Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trồng rong sụn ở Ninh Thuận
23 | 07 | 2009
Ven biển Ninh Thuận có khí hậu ôn hoà, dòng hải lưu gần bờ, nhiều bãi rạn san hô có tới vài trăm loài rong biển phân bố, nên có ý nghĩa phát triển kinh tế xã hội. Nguồn lợi rong biển tự nhiên đang được người dân ven biển từ Cà Ná đến Vĩnh Hy khai thác như rong bún, rong câu cước, rong câu đá, rong hồng vân, rong câu chân vịt, rong mứt, rong mơ, rong xan… Sản lượng hàng năm khoảng 500 tấn khô.

Sơn Hải là một làng biển, thuộc xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Với nghề truyền thống là khai thác cá biển, chài lưới, nuôi tôm, làm rẫy, trồng rừng… Nhưng chỉ từ khi xuất hiện nghề mới - nghề trồng rong sụn thì thực sự làng biển Sơn Hải mới đổi đời. 

 Rong sụn có tên khoa học là Kappaphicus alvarezii, thuộc ngành rong đỏ (Rhodophyta). Ông Đỗ Kim Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Ninh Thuận cho biết: Rong sụn được Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang di nhập từ Philippines về Việt Nam tháng 3 năm 1993, đến tháng 11 năm 1993 lần đầu tiên rong sụn được trồng thử nghiệm tại đầm Sơn Hải. Kết quả thật mỹ mãn, từ 5 kg rong giống ban đầu sau 8 tháng trồng đã phát triển 20 tấn, phơi ra 2,5 tấn rong khô bán với giá 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 15 triệu đồng, từ kết quả này chúng tôi tiếp tục chuyển giao 5 tấn rong giống cho 50 hộ dân Sơn Hải tiếp tục sản xuất. Năm 2002, người dân thử nghiệm đưa rong sụn ra trồng trực tiếp trên biển thành công, để từ đó đến nay diện tích không ngừng gia tăng.

Do không bị dịch bệnh mà hiệu quả lại cao đặc biệt là loài rong sụn làm sạch môi trường rất tốt nên hàng năm diện tích trồng rong sụn tại Sơn Hải liên tục tăng. Từ vài ha ban đầu, đến năm 2005 diện tích đã tăng lên trên 150ha, cũng trong năm đó người dân Sơn Hải được mùa lớn rong sụn, cả thôn thu hoạch trên 700 tấn khô, giá bán lúc đó là 12.000 đ/kg rong khô. Năm nay, tính đến đầu tháng 5, người dân Sơn Hải đã xuống giống được 100 ha và đang tiếp tục phát triển để đạt diện tích 300ha. Theo người dân trồng rong sụn tại Sơn Hải thì trồng rong sau 75 ngày là thu hoạch được 1 vụ, một năm người dân chỉ trồng 3 vụ do mất 3 tháng mùa mưa bão phải ngừng nuôi. Mỗi vụ trồng rong sụn thu khoảng 15 tấn khô/ha, năm trồng 3 vụ thu 40-45 tấn/ha. Những năm qua giá rong sụn dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/kg, như vậy mỗi ha rong sụn người dân thu được 500 – 550 triệu đồng, sau khi trừ chi phía còn lãi 200 – 250 triệu đồng. Theo bà con: Năm nay nhiều khả năng Sơn Hải sẽ được mùa lớn do thời tiết thuận lợi.

Hiện nay tại Sơn Hải có trên 300 hộ tham gia trồng rong sụn, 100% hộ trồng rong sụn đều có lãi, đặc biệt các hộ có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật giỏi, nhiều lao động trực tiếp tham gia trồng rong, chăm sóc rong hàng ngày và có vốn đầu tư giống, vật tư khá vào đầu vụ thì lãi rất cao. Hàng năm tại Sơn Hải có hơn 90% trên tổng số 300 hộ trồng rong có lãi ít nhất 50 triệu đồng, nhiều hộ thu lãi 100 triệu đồng trở lên nhờ sử dụng thuyền đánh cá trực tiếp chăm sóc, quản lý, vận chuyển rong giống, vật tư và đầu tư vốn, lao động. Nghề trồng rong sụn đã giải quyết hàng trăm lao động nhàn rỗi, đặc biệt là lao động nữ (lực lượng lao động không tham gia đi biển). Hơn thế nữa, đã giảm hẳn số người làm nghề mò cua, lặn bắt ốc, chài lưới cá nhỏ, tôm nhỏ ven đầm ven biển và cả nghề hầm than, đốn củi gây ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi thuỷ sản, môi trường sống.

Năm 2008 Ninh Thuận bắt đầu triển khai mô hình trồng rong trong lồng lưới trên biển với các kích cỡ lồng lưới 100 m2, 300 m2, 400 m2 đạt kết quả rất tốt bởi mô hình này hạn chế được sóng đánh gãy vụn rong cũng như cá không ăn được rong sụn.

Rong sụn cũng đang được hoàn thiện đưa vào quy trình chế biến bánh mứt, kẹo mềm, nước giải khát, kim chi… của trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận cũng đang xây dựng phân xưởng chế biến các sản phẩm từ rong sụn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi từ năm 2002 trở đi, sau khi chính thức có hợp đồng bán rong sụn khô cho Đài Loan, Philippines, Trung Quốc thì sản lượng, diện tích trồng rong sụn tại Ninh Thuận tăng rất nhanh. Đến năm 2005, sản lượng rong sụn của Ninh Thuận đã đạt 1.320 tấn khô, chiếm 40% sản lượng rong khô cả nước. Năm 2007, rong sụn tại Ninh Thuận bước đầu xuất khẩu sang một số nước châu Âu như Pháp, Canada, Tây Ban Nha…Rong sụn khô làm nguyên liệu chế biến Carrageenan ở dạng bột khô có tính nhũ hóa cao, làm dai, làm dẻo, kết dính, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là công nghiệp thực phẩm.

Tuy nhiên trở ngại lớn cho nghề trồng rong sụn hiện nay tại Ninh Thuận là sóng gió biển làm gãy vụn rong, cá ăn rong và bệnh rong cũng thường xuất hiện vào đầu vụ, đặc biệt là thời điểm giao mùa, nhiệt độ tăng cao vào tháng 4, 5. Bên cạnh đó ngưòi dân vẫn còn tập quán phơi rong trực tiếp trên bãi cát, phơi không đủ ngày nắng tốt, thu hoạch khi rong còn non chưa đủ 60 ngày tuổi đã làm cho rong khô nguyên liệu còn lẫn nhiều cát, độ ẩm cao hơn 35%, hàm lượng chất keo Carrageenan đạt thấp dưới 30% trọng lượng khô khiến cho chất lượng rong sụn nhiều khi không đạt chuẩn quốc tế.

(Theo NNVN)



Báo cáo phân tích thị trường