Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lúa gạo năm 2020
15 | 06 | 2009
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vừa ra dự báo năm 2020, tức là 10 năm nữa chúng ta sẽ “tự sản tự tiêu” hết lúa gạo làm ra, không còn xuất khẩu được nữa.

Dự báo đó dựa trên cơ sở đánh giá về tốc độ tăng dân số ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, trên cơ sở nền nông nghiệp lạc hậu như hiện nay không tiến triển.

Trong 20 năm qua, sản lượng lúa của Việt Nam đã tăng nhanh nhờ những tiến bộ về nông học, nhưng dần dần sẽ không tăng nhanh được như trước. Năm 2007 sản lượng lúa của ĐBSCL là khoảng 19 triệu tấn trên 1,9 triệu ha, nhưng năm 2020 diện tích sản xuất lúa còn 1,8 triệu ha, cao lắm cũng chỉ đạt 21 triệu tấn. Lúc đó dân số ĐBSCL sẽ tăng thêm 3 triệu người và cả nước thêm 13 triệu và hiện diện ngay trước mắt một tương lai không sáng sủa cho an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã vươn lên vị trí xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới với sản lượng 4 - 5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khó duy trì được thứ hạng đó vì nhu cầu sử dụng trong nước ngày càng tăng, còn diện tích đất trồng lúa lại ngày càng thu hẹp và quan ngại hơn - sự hứng thú của người nông dân với nông nghiệp đang bớt mặn mà đi nhiều.

Trong khi đó, dù đứng thứ hạng cao về sản lượng xuất khẩu nhưng chúng ta lại đang đối mặt với công nghệ lạc hậu, không những không làm tăng sản lượng lúa, mà còn làm giảm giá trị của gạo Việt Nam.

Giá gạo xuất khẩu của chúng ta thấp hơn so với Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ và Pakistan, trung bình chỉ đạt 220,1 USD/tấn, bằng 79,65% giá gạo trung bình của thế giới. Do đó, dù Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn Mỹ 21,5%, nhưng lợi tức thu được ít hơn 11,3%.

Giải bài toán này như thế nào?

Theo TS Phan Hữu Hiền (Trường  ĐH Nông Lâm TP. HCM) thì giải bài toán này không hề khó, quan trọng là phải đẩy nhanh hiện đại hóa nông nghiệp, mà thực chất là cơ giới hóa nông nghiệp do Nhà nước chủ đạo chứ không chỉ là tự phát như hiện nay. Cần ưu tiên cho các thiết bị góp phần tăng năng suất cây trồng, đồng thời giảm vật tư đầu vào và các thiết bị giảm hao hụt sau thu hoạch. Đó là 3 loại máy: san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng laser, máy gặt đập liên hợp và máy sấy lúa.

Đó cũng mới chỉ là một trong nhiều cách giải bài toán về lúa gạo, tuy nhiên điều tiên quyết vẫn là tốc độ hành động của các cơ quan hữu quan và nhận thức của nông dân. Nếu chúng ta không giải bài toán này trong năm 2009-2010, thì dự báo của Cục Trồng trọt vào năm 2020 sẽ thành hiện thực. Đó là thực tế không một người Việt Nam nào được quyền quay lưng.



Nguồn: vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường