Năm 2008 được coi là năm đầy biến động trái chiều với ngành lúa gạo Việt Nam khi có những lúc giá gạo xuất khẩu được đẩy lên mức kỷ lục hơn 1000USD/tấn và gây căng thẳng cho thị trường gạo trong nước và thị trường gạo thế giới. Đây là sự lặp lại có tính chất đột biến, nếu so sánh với cuộc lên giá kỷ lục đã từng có vào thập niên 70 của thế kỷ trước.
Với hai bài tham luận về thị trường lúa gạo thế giới và thị trường lúa gạo trong nước, diễn giả Phạm Quang Diệu và diễn giả Nguyễn Trang Nhung đã cung cấp thông tin về tình hình lúa gạo hiện nay và xu hướng cho nửa cuối năm 2009. Hiện Việt Nam đang được đánh giá là nhân tố chủ lực trong việc xuất khẩu gạo với con số dự báo là khoảng 6 triệu tấn. Đây được coi là mức xuất khẩu kỷ lục trong vòng 21 năm qua và đem về một nguồn thu ngoại tệ tương đối lớn. Cả nước đã thu hoạch xong vụ lúa đông xuân và đang bắt đầu thu hoạch lúa hè thu 2009. Tính đến tháng 6 năm 2009, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,6 triệu tấn với kim ngạch 1,5 tỷ USD. Theo ước tính, tổng nhu cầu tiêu dùng gạo thế giới năm 2009 khoảng 443,4 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2009. Diện tích trồng trọt canh tác năm 2009 của thế giới tăng 2%, năng suất dự kiến tăng 1,3% và sản lượng gạo dự kiến tăng 1,04% so với năm 2008. Trong đó đặc biệt chú ý là năm 2009, dự báo sản lượng gạo tăng tại các nước sản xuất gạo lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và sản lượng gạo tăng cả tại một số nước từ trước tới nay chủ yếu vẫn nhập khẩu gạo như Indonexia.
Hai quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo là Thái Lan và Ấn Độ hiện vẫn đang “đóng cửa”. Hiện Thái Lan đang “lúng túng” trong thu mua và xuất khẩu, lượng gạo đọng của Thái Lan được ước tính là khoảng 7 tấn và có thể tăng lên trong thời gian tới. Còn Ấn Độ do vấn đề thời tiết nên đang cân nhắc và xem xét tình hình. Đó chính là lý do mà các hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện đang rất nhộn nhịp và giá xuất khẩu gạo có xu hướng tăng cao.
|
Chuyên gia Nguyễn Đình Bích- Viện Nghiên cứu Thương Mại(Ảnh: Thuý Chinh) |
Vậy thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đi về đâu, công tác xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm sẽ được thực hiện như thế nào, thị trường sẽ đi lên hay đi xuống? Đây chính là câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp cũng như giới truyền thông rất quan tâm và đặt ra cho các diễn giả. Tính đến cuối tháng 6-2009, các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng giao hơn 5 triệu tấn gạo xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi bán lượng hàng hoá lớn trong bối cảnh thị trường có khả năng dư cung vào vụ thu hoạch mới từ thu hoạch hai vụ hè thu và thu đông. Theo chuyên gia Nguyễn Trang Nhung thì mặc dù được đánh giá là ảm đạm trong quý 2 nhưng chính những ngày cuối quý hai thị trừờng gạo lại có sự khởi sắc bằng những đơn hàng xuất khẩu gạo lớn. Kịch bản của thị trường gạo có thể là sự lăp lại của kịch bản 2008 với sự tăng giá nửa đầu năm và giảm giá vào nửa cuối năm do dư cung và giá gạo xuất khẩu tụt dốc. Công tác xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể cũng vì thế mà gặp khó khăn, lượng xuất khẩu theo đăng ký có thể không được như dự kiến.
Chia sẻ với hội thảo những khó khăn trong công tác phân tích, dự báo thị trường về ngành hàng trong đó có ngành lúa gạo, diễn giả Phạm Quang Diệu- Giám đốc AGROINFO cho biết: Trên thực tế, thị trường lúa gạo hay bất cứ một thị trường ngành hàng nào đều có những biến chuyển rất nhanh, khó có thể lường trước được. . Như gần đây, tại một cuộc hội thảo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một số chuyên gia chỉ ra rằng những yếu tố như giá dầu, diện tích đất canh tác bị thu hẹp, dân số tăng cao và thêm hiện tượng về nhu cầu phát triển nhiên liệu sinh học có thể làm ảnh hưởng đến việc tăng giá thị trường gạo trên thế giới. Tuy nhiên, khi nghiên cứu còn đang được đánh giá cao thì giá gạo thế giới lại độ ngột quay đầu giảm. Từ đó có thể thấy rằng thị trường nông sản có những diễn biến rất bất ngờ, các chuyên gia phân tích của AGROINFO đang rất cố gắng cập nhật tình hình và đưa ra những thông tin để từ đó có thể giúp các doanh nghiệp có thêm cơ sở quyết định chiến lược kinh doanh hợp lý hơn phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Cùng quan điểm với chuyên gia Phạm Quang Diệu, chuyên gia Nguyễn Đình Bích từ Viện Nghiên cứu Thương mại cho biết: Hai bản trình bày của các diễn giả đã đề cập đến vấn đề mấu chốt của công tác xuất khẩu gạo hiện nay. Các cơn nóng, lạnh thất thường của thị trường xuất khẩu gạo hiện nay cũng bắt nguồn từ thế giới và đó là chuyện hết sức bình thường và mang tinh chất chu kỳ. Ở tầm vĩ mô, các tổ chức quốc tế đã có nghiên cứu và cho rằng do yếu tố thời tiết, diện tích trồng trọt bị thu hẹp, giá dầu mỏ tăng cao dẫn đến nhu cầu gạo tăng cao. Còn ở tầm vi mô thì sự biến động của thị trường gạo là đương nhiên, lúa gạo liên quan đến người nông dân, đất đai. Được mùa, được giá thì gia tăng sản xuất. Giá nhích lên thì diện tích tăng, cung vượt cầu và giá lại đi xuống.
Đối với các quốc gia xuất khẩu lớn như Thái Lan do công tác bảo quản và chất lượng gạo gạo tốt nên mặc bán rất được giá. Ngược lại, do công tác bảo quản và chất lượng gạo xuất khẩu của ta chưa tốt, nên gạo xuất khẩu chưa được giá và sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước còn lại chúng ta phải đưa đi xuất khẩu hết. Nhất là trong tình hình hiện nay, cơ hội xuất khẩu của Việt Nam đang rất tốt, chúng ta cần đẩy mạnh công tác xuất khẩu để bán hết lượng gao. Hai thị trường Thái Lan và Ấn Độ còn đang án binh bất động, nhưng lại có thêm mối tiềm ẩn từ Indonexia có thể sẽ xuất khẩu từ 2-3 triệu tấn gạo thì các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động cân nhắc tình hình có thể phải đối mặt với những rủi ro của thị trường. Cũng cần phải nói thêm rằng chính Indonexia cũng đã từng là nguyên nhân gây ra cơn sốt gạo hồi năm 1998 khi nước này nhập khẩu tới hơn 6 triệu tấn gạo.
|
Chuyên gia Phạm Quang Diệu trình bày về tình hình lúa gạo thế giới(Ảnh :Thuý Chinh) |
Vấn đề lúa gạo không còn là vấn đề lương thực của một quốc gia mà đã trở thành vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, mang tính chất chính trị và có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của nền nông nghiệp trong nước và thế giới. Ngay cả đầu tàu kinh tế như Mỹ cũng đã từng có sự can thiệp để điều chỉnh giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới. Còn như Thái Lan mặc dù là siêu xuất khẩu gạo nhưng cũng gặp không ít khó khăn trong công tác điều tiết xuất khẩu. Vì giá gạo 2008 quá cao, Thái Lan đã có những động thái tích cực làm giá gạo thế giới hạ nhiệt ít hơn. 7 tháng cuối năm 2008, khi giá gạo xuống Thái Lan đã có sự hỗ trợ nông dân trong nước bằng cách thu mua gạo xuất khẩu. Ở thời điểm hiện nay Thái Lan giảm 29% gạo xuất khẩu, mức giảm cụ thể còn cao hơn nhiều có thể lên đến 34%. Do đó giá gạo thế giới lại nhích lên. Tuy nhiên sự dừng lại này của Thái Lan cũng chỉ mang tính chất tạm thời, đến một thời điểm thích hợp Thái Lan sẽ tung lượng gạo ra thị trường và giá gạo sẽ giảm là điều tất yếu.
Với Việt Nam, mặc dù được đánh giá là ảm đạm trong 6 tháng đầu năm nhưng nếu so sánh trên thực tế thì 3 tháng đầu năm 2009 giá gạo đã tăng so với cuối năm 2008. Kịch bản cao đầu năm, thấp cuối năm có thể sẽ lại tái diễn thêm một lần nữa. Bên cạnh đó là cung gạo thế giới năm nay tăng mạnh, do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước còn giảm so với năm ngoái nên chủ trương tốt nhất lúc này là có bao nhiêu xuất hết bấy nhiêu để tận dụng cơ hội giá tốt và thời điểm tốt. Có như vậy người nông dân và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo mới được hưởng lợi thực sự như chuyên gia Phạm Quang Diệu cho biết. Chính vì vậy việc cần làm lúc này của các doanh nghiệp là tăng tốc cho xuất khẩu.