Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trái cây qua Trung Quốc: Không lo ách tắc
24 | 06 | 2009
Ông Phùng Hữu Hào, Cục phó Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bộ NN-PTNT, đã khẳng định như vậy khi trao đổi xung quanh quy định bắt buộc đăng ký, kê khai nguồn gốc 5 loại trái cây: nhãn, vải, chuối, thanh long và dưa hấu của VN xuất khẩu sang Trung Quốc từ ngày 1-7

. Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về quy định đang khiến doanh nghiệp (DN) và nông dân rất lo ngại này.

- Ông Phùng Hữu Hào: Theo hiệp định ký kết giữa VN - Trung Quốc (TQ) về hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ, kiểm dịch thực vật và thỏa thuận hợp tác giữa Bộ NN-PTNT cùng Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch TQ  (Aqsiq), TQ có quyền đưa ra các quy định bảo đảm an toàn thực vật như một dạng rào cản kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu.

Tuy nhiên, DN và người làm vườn không nên hoang mang. Khi xuất khẩu 5 loại trái cây nêu trên sang TQ, chỉ cần đăng ký tên DN và tên chủ lô hàng xuất khẩu cho Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bộ NN-PTNT (Nafiqad). Sau đó, Nafiqad sẽ gửi danh sách các đơn vị xuất khẩu kèm thêm nguồn gốc vùng trồng sang Aqsiq. Nafiqad và Aqsiq sẽ công nhận kết quả của nhau.

Việc kiểm định chất lượng sẽ không diễn ra trên tất cả lô hàng mà chỉ theo xác suất. Ngày 1-7 cũng chưa phải là thời hạn chót và chốt danh sách mà chỉ là thời điểm bắt đầu thực hiện thỏa thuận. Sau đó, các địa phương, DN vẫn có thể tiếp tục gửi danh sách đăng ký về Bộ NN-PTNT để thường xuyên cập nhật danh sách gửi sang TQ.


Theo hiệp định, phía VN cung cấp cho TQ danh sách các trang trại, vườn trồng trọt và cơ sở đóng gói 5 loại trái cây; thông báo tình trạng kiểm dịch sinh vật có hại, dư lượng thuốc trừ sâu quá ngưỡng đối với trái cây xuất khẩu. Ngược lại, phía TQ cung cấp cho VN danh sách các trang trại, vườn trồng và cơ sở đóng gói các loại trái cây xuất sang VN; thông báo tình trạng kiểm dịch thực vật.


Không chỉ đăng ký, kê khai nguồn gốc, doanh nghiệp xuất khẩu và người làm vườn còn phải chú trọng đến việc đóng gói và nhãn mác bao bì khi  xuất  5 loại trái cây sang Trung Quốc. Ảnh:T. Đức


. Vậy những DN chưa kịp đăng ký có bị ách hàng lại tại cửa khẩu không, thưa ông?

- Các cơ quan của Bộ NN-PTNT đã có nhiều văn bản yêu cầu địa phương đốc thúc DN và nông dân đăng ký, kê khai sớm, song đến ngày 23-6 mới có 32 tỉnh, TP gửi danh sách. Mục đích của yêu cầu phía TQ là khi cần họ sẽ truy xuất hàng hóa dễ dàng hơn. Trong trường hợp các đơn vị không đăng ký, phía TQ có thể đối chiếu danh sách do VN cung cấp và dừng nhập hàng của đơn vị nằm ngoài danh sách. Việc kê khai, đăng ký rất đơn giản và thuận tiện. Do vậy sẽ không lo ách tắc.


Để tránh ách tắc, Bộ NN-PTNT cũng thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết các vấn đề về rào cản kỹ thuật liên quan đến xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản giữa VN - TQ. Chiều 25-6, tổ công tác này sẽ lên danh sách các vùng trồng, bao gói và DN xuất khẩu 5 loại trái cây để gửi cho phía TQ. Sau đó, danh sách sẽ liên tục cập nhật khi các đơn vị đăng ký bổ sung. 


Ngoài ra, khi xảy ra vấn đề gì nhiều lần hoặc mức độ lớn thì phía TQ sẽ cử đoàn sang kiểm tra năng lực cơ quan giám định VN, vùng trồng, cơ sở đóng gói... Ngược lại, VN cũng có quyền như vậy khi nông sản TQ nhập khẩu vào có vấn đề.Giữa tháng 7 tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức hội thảo về xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản để làm rõ các rào cản kỹ thuật về nông sản nhập khẩu của các nước. 


. Trong hiệp định và thỏa thuận hợp tác giữa hai nước có quy định nào mà phía TQ có thể áp dụng để tạo hàng rào kỹ thuật đối với nông sản VN xuất khẩu, ngoài kê khai nguồn gốc?

- Quy định mà hai bên ký kết có điều khoản về việc đóng gói hàng hóa và nhãn mác bao bì. Việc đóng gói bao bì là bắt buộc, vì từ trước nay, khi xuất hàng sang TQ, người dân không đóng vào các thùng, hộp, bao gói. Việc sử dụng rơm rạ, lót lá chuối làm cho phía nước bạn lo ngại mang theo các nấm mốc, vi sinh vật nguy hại... Chính vì điều này đã gây ra một số ách tắc hàng hóa ở cửa khẩu thời gian qua.


DN và nông dân khi xuất khẩu cần nâng cao ý thức hơn nữa đối với vấn đóng gói, bao bì nông sản vì VN đã tham gia “sân chơi” lớn nên không thể đơn giản hóa hoạt động giao thương. Mặt khác, vì TQ đã có quy định đối với bao bì, đóng gói nên khi không thực hiện đúng sẽ dẫn đến tình trạng ách tắc hàng hóa do phải đóng gói lại. Khi đó, DN VN sẽ thiệt hại và không tạo nên thương hiệu cho sản phẩm. Việc đóng gói rất đơn giản, chỉ cần ghi “vải Lục Ngạn” hoặc “vải  Thanh Hà”... là được.


Không phải mỗi lô hàng lại phải xuất trình một giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa vì đã có danh sách đăng ký rồi. Các chủ hàng chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với các mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật.

Khó cho nông dân

Bà Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội Trái cây VN, cho rằng việc truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ trái cây về lâu dài là cần thiết. Đối với DN xuất khẩu, việc này không gặp nhiều khó khăn nhưng với nông dân, đây là việc làm gian nan, khó thực hiện. Do nông dân còn làm ăn nhỏ lẻ, không mang tính tập trung nên việc đăng ký nguồn gốc, xuất xứ trái cây không hề dễ dàng.

Do đó, theo bà Mai, cần phải tập hợp các hộ sản xuất lại theo quy mô lớn, mang tính hợp tác xã chẳng hạn. Để làm được việc này, Nhà nước cần phải vào cuộc, tổ chức, sắp xếp lại sản xuất. Nếu để nông dân tự bơi, họ sẽ không bao giờ “cập bến” được.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường