Tới tham dự hội thảo có hơn 100 khách mời là đại diện các doanh nghiệp trong ngành phân bón, lĩnh vực nông- lâm nghiệp; đại diện các tập đoàn tài chính, công ty chứng khoán, đầu tư thương mại, công ty nghiên cứu thị trường, Viettel Media; các ngân hàng thương mại cổ phần như TECHCOMBANK và đông đảo giới truyền thông như kênh truyền hình VTC, Invest TV, Thông tấn xã Việt Nam, Đài tiếng nói VN, các báo Lao Động, Thời báo Kinh tế Việt Nam...
Qua hai báo cáo về tình hình phân bón trong nước và trên thị trường quốc tế 6 tháng đầu năm 2009 cũng như một số dự báo về sự phát triển của thị trường trong nước, các khách mời tham gia hội thảo đã phần nào hiểu rõ hơn về hiện trạng của ngành phân bón Việt Nam và tình hình thị trường phân bón quý 2 năm 2009.
Cuộc hội thảo đã thực sự “nóng ” lên khi các chuyên gia phân tích đề cập đến những dự báo về cung, cầu và mặt bằng giá cũng như những khó khăn trong việc tiếp cận ngoại tệ của doanh nghiệp, khó khăn do chính sách thuế nhập khẩu mà các chuyên gia phân tích là Th.sĩ Phạm Quang Diệu, diễn giả Nguyễn Trang Nhung, Trương Hồng Kim đưa ra. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện báo chí và khách mời sôi nổi trao đổi, đóng góp ý kiến với các vấn đề được nêu trong Hội thảo triển vọng thị trường phân bón Việt Nam. Trên đường trở thành địa chỉ tin cậy về lĩnh vực thông tin nông nghiệp nông thôn, AGROINFO đang đẩy mạnh áp dụng các công cụ truyền thông đa phương tiện, trở thành cầu nối phân tích và thực tiễn, cung cấp thông tin và số liệu phân tích chất lượng, kịp thời về nông nghiệp nông thôn Việt Nam và tình hình thế giới cho các đối tượng quan tâm. Qua cuộc hội thảo lần này, AGROINFO muốn mở ra những nhìn nhận và tư duy mới cho cộng đồng doanh nghiệp các ngành hàng nông sản, góp phần chung tay cùng các doanh nghiệp ngành hàng nông sản Việt Nam vượt qua khủng hoảng và phát triển bền vững.
|
Ông Phạm Quang Diệu - Giám đốc AGROINFO đang trao đổi với các khách mời tại hội thảo |
Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay rất khó khăn để có thể đưa ra một dự báo chính xác cho ngành phân bón Việt Nam, nhất là trong tình trạng suy thoái kinh tế và khủng hoảng toàn cầu thì những thông tin mà Trung tâm thông tin nông nghiệp nông thôn đưa ra có thể là cơ sở dữ liệu tốt để chính các doanh nghiệp có thể cân nhắc và đưa ra các quyết định kinh doanh. Giá phân bón trên thị trường Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn từ các biến động giá trên thị trường thế giới do tỷ trọng nhập khẩu cao và không chủ động được nguồn cung nên chuyện thiếu, thừa vẫn xảy ra. Bên cạnh đó là việc điều tiết thị trường chưa được thực hiện tốt, các số liệu dự báo cung cầu còn có sự chênh lệch lớn. Chưa có cơ quan nào đứng ra điều tiết hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và dự trữ phân bón trên bình diện tổng thể để cân đối cung cầu trong nước mà hoàn toàn là do các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu tự cân đối phụ thuộc vào khả năng của mỗi doanh nghiệp.
|
ThS Trang Nhung và ThS Hồng Kim đang trao đổi với các khách mời về vấn đề cung, cầu phân bón |
Thị trường phân bón Việt Nam tính đến hết quý II/2009 khá ổn định với nguồn cung dồi dào, giá cả không có biến động mạnh. So với cùng kỳ năm 2008 giá phân bón đã giảm mạnh, đặc biệt là giá phân bón nhập khẩu trung bình 6 tháng đầu năm chỉ vào khoảng 60-70% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, dự báo nửa cuối năm 2009 giá cả vẫn có xu hướng tăng do chi phí đẩy.
Đối với các vấn đề về khó khăn của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phân bón trong việc tiếp cận ngoại tệ và các rủi ro về tỷ giá hối đoái; đại diện của một số ngân hàng cho biết trong thời gian qua, thị trường ngoại hối trong nước có những biểu hiện căng thẳng mà nguyên nhân chủ yếu làm căng thẳng ngoại tệ trên thị trường trong thời gian vừa qua là do tác động của các yếu tố khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tâm lý găm giữ ngoại tệ. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu găm giữ, không bán ngoại tệ nên NHTM không có đủ ngoại tệ để điều hoà cho nền kinh tế. Thêm vào đó, giới đầu cơ đã lợi dụng tâm lý găm giữ ngoại tệ trên thị trường, đưa ra những tin đồn thất thiệt để mua bán kiếm lời, gây nên biến động tỷ giá trên thị trường “chợ đen”. Tác động của chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp vay bằng VND. Do lãi suất vay VND thấp, phạm vi và thời gian cho vay được mở rộng, theo chủ trương kích cầu của Chính phủ, một số doanh nghiệp có ngoại tệ có xu hướng không muốn bán ngoại tệ ra và chỉ muốn vay bằng VND. Vì vậy mặc dù nhu cầu ngoại tệ không quá lớn nhưng do doanh nghiệp không bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, nên các NHTM không có đủ ngoại tệ để phục vụ doanh nghiệp.
|
Các doanh nghiệp và khách mời tham gia hội thảo rất quan tâm tới dự báo cung cầu nửa cuối năm 2009 |
Để ổn định thị trường ngoại tệ trong giai đoạn hiện nay, với những nguyên nhân như đã phân tích ở trên, NHNN đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường chấn chỉnh hoạt động mua bán ngoại tệ của NHTM, đại lý thu đổi ngoại tệ, hạn chế hoạt động của thị trường “chợ đen”. Các NHTM thống nhất hạ mặt bằng lãi suất cho vay ngoại tệ xuống còn từ 3-3,5%, mặt bằng lãi suất huy động ngoại tệ ở mức từ 1-1,5%, giúp cho việc nắm giữ VND có lợi hơn và giảm áp lực tăng dư nợ VND. Tin rằng với những động thái tích cực trên sẽ góp phần làm ấm lên thị trường ngoại tệ, giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành phân bón nói riêng và các doanh nghiệp nói chung.
Cũng tại cuộc hội thảo ông BÙi Quang Huy, Giám đốc Viettel Media đã chia sẻ về dự án cung cấp thông tin nông nghiệp nông thôn theo hướng truyền thông đa phương tiện. Viettel Media đã từng có nhiều dự án hợp tác thành công với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện Chiến lược và chính sách nông nghiệp, AGROINFO. Ông Huy cho biết đang có những bước xúc tiến với AGROINFO để xây dựng một kênh thông tin nông nghiệp cho người nông dân.
Nhìn chung, đây là cuộc hội thảo có tính quy mô để tìm ra những giải pháp hữu hiệu, có tầm nhìn chiến lược về thị trường phân bón cũng như giúp các doanh nghiệp có thêm thông tin thị trường phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh từ nay đến hết năm 2009.