Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường phân bón trong nước: Phải được bình ổn bằng nội lực
16 | 07 | 2009
Thị trường phân bón trong nước thời gian qua lại liên tục có những biến động làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ngày 15-7, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội thảo về triển vọng thị trường ngành phân bón nhằm đưa ra những phân tích, dự báo giúp các doanh nghiệp và nông dân đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời.

Giá cả bất ổn

Việt Nam là quốc gia nông nghiệp nên nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn. Theo tính toán, năm 2009 cả nước cần khoảng 8,5 đến 9 triệu tấn phân bón mới đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Trong khi đó, cả nước chỉ có khoảng 200 cơ sở sản xuất phân bón, nhưng chỉ có 20 doanh nghiệp lớn, còn lại là các doanh nghiệp nhỏ với công nghệ sản xuất lạc hậu. Chính vì vậy, nguồn cung phân bón nội địa mới chỉ đáp ứng được 50-60% tổng cầu về u-rê và phải nhập khẩu 100% phân SA, kali. Do phải nhập khẩu một lượng phân bón lớn nên thị trường phân bón trong nước phụ thuộc rất nhiều vào thị trường phân bón thế giới khiến giá phân bón trong nước những năm qua liên tục có nhiều biến động. Đơn cử như thời điểm quý II - 2008, giá phân bón thế giới tăng mạnh khiến giá phân bón trong nước tăng cao chưa từng thấy trong gần 20 năm trở lại đây (phân u-rê tăng bình quân 830 USD/tấn, phân DAP tăng 1.200 USD/tấn, phân kali tăng 1.015 USD/tấn...). Lợi dụng giá phân bón tăng cao, nông dân khó khăn, một số doanh nghiệp trong nước đã đưa ra nhiều loại phân kém chất lượng, phân giả bán ra thị trường. Đang tăng chóng mặt, đánh đùng một cái, sang quý III - 2008, giá phân bón thế giới liên tục hạ kết hợp với khi đó vụ đông xuân 2008 các tỉnh miền Trung bị lũ lụt khiến sản xuất đình trệ làm số lượng phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu ế, tồn kho lớn gây ra những áp lực đối với các nhà sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh. Ngay trong tháng 7 này, giá phân bón trong nước vẫn có xu hướng đi xuống do giá phân bón thế giới giảm nhẹ và sức mua nội địa thời gian này thấp. Ngày 15-7, giá phân u-rê tại Hà Nội giá giảm nhẹ từ 6.500 đồng/kg, giảm xuống 6.000 đồng/kg so với tuần trước.  Giá phân kali tại An Giang trong tuần 2 của tháng 7 đã giảm mạnh ở mức thấp nhất từ đầu năm trở lại đây xuống chỉ còn 10.800 đồng/kg.

Bình ổn giá phân bón bằng nội lực

Theo phân tích của các chuyên gia của Trung tâm Thông tin, phát triển nông nghiệp, nông thôn dự báo nhu cầu tiêu thụ phân bón vô cơ trên thế giới tiếp tục tăng trong những năm tới (trung bình 2,23%/năm) do các quốc gia đua mở rộng diện tích canh tác và sử dụng nhiều phân bón để tăng năng suất, sản lượng các mặt hàng nông sản. Trong nước, dự báo các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phân bón cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận ngoại tệ và các rủi ro về tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, chính sách tăng thuế xuất, nhập khẩu đối với một số loại phân bón của Nhà nước và việc tăng giá thành nguyên liệu nội địa cho sản xuất phân bón... cũng sẽ làm giá phân bón tăng trong thời gian tới.

Bình ổn thị trường phân bón là một trong những yêu cầu then chốt nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nông dân. Để thị trường phân bón ổn định, bảo đảm chất lượng, ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, ngành sản xuất phân bón trong nước cần phải được quan tâm phát triển để tăng sản lượng nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa. Đặc biệt cần ưu tiên đầu tư liên doanh hoặc tư nhân hóa phát triển phân lân nung chảy vì nhu cầu về loại phân này ở nước ta lên đến 1.200.000-1.500.000 tấn/năm nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 550.000 tấn. Trong khi đó, sản xuất phân lân nung chảy hầu hết là nguyên liệu nội địa sẵn có như than đá, quặng, apatis, serpentin... Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh sản xuất phân NPK chất lượng cao. Loại phân bón này nếu tăng cường cải tiến, đổi mới công nghệ thì có thể thay thế được một phần DAP nhập khẩu. Nếu sản xuất nội địa bảo đảm sẽ hạn chế đáng kể tình trạng nhập siêu.



Nguồn: Báo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường