Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đưa hàng về nông thôn: Doanh nghiệp còn lúng túng
24 | 06 | 2009
Trong lúc thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, thì việc quay trở lại thị trường nội địa trở thành sự lựa chọn mới của nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên chiếm lĩnh thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường nông thôn rộng lớn còn đang bỏ ngỏ thì lại không phải là phương án khả thi đối với tất cả các ngành hàng.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores), Nhà nước khuyến khích kích cầu thị trường nội địa, đưa hàng về nông thôn nhằm nâng cao kim ngạch cho ngành chế biến gỗ trong nước nên nhiều DN đã triển khai theo chủ trương này. Tuy vậy, khi bước vào thực tế đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc vì có tới 90% DN hiện nay đều có sản phẩm làm theo mẫu mã để xuất khẩu nên giá cả cao và không thể phù hợp với thị hiếu của nông thôn.

Thêm vào đó hiện tại thị hiếu tiêu dùng của người dân nông thôn vẫn chưa thay đổi, vẫn thích “ăn chắc mặc bền”, sử dụng sản phẩm gỗ từ rừng tự nhiên mà không chuộng sản phẩm làm từ gỗ rừng trồng hay gỗ nhân tạo. Với một người dân nông thôn, thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/tháng thì khó có thể mua một bộ bàn ghế cao cấp để sử dụng trong nhà. Hiện phía Hiệp hội cũng đang đề ra rất nhiều giải pháp để có thể tích cực đẩy mạnh tiêu thụ nội địa nhưng để làm được điều này thì cũng cần phải có thời gian khá dài…

Cũng giống như ngành gỗ, một lãnh đạo của ngành dệt may cho biết, không mấy doanh nghiệp của ngành này mặn mà với chủ trương đưa hàng về nông thôn vì với chi phí bỏ ra để mua nguyên liệu sản xuất dù là nguyên liệu ngoại nhập hay nguyên liệu trong nước thì doanh nghiệp cũng cầm chắc lỗ 50% nếu đưa hàng về bán ở nông thôn. Vì hiện nay thị hiếu tiêu dùng ở khu vực nông thôn vẫn chủ yếu nghiêng về các mặt hàng giá rẻ. Đối với ngành dệt may, đưa hàng về nông thôn chỉ khả thi với một số mặt hàng như hàng tồn kho chất lượng tương đối tốt mà lại được bán với giá rẻ. Đại diện hệ thống siêu thị Vinatex cho rằng, khó khăn hiện nay của ngành dệt may là không thể yêu cầu nhà sản xuất đưa ra những mặt hàng riêng cho từng vùng nông thôn.
 
Lâu nay, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước chỉ hướng ra xuất khẩu, bán ở thị trường nội địa thì giá đắt, chất lượng không phù hợp. Khâu phân phối cũng gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp phải tự thiết lập được kênh phân phối bán lẻ nhưng lại chưa thiết lập được mối liên kết với mạng lưới tiêu thụ là các đại lý sẵn có của các DN chuyên bán buôn, bán lẻ ở nông thôn. Hiện nay, hàng Trung Quốc đang tràn ngập thị trường với ưu thế về mẫu mã và giá cả dễ chấp nhận, các doanh nghiệp rất khó cạnh tranh.

Không ít trở ngại khiến cho các doanh nghiệp dè dặt với việc đưa hàng về nông thôn do lo ngại không có được hiệu quả như ý muốn. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị BigC cho biết: hiện siêu thị không triển khai chiến dịch đưa hàng về nông thôn mà chỉ hỗ trợ nông dân lên thành phố mua hàng tại siêu thị bằng cách tổ chức một số tuyến xe buýt đưa người dân ở các huyện ngoại thành tới BigC mua hàng với giá rẻ.



Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử
Báo cáo phân tích thị trường