Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gia Lộc phát triển chuyên canh rau màu
02 | 07 | 2009
Gia Lộc là huyện có truyền thống về sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương. Mặc dù những năm qua sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là điều kiện thời tiết không thuận lợi, song Huyện ủy, UBND huyện Gia Lộc vẫn tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp, góp phần từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Gia Lộc lần thứ 23 nhiệm kỳ 2005 - 2010 đã xây dựng, ban hành ba đề án về lĩnh vực nông nghiệp. Ðó là: Quy hoạch các khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh; thâm canh thủy sản tập trung, khuyến khích nuôi thủy đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích. Trong trồng trọt tập trung quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh rau quả cho giá trị kinh tế cao. Với mục tiêu đến hết năm 2010, mỗi xã sẽ quy hoạch được ít nhất một vùng chuyên canh rau quả có quy mô từ mười ha trở lên.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc cho biết: "Năm 2006, 2007 huyện chọn năm vùng ở năm xã làm thí điểm với tổng diện tích là 73,07 ha, vùng có diện tích lớn nhất là 19,14 ha, vùng có diện tích nhỏ nhất là 11,27 ha". Ðến nay đã có 22/23 xã hình thành được 53 vùng với tổng diện tích là 571,16 ha, mỗi vùng có diện tích từ mười ha trở lên; 27 vùng ở 23 thôn thuộc 15 xã với tổng diện tích 418,86 ha. Các hộ nông dân thực hiện chuyên canh rau màu ở các mùa vụ ngày càng cao.

Theo lịch thời vụ, vụ xuân được tính từ ngày 5-12 của năm trước đến 15-3 của năm sau, đây là thời điểm thời tiết khá thuận lợi nên ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân dành từ 600 đến 800 ha đất canh tác để sản xuất cây rau màu. Với diện tích canh tác trên, hằng năm, nhân dân quay vòng tăng vụ gieo trồng từ 1.200 đến 1.500 ha rau màu. Các loại cây trồng chính trong vụ này là dưa, bí, và rau các loại. Trong đó, cây dưa hấu, cải bắp và su hào được gieo trồng với diện tích khá lớn từ 300 đến 350 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Phạm Trấn, Toàn Thắng, Ðoàn Thượng, Hoàng Diệu, Gia Xuyên...

Từ ngày 16-3 đến 5-8, được tính là thời điểm gieo trồng của vụ hè thu, diện tích gieo trồng rau màu vụ hè thu thường từ 1.350 đến 1.650 ha, chiếm từ 8 đến 10% diện tích gieo trồng cả năm. Với các loại chủ yếu gồm: Dưa hấu, dưa lê, đỗ tương, rau xanh các loại. Trong đó, dưa hấu là cây trồng chủ lực của vụ này, từ 500 đến 800 ha, chiếm hơn 50% tổng diện tích. Những địa phương trồng nhiều ở vụ này là: Gia Xuyên, Hoàng Diệu, Phạm Trấn, Ðoàn Thượng...

Vụ đông được xem là vụ sản xuất chính của huyện, đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân Gia Lộc, sản xuất vụ đông kéo dài từ ngày 5-8 đến 15-12 với hơn 4.000 ha diện tích gieo trồng, chiếm từ 22 đến 25% tổng diện tích gieo trồng cả năm. Cải bắp, su hào, súp lơ và các loại cải khác là cây trồng chủ lực. Trong đó rau cải chiếm từ 40 đến 45% tổng diện tích rau màu vụ đông.

Ðể mở rộng diện tích trồng cây rau màu, từng vụ trong năm huyện chỉ đạo chặt chẽ ngay từ khâu xây dựng phương án sản xuất, lịch gieo trồng cho từng loại cây trồng. Trong đó khuyến khích các địa phương phát triển mở rộng diện tích trồng rau màu trái vụ, lưu vụ. Các cơ quan chuyên môn xây dựng quy trình kỹ thuật và phối hợp các địa phương tập huấn kỹ thuật cho nông dân như: Kỹ thuật làm đất, làm bầu ươm cây con, phòng trừ sâu bệnh và lựa chọn loại cây trồng đưa vào sản xuất ở những thời vụ khó khăn, nhằm thu được giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, những năm qua huyện Gia Lộc đã từng bước hình thành các vùng chuyên canh rau màu, chuyên cây tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa như: Vùng bắp cải ở các xã Gia Xuyên, Hoàng Diệu, Lê Lợi. Vùng su hào ở các xã Phạm Trấn, Ðoàn Thượng, Nhật Tân. Vùng cải dưa ở Liên Hồng, Hồng Hưng. Vùng bí xanh ở Quang Minh, Ðồng Quang. Vùng ngô giống ở Toàn Thắng, Lê Lợi, Ðoàn Thượng. -Chị Ðồng Thị Hoan, xóm Bến, thôn Tằng Hạ, xã Gia Xuyên, cho biết, gia đình chị tính trung bình nếu trồng dưa hấu và dưa lê trên diện tích là một sào thì chi phí phân bón cộng với công chăm sóc mất một triệu đồng, nhưng vẫn thu lãi được từ ba đến bốn triệu đồng/sào.

Ðể làm tốt công tác tiêu thụ nông sản cho nông dân, huyện Gia Lộc khuyến khích các thành phần kinh tế hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản thực phẩm; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hợp tác sản xuất và bao tiêu nông sản cho nông dân. Hằng năm, tám hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu khoảng 500 ha với sản lượng 3.500 tấn ngô giống với Viện Nghiên cứu ngô Trung ương, ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu khoảng 1.000 ha có sản lượng 50 nghìn tấn cải các loại với Công ty chế biến nông sản thực phẩm Hải Dương... Ngoài ra, một số hợp tác xã còn sản xuất khoai tây giống cho Công ty giống cây trồng Hải Dương, Công ty Phương Nam...

Hiện nay, huyện đã và đang chỉ đạo triển khai xây dựng chợ đầu mối nông sản tại xã Gia Xuyên với quy mô 3,3 ha, và dự kiến mở rộng tới 6,7 ha. Mặc dù chợ chưa xây dựng xong, nhưng hằng ngày lưu lượng hàng hóa nông sản (chủ yếu là dưa hấu) được luân chuyển hàng trăm tấn từ Gia Lộc đi Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội... Nhiều địa phương trước mỗi thời điểm thu hoạch rau màu tổ chức gặp mặt các tư thương thu mua nông sản để thông báo tình hình sản xuất, dự kiến khả năng tiêu thụ cũng như các chủ trương, chính sách của Ðảng ủy, UBND xã, huyện. Ngoài tiêu thụ nông sản cho gia đình mình, các hộ còn thu mua và tiêu thụ nông sản cho các hộ không có điều kiện. Nhờ vậy sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có hiện tượng nông sản của nông dân không bán được.



Nguồn: www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường