Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cá tra sôi động
16 | 07 | 2009
Nhiều thị trường nhập khẩu thủy sản trên thế giới đang tăng mạnh khối lượng mua cá tra của Việt Nam.

Dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) về việc giá cá tra sẽ tăng trở lại từ giữa tháng 7 đã trở thành hiện thực,  khi thị trường xuất khẩu cá tra đang hồi phục mạnh.

Vào giữa tháng 6, giá cá tra giảm xuống còn 14.000 đồng/kg và các ngành chức năng dự báo đây chỉ là tạm thời.

Theo các chủ trại nuôi cá ở An Giang, Đồng Tháp, giá cá tra mấy ngày đầu tuần này đã tăng thêm 200-400 đồng lên 15.000-15.400 đồng/kg, với mức giá này, nhiều chủ trại nuôi quy mô công nghiệp cho biết một kg cá, người nuôi lãi 1.000 đồng.

Xuất khẩu cá hồi phục

Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) ở thành phố Cần Thơ đang tăng cường mua cá tra nguyên liệu vì bước sang tháng 8 tới đây, công ty sẽ xuất khẩu trên 50 container cá tra đông lạnh sang thị trường Mỹ.

Đây là những hợp đồng đã được ký kết mà một phần nhờ vào tháng 3 năm nay, công ty đã thành lập Công ty Bianfishco US tại bang California (Mỹ). Trước đó, hồi tháng 6 Bình An đã tăng mạnh khối lượng cá tra xuất khẩu lên hơn 2.500 tấn, với kim ngạch gần 7 triệu đô la Mỹ, so với 5,3 triệu đô la Mỹ trong tháng 5.

Một doanh nghiệp khác cũng ở Cần Thơ là Công ty Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (South Vina) cũng đang tăng dần khối lượng xuất khẩu. Trong 5 tháng đầu năm nay South Vina chỉ xuất khẩu 3.583 tấn cá tra đông lạnh thì riêng tháng 6 qua, công ty đã tăng lên 1.000 tấn.

Lý giải trường hợp xuất khẩu cá tụt giảm trong tháng 4 và 5, ông Dương Việt Thắng, Phó giám đốc South Vina cho rằng lúc đó là mùa hè, các đơn hàng từ thị trường châu Âu giảm so với những tháng trước, ngay công ty ông trong tháng 5 chỉ xuất được 700 tấn cá. Việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ của South Vina cũng hồi phục trở lại, ổn định cả sản lượng lẫn giá cả.

Cả Bianfishco và South Vina hồi tháng 3-2009 được Bộ Thương mại Mỹ công bố không bán phá giá cá tra vào thị trường nước này sau khi xem xét hành chính từng năm, điều này có nghĩa cả 2 công ty sẽ được áp mức thuế suất chống bán phá giá 0%.

Do vậy, theo ông Thắng, từ tháng 7-2009 trở đi thị trường xuất khẩu của South Vina có nhiều biến đổi, khi Mỹ sẽ là thị trường lớn của công ty, thay vì Tây Ban Nha như lâu nay.

Công ty QVD ở Đồng Tháp thì giới thiệu các sản phẩm cá tra, cá ba sa được nuôi ở Việt Nam tới các nhà hàng sang trọng ở Mỹ. QVD hiện chế biến thêm một số mặt hàng mới để thâm nhập thị trường Mỹ như lườn cá tra, cuộn cá tra và cá tra cắt miếng Basa Vina Pearl để cung cấp cho các nhà hàng.

1,3 hay 1 tỉ đô la Mỹ?

Đầu năm nay, trước tình hình xuất khẩu thủy sản, trong đó có cá tra, ba sa gặp nhiều khó khăn, chính Vasep đã đưa ra dự báo xuất khẩu cá tra năm nay khiêm tốn ở mức 1 tỉ đô la Mỹ , thấp hơn nhiều so với kim ngạch 1,48 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái.

Tuy nhiên, tình hình nay đã khác. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, đã thay đổi dự báo ban đầu, nâng lên 1,3 tỉ đô la Mỹ.

Ông Hòe cho biết dự báo nói trên dựa trên cơ sở xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga đã được khai thông, cùng với thị trường Mỹ tăng trưởng khá cũng như các thị trường nhỏ mới mở khác.

Sau khi khai thông thị trường Nga hồi tháng 3, trong tháng 5 và 6-2009, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 10.000 tấn cá tra, cá basa. Riêng tháng 7 này dự kiến xuất được khoảng 15.000 tấn. Ngoài ra, còn có thêm 2.000 tấn sản phẩm cá như cá nguyên con, cá cắt khúc, cá đóng gói nhỏ được đưa vào bán tại các siêu thị ở Nga.

Theo ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương ở Tiền Giang, kiêm Trưởng ban điều hành xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga, dự kiến xuất khẩu cá tra sang Nga trong năm nay có thể đạt 70.000-80.000 tấn, tuy thấp hơn năm ngoái nhưng giá bán lại cao hơn nhiều do các nhà xuất khẩu Việt Nam và nhập khẩu Nga cam kết tăng giá bán, giữ vững chất lượng, không để xảy ra tình trạng cạnh tranh làm hạ giá bán, hạ chất lượng như năm ngoái.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương, cho biết Nga và Việt Nam thỏa thuận công nhận 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu cá vào thị trường này và sắp tới, bộ này sẽ đề nghị phía Nga tăng thêm số lượng các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào thị trường nước này.

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2009 cũng chứng kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Mỹ tăng trưởng cao với mức tăng 60%, lên 46 triệu đô la Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu cá tra có mức tăng trưởng cao nhất hiện nay.

Vasep cho biết hiện có 6 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được Bộ Thương mại Mỹ công bố không áp thuế chống bán phá giá hoặc có mức thuế rất thấp, gần như bằng 0%, nên con cá tra càng có có điều kiện thuận lợi để quay trở lại thị trường Mỹ.

Ngoài ra, nhiều thị trường nhập khẩu thủy sản trên thế giới đang tăng mạnh khối lượng mua cá tra của Việt Nam như các nước Đông Âu có sức mua tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường mới như Chile, Peru cũng đang tăng mạnh, Mexico tăng sản lượng mua vào gấp đôi. Một số nước châu Phi tăng lượng mua vào gấp 10 lần, mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm cá tra xuất khẩu.



(TBKTSG Online)
Báo cáo phân tích thị trường