị trường nhập khẩu đang giảm xuống, khiến giá nguyên liệu chế biến hàng thủy sản cũng giảm theo. Thực tế này đang diễn ra khắp nơi do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

“Trong lúc này, doanh nghiệp càng phải kinh doanh một cách đàng hoàng mới có thể giữ được khách hàng, giữ được thị trường xuất khẩu để duy trì sản xuất”, ông Hòe nói.



Nguồn: VNN
Báo cáo phân tích thị trường