Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường phân bón bất ổn vì chưa có chiến lược phát triển
17 | 06 | 2009
Theo Báo cáo ngành hàng Phân bón quý I/2009 của AGROINFO, hiện nay Việt Nam nhập khẩu khoảng 90% ure, 70% nhu cầu DAP, các loại phân còn lại như SA, Kali... phải nhập khẩu 100%. Do đó, giá cả phân bón trong nước phụ thuộc rất lớn vào biến động giá thế giới và thường xuyên duy trì ở mức cao. Phân bón trở thành vật tư chiếm tỷ lệ cao nhất trong giá thành sản phẩm nông nghiệp, lên tới 30%-40%.

Trong khi đó, thay vì hỗ trợ cho ngành phân bón để giúp ngành nông nghiệp giảm giá thành sản xuất nâng cao sức cạnh tranh trong điều kiện kinh tế suy thoái hiện nay thì mới đây Bộ Tài Chính vừa ban hành quyết định điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu ưu đãi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/04/2009 với phân khoáng, phân hóa học có chứa phosphate... từ mức 5% lên 6,5%. Ngoài ra thuế suất nhập khẩu ưu đãi các loại phân khoáng, phân hóa học có chưa hai hoặc ba nguyên tố cầu thành là nitơ, phospho và kali; các loại phân bón dạng viên, dạng khác... đều tăng từ mức 3% lên 6,5% (Thông tư 76/2009/TT-BTC ban hành ngày 13/04/2009).

Thị trường phân bón nhập khẩu Việt Nam cũng đã có những biến động tương ứng. Trong khi giá phân bón thị trường thế giới duy trì khá ổn định và trong xu hướng giảm giá thì giá phân bón nhập khẩu trên thị trường Việt Nam lại có chiều hướng tăng lên.



Nguồn: AGROINFO tổng hợp theo số liệu của HSC

Giá phân bón bán lẻ tại một số địa phương đã tăng từ 100 đồng đến 500 đ/kg. Cụ thể, giá ure tại Đồng Tháp, Kiên Giang tăng 240 đồng lên mức 6.540 đồng/kg, Kali cũng tăng 200 đồng đến 500 đồng/kg, ở mức 12.800 đồng đến 13.000 đồng/kg.



Nguồn: AGROINFO

Như vậy, trong bối cảnh cả nước đang bước vào thời điểm canh tác vụ hè thu- vụ lúa chính trong năm, và lượng hàng hóa, vật tư dự trữ từ cuối năm 2008 đã gần cạn, quyết định tăng thuế nhập khẩu phân bón của bộ Tài chính rõ ràng sẽ gây ảnh hưởng đến giá thành sản xuất lúa và lợi nhuận của nông dân.

Trong một văn bản khác, bộ Tài Chính cũng đã chấp nhận cho phép Tổng công ty Than và khoáng sản Việt Nam tăng giá bán than cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón, xi măng và giấy nội địa kể từ quý II năm 2009 (công văn số 13564/BTC-QLG). Điều này dự kiến sẽ có tác động đến giá thành phân bón sản xuất trong nước kể từ nửa cuối năm 2009.

Xem xét một cách hệ thống các văn bản điều hành quản lý thị trường phân bón của các đơn vị liên quan như Bộ Nông Nghiệp, Bộ Tài Chính, bộ Công Thương... từ trước tới nay, có thể nói Việt Nam chưa hề có một chính sách hay chiến lược dài hạn với ngành phân bón.

Theo cơ sở dữ liệu luật của AGROINFO về ngành phân bón kể từ năm 1999 tới nay có khoảng 60 văn bản điều chỉnh ngành phân bón trong đó có khoảng 29 công văn, 25 quyết định và 6 thông tư, tất cả đều là các văn bản dưới luật có hiệu lực thấp và liên tục bị thay thế.

Hiện nay, bộ NN&PTNT mới giao cho Cục Trồng trọt xúc tiến soạn thảo chiến lược sử dụng phân bón của VN đến năm 2020, và dự kiến phải đến năm 2011 mới có thể ban hành Luật phân bón. Như vậy, kể từ nay đến năm 2011, ngành phân bón sẽ phải hoạt động trong bối cảnh không có chiến lược dài hạn và các chính sách điều hành mang tính bị động, đối phó với tình hình thực tế, và điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hường lớn tới ngành sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.



Trương Hồng Kim - AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường