Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quảng Ngãi phát triển vùng lúa chất lượng cao
23 | 06 | 2009
Công trình đại thủy nông Thạch Nham được đưa vào sử dụng đã giúp nông dân Quảng Ngãi giải quyết cơ bản về nguồn nước tưới cho cây trồng. Ðặc biệt, nhờ chủ động nước tưới, nông dân đã thực hiện chuyển dịch mùa vụ, đầu tư sản xuất nhiều loại cây trồng, phát triển vùng lúa chất lượng cao.

Quảng Ngãi là tỉnh có nền nông nghiệp phát triển khá ổn định. Ngoài hàng chục nghìn ha cây trồng chính như ngô, mì, khoai lang và cây công nghiệp ngắn ngày thì cây lúa được coi là cây lương thực chính có giá trị kinh tế lớn, với diện tích canh tác hằng năm khoảng hơn 36 nghìn ha. Gần đây, nông dân thực hiện chuyển dịch mùa vụ, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, trong đó Ðề án chuyển đổi ba vụ lúa bấp bênh sang sản xuất hai vụ ăn chắc trong năm đã được các huyện triển khai thực hiện thành công.

Từ vụ hè thu năm 2006, Trung tâm khuyến nông  đã đầu tư vốn, chọn 125 hộ nông dân sản xuất giỏi tại các vùng chuyên canh cây lúa ở các huyện Nghĩa Hành, Ba Tơ, Tây Trà, Tư Nghĩa tham gia tập huấn kỹ thuật trồng trọt và triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao. Kỹ sư Lê Văn Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi cho biết, ngay từ vụ đầu tiên, tỉnh đã quy hoạch sản xuất 36 ha lúa, sử dụng các bộ giống lúa BM 9855 và DH 815-6, DB6 và HT1 có hiệu quả. Qua đánh giá trong vụ sản xuất vừa rồi, nông dân đã giảm được chi phí sản xuất đáng kể (chủ yếu giảm thuốc bảo vệ thực vật và chăm bón lúa). Sản lượng lúa tăng gấp 1,5 lần so với các vùng sản xuất lúa đại trà bình thường và chất lượng gạo thơm ngon, có thể xuất khẩu đạt giá trị kinh tế cao. Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao không những góp phần ổn định lương thực cho địa phương mà nhiều gia đình nông dân đã từng bước xóa được cảnh "đói cơm, lạt muối" và vươn lên làm giàu.

Chúng tôi về huyện Mộ Ðức, huyện  trọng điểm lúa của tỉnh đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn triển khai thực hiện vùng lúa chất lượng cao. Nhìn cánh đồng lúa Ðức Tân trải dài ngút tầm mắt xanh mơn mởn, mọi người đều dễ dàng cảm nhận nông dân ở đây sẽ có một mùa lúa bội thu. Mộ Ðức được đánh giá là nơi đi đầu trong mô hình thực hiện quy trình "ba giảm, ba tăng" vùng lúa chất lượng cao. Ðó là giảm lượng lúa giống/ha, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế đối với cây lúa. Ngay từ năm 2007, huyện đã chi ngân sách thực hiện công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa và hỗ trợ giống cho hàng trăm hộ nông dân đầu tư phát triển vùng lúa chất lượng cao. Các hợp tác xã nông nghiệp Bồ Ðề, Ðức Thạnh I, Ðức Thạnh II, Nam Hòa và Ðức Tân là những địa phương đi đầu trong việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất lúa. Kết quả, toàn huyện đã có 267 hộ nông dân trực tiếp sản xuất hơn 315 ha lúa chất lượng cao.

Qua đánh giá ban đầu về quy trình thâm canh, chăm bón và kết quả của những giống lúa mới đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nông dân trong huyện tiếp tục đầu tư sản xuất lúa chất lượng cao, với diện tích vụ sau tăng cao hơn vụ trước. Nhiều diện tích sản xuất lúa đại trà trước đây năng suất, chất lượng kém nay nông dân đã bắt đầu chuyển sang làm lúa chất lượng cao. Ngay trong vụ hè thu năm 2008, nông dân trong huyện đã mở rộng diện tích sản xuất giống lúa mới lên gấp hai lần so với vụ trước, bình quân năng suất lúa đạt hơn 65 tạ/ha và chất lượng gạo được người tiêu dùng chấp nhận mua với giá cao...

Từ mô hình trên, đến nay Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi tiếp tục nhân rộng mô hình vùng lúa chất lượng cao lên hàng trăm ha. Ngay trong vụ hè thu 2009, nông dân các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Trà Bồng, Tây Trà đã tăng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao lên gấp 1,5 lần so với vụ hè thu năm ngoái. Ði trên những cánh đồng lúa thuộc xã Ðức Tân, Ðức Hòa, Ðức Lân, Hành Ðức và thị trấn La Hà trong những ngày này, chúng tôi nghe nhiều nông dân được mùa lúa tâm sự: Thời tiết năm nay phức tạp, những cơn mưa trái mùa đã làm cho hàng nghìn ha lúa đại trà bị thiệt hại. Nhưng nhờ thực hiện chuyển dịch mùa vụ, thay đổi giống lúa chất lượng cao nên nhiều hộ nông dân vẫn trúng mùa lúa vừa rồi. Có hộ nông dân bán lúa thu hàng chục triệu đồng và đã đầu tư sửa chữa nhà cửa khang trang,  mua xe máy, sắm máy thu hình. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, một nông dân có kinh nghiệm sản xuất lúa chất lượng cao ở Hợp tác xã nông nghiệp Ðức Tân (Mộ Ðức) nói: Nhờ trúng cả ba vụ lúa liên tiếp, cho nên gia đình đã có của ăn của để. Năm rồi, gia đình bán lúa không những trả hết nợ ngân hàng trước đây mà còn có tiền xây nhà và mua máy thu hình để xem thời sự, ca nhạc, mấy đứa nhỏ thích lắm...

Theo kỹ sư Ðào Minh Hường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi: Việc chuyển hướng phát triển vùng lúa chất lượng cao là phù hợp yêu cầu khách quan. Hiện Quảng Ngãi hội đủ các điều kiện cơ cấu, đầu tư cho năm huyện trọng điểm lúa của tỉnh bảo đảm mở rộng vùng lúa chất lượng cao lên mười nghìn ha trong những năm tới đó là các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Ðức và Nghĩa Hành. Với giải pháp của chương trình này là tập trung nguồn vốn cho công tác quy hoạch, cải tạo đồng ruộng và bố trí vùng sản xuất lúa chủ động nguồn nước tưới; thực hiện tốt việc tuyển chọn bộ giống lúa và cơ cấu phù hợp từng chân ruộng. Ðây là yếu tố cơ bản để nông dân sử dụng giống lúa đúng cơ cấu trong từng vụ sản xuất và bảo đảm tính hiệu quả trong từng bộ giống lúa. Ngành nông nghiệp phải tổ chức tập huấn cho nông dân kịp thời, đầy đủ chương trình kỹ thuật, những quy trình cơ bản về sản xuất và thâm canh tăng năng suất cây lúa...

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai thực hiện chương trình phát triển vùng lúa chất lượng cao vẫn còn nhiều vướng mắc, cần sớm được khắc phục. Ðó là vùng sản xuất lúa chưa ổn định. Nhiều nông dân còn lúng túng trong việc áp dụng quy trình sản xuất những loại giống lúa mới. Có địa phương chưa đầu tư nguồn vốn thích đáng, sản xuất lúa có tính tự phát. Cái khó của nông dân là bộ lúa giống thiếu, không đa dạng chủng loại nên bố trí cơ cấu giống trong từng vụ sản xuất thường gặp trở ngại. Nhiều vụ sản xuất chính vẫn thiếu giống lúa chất lượng cao, cơ cấu không bảo đảm phải sử dụng bộ giống lúa đại trà địa phương. Vấn đề chế biến và bao tiêu sản phẩm lúa, gạo cho nông dân còn khó khăn. Hiện nhiều doanh nghiệp ngại đầu tư trong lĩnh vực chế biến hàng nông sản, nhất là mặt hàng gạo xuất khẩu, vì còn nhiều trở ngại về giá cả, thị trường. Dù nông dân hội đủ điều kiện sản xuất tốt, nhưng thiếu sự liên kết của các nhà khoa học, doanh nghiệp thì mô hình sản xuất lúa chất lượng cao cũng sẽ đạt giá trị kinh tế không cao (bởi chưa có lối ra cho khâu chế biến và đầu ra sản phẩm)... Do đó cần có những giải pháp cụ thể để chương trình, đề án phát triển vùng lúa chất lượng cao ở Quảng Ngãi đến năm 2011 đạt được con số mười nghìn ha, như mục tiêu đề ra.



Nguồn: www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường