Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kích cầu từ những phiên chợ quê
03 | 07 | 2009
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến doanh số bán hàng của nhiều doanh nghiệp (DN) sụt giảm mạnh. Thị trường thành thị vốn được coi là mảnh đất "màu mỡ" trở nên quá chật hẹp, bởi sức mua đã bão hòa.

Trong khi đó, thị trường nông thôn, hiện chiếm hơn 70% dân số, lại đang bị lãng quên. Chỉ đến khi qua 4 phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn", nhiều DN "cháy hàng" sau vài giờ chào bán, các DN mới chợt nhận ra một thị trường tiềm năng.

Mảnh đất màu mỡ bị bỏ quên

Có thể nói, sự vắng bóng của hàng Việt Nam đã tạo điều kiện cho hàng nhập khẩu cấp thấp tràn ngập thị trường nông thôn. Phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn" (lần đầu tiên ở phía Bắc) đã được Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày 2-7 tại Lục Ngạn (Bắc Giang) được coi là một nỗ lực giúp DN Việt Nam giành lại "sân nhà". Nhận xét về mối quan hệ giữa DN và thị trường nội địa, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, một trong những chuyên gia kinh tế từng dồn nhiều tâm huyết cho việc phát triển thị trường nội địa cho rằng: Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và sẵn sàng đổ bộ vào chiếm lĩnh thị trường, thì chúng ta lại chưa quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa. Thực tế, thương mại nội địa hiện chỉ tạo ra giá trị trên 15% GDP. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, lâu nay DN Việt Nam vẫn có tâm lý hàng nào tốt nhất, đẹp nhất thì dành để xuất khẩu, còn thị trường nội địa, đặc biệt là khu vực nông thôn, chiếm tới 70% dân số nước ta, lại không được quan tâm. Chỉ đến khi kinh tế khó khăn, doanh số bán hàng sụt giảm, phải bươn chải mới tiêu thụ được hàng, họ mới chợt nhận ra, đã bỏ quên một thị trường đầy tiềm năng.

Khảo sát của Trung tâm BSA cho thấy, hàng ngoại bán tại chợ nông thôn nhiều, nhưng còn đơn điệu, trong đó có từ 80% đến 90% hàng hóa không có tem nhãn, không rõ nguồn gốc. Hàng Việt Nam về nông thôn chủ yếu là hàng điện máy, điện tử, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm. Trong khi đó, người tiêu dùng lại thích những sản phẩm giá rẻ là may mặc, thực phẩm, đồ gia dụng có xuất xứ trong nước với chất lượng bảo đảm. Sự lơ là trong việc hỗ trợ cho mạng lưới bán lẻ tại thị trường nông thôn của các DN đã khiến hàng nội chưa có chỗ đứng ở khu vực này.

Giành lại "sân nhà"

Sau khi khảo sát và nghiên cứu về thị trường nông thôn, các DN thành viên của Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao, thông qua Trung tâm BSA đã tổ chức những phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn". Với mô hình gọn, nhẹ, tiết kiệm chi phí, các DN đã biến một chiếc xe tải trở thành một quầy hàng lưu động tại phiên chợ quê. Kết hợp với hình thức tặng quà, khuyến mãi, mời dùng thử sản phẩm... DN đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của khách hàng. Tại phiên chợ diễn ra ngày 2-7 tại Lục Ngạn, sản phẩm của nhiều DN như: Vifon Acecook, Kinh Đô, Vinatexmart, thực phẩm Vissan, Đức Việt... được người dân chào đón nhiệt tình. Theo kế hoạch, đến 19h mới khai mạc phiên chợ, nhưng 22 DN tham gia sự kiện này đã phải bán hàng từ lúc 16h để đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách hàng. Chỉ qua hơn 1 giờ bán hàng, doanh thu đã đạt hơn 165 triệu đồng, trong đó mỳ Hảo Hảo, mũ bảo hiểm Chí Thành, mỳ Acecook bán chạy nhất... Bà Vũ Kim Hạnh (Giám đốc Trung tâm BSA) cho biết, phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn" đầu tiên được một người dân địa phương nhận xét: Từ nhỏ tới giờ mới thấy hàng Việt Nam chất lượng cao thứ thiệt về tới quê. Sức mua tại thị trường này vượt xa tầm suy đoán của DN.

Mặc dù các DN trong nước đã bỏ ngỏ thị trường nội địa đầy tiềm năng trong một thời gian dài, song theo bà Hạnh, vẫn có cơ hội giành lại bằng cách nghiên cứu và đưa ra những sản phẩm bảo đảm chất lượng, phù hợp với túi tiền của người dân. Bà Hạnh tiết lộ, một thương hiệu may cao cấp sau khi dự phiên chợ đã quyết định sẽ đưa ra một dòng sản phẩm mới có thể đáp ứng được thị trường nông thôn, nơi mà trước kia họ không bao giờ để mắt tới.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để giành lại thị trường nội địa, ngoài sự nỗ lực của DN, rất cần những chính sách ưu đãi hợp lý của Chính phủ. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, sẽ hỗ trợ nhóm sản xuất, kinh doanh mà trọng tâm là kích cầu nông thôn. Hiện người nông dân được hưởng chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi để mua xe máy, công nông, máy móc nông nghiệp, vật liệu xây dựng làm nhà… Chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ là động lực quan trọng kích cầu tiêu dùng khu vực này, góp phần phát triển hợp lý thị trường nội địa, từng bước giúp kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức để bảo đảm tăng trưởng bền vững.



Nguồn: Báo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường