Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tràn lan thực phẩm “không tên“
22 | 06 | 2009
Sau vụ quần áo xuất xứ Quảng Đông (Trung Quốc) chứa hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, người tiêu dùng thêm lo lắng khi thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn được bán tràn lan trên thị trường, được nhiều điểm ăn uống sử dụng.

Hàng không tên rơi chủ yếu vào các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm đóng hộp, gia vị tổng hợp, thực phẩm khô...

Nhiều cái “không”

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ tại một số chợ thuộc khu vực huyện Nhà Bè, Q.6, Q.7, Q.8 (TP.HCM)... cho thấy rất nhiều loại thực phẩm không có bao bì, nhãn mác, không rõ nơi sản xuất, đơn vị nào nhập khẩu được bày bán phổ biến trên thị trường. Người bán hàng cho biết những loại hàng này tiêu thụ được là nhờ giá rẻ và thị trường chủ yếu là khu vực ngoại thành và vùng nông thôn.

Chị Nga, một người bán hàng ở chợ Xóm Củi (Q.8, TP.HCM), cho biết trung bình giá những mặt hàng này rẻ hơn hàng có nguồn gốc, thương hiệu 20-30%. Mặc dù trên bao bì không ghi nơi sản xuất, nhà nhập khẩu nhưng nhiều người bán hàng khẳng định chủ yếu là hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, bản thân nhiều người trong số đó cũng không biết cụ thể hàng nhập về bằng con đường nào mà chỉ biết nhận hàng qua thương lái.

Anh Hưng, một người bán hàng ở chợ Bình Tây (Q.6), cho hay khách đến mua hàng tại sạp anh gồm cả mua về bán lẻ ngay tại địa bàn TP.HCM, và cả những thương lái mua rồi đem bỏ mối ở các tỉnh như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương... Tại sạp hàng khá lớn của anh, hầu hết hàng hóa bày bán đều không có nhãn mác. Nếu chỉ nhìn vào hàng bày bán trong sạp, người mua không thể biết thông tin về nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên khi hỏi cụ thể, anh Hưng cho biết 80% hàng hóa trong sạp là hàng Trung Quốc. Trả lời câu hỏi tại sao hàng bán có quá nhiều “cái không”: không ngày sản xuất, không hạn sử dụng, không lưu ý khi sử dụng..., anh cho biết nếu đáp ứng được các quy định thì làm sao có được giá rẻ hơn tới 20-30% như vậy (?).

Trong khi đó, một số người tiêu dùng trước đây thường xuyên sử dụng những mặt hàng này cho biết khi mua hàng, họ hầu như không bao giờ được biết hạn sử dụng. “Trước đây tôi xài loại bột ngọt đóng bịch khoảng 28.000 đồng/kg, rẻ hơn bột ngọt có nhãn mác sản xuất trong nước ít nhất 10.000 đồng/kg nhưng không biết được hạn sử dụng của sản phẩm” - chị Nguyễn Thị Thúy, khách mua hàng tại chợ Bình Tây, nói. Chị Thúy còn cho biết cũng từng sử dụng một số thực phẩm đóng bịch như: thạch rau câu, thạch dừa... nhưng thấy sản phẩm không vệ sinh, khi ăn vào một vài lần có cảm giác khó chịu trong người nên chị đã không dùng nữa.

Hàng lậu được bán công khai

Theo một cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng hàng hóa miền Nam, an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề mang tính chất quốc gia. Hiện nay các cơ quan chức năng có trách nhiệm về vấn đề này đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, các biện pháp ngăn chặn thực phẩm trôi nổi, thực phẩm “bẩn” có hữu hiệu hay không lại là một vấn đề khác. Theo ông này, quy định hàng hóa lưu hành trên thị trường doanh nghiệp phải công bố đầy đủ thông tin: nơi sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, nhà nhập khẩu, công bố chất lượng... Nếu không có những thông tin này trên nhãn mác, bao bì có nghĩa là nhà nhập khẩu đã không minh bạch, là hàng nhập lậu, không qua kiểm soát và không được kiểm định về chất lượng, độ an toàn với người sử dụng.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa - trưởng phòng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Sở Y tế TP.HCM, hiện các loại thực phẩm trôi nổi, nhập khẩu chui đang lưu hành trên thị trường thuộc trách nhiệm quản lý của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM. Ông này cũng thừa nhận đối với các loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường hiện nay, sở chưa từng kiểm tra, kiểm định chất lượng và độ an toàn.

Về vấn đề này, ông Dương Công Khanh, trưởng phòng nghiệp vụ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết đơn vị này đang đặc biệt chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chi cục cũng thường xuyên kiểm tra hóa đơn, chứng từ hàng thực phẩm, đặc biệt chú trọng tới mặt hàng xuất xứ Trung Quốc. Với các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường hiện nay, chi cục có kiểm tra, nếu phát hiện sẽ tịch thu. Tuy nhiên, một vị lãnh đạo chi cục này thừa nhận do thị trường TP.HCM khá lớn, lực lượng quản lý thị trường còn mỏng nên không thể quản lý hết được. Vì thế, cách tốt nhất để bảo vệ mình là người tiêu dùng không mua những mặt hàng đó.

Kiểm tra hàng quần áo và đồ chơi trẻ em

Sau thông tin formaldehyde có trong quần áo xuất xứ Quảng Đông (Trung Quốc), Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết tuần qua đơn vị này đã tăng cường kiểm tra các loại hàng hóa đang lưu hành trên thị trường, trong đó chú ý đặc biệt mặt hàng quần áo, đồ chơi trẻ em, hàng xuất xứ Trung Quốc.

Trong tuần đội 5B, đội Tân Bình kiểm tra ba vụ kinh doanh quần áo xuất xứ Trung Quốc ở trung tâm thương mại An Đông và khu vực chợ Tân Bình, tạm giữ 1.854 quần jean, kaki và 3.000 áo thun. Đội 1 B kiểm tra hai cửa hàng, tạm giữ 17 thùng, bao. Đội Bình Chánh tạm giữ 46 súng, kiếm nhựa tại một cửa hàng ở xã Phong Phú. Đội 6B kiểm tra một cửa hàng ở chợ Bình Tây, tạm giữ 72 vỉ, súng dùng pin. Các lô hàng bị bắt giữ đều xuất xứ Trung Quốc, là hàng cấm kinh doanh hoặc không có hóa đơn chứng từ.



Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường