Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lắp đặt dây chuyền chiếu xạ thực phẩm
23 | 07 | 2009
Chiếu xạ tiệt trùng là một trong các yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và một số quốc gia, vùng, lãnh thổ. Hiện nay, tại Cần Thơ Thái Sơn Group đã trang bị dây chuyền chiếu xạ cho nhiều loại hàng thực phẩm theo yêu cầu của từng thị trường.
 


Mô hình dây chuyền chiếu xạ thực phẩm.


Gia tăng cơ hội xuất khẩu nông sản


“Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã cấp code vùng sản xuất cho HTX Thanh Long Chợ Gạo một lượt với HTX Dương Xuân – Long An, cuối năm nay HTX sẽ hoàn tất quy trình đạt chuẩn Global GAP, nếu có nơi chiếu xạ thực phẩm thì HTX có thêm điều kiện tổ chức cộng đồng hướng tới thị trường Hoa Kỳ”, ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm HTX Thanh Long Chợ Gạo, cho biết.

Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn, ông Nguyễn Văn Ngàn sẽ có cơ hội nghe nói về lợi ích của việc chiếu xạ thực phẩm khi đưa vú sữa Lò Rèn vào thị trường Hoa Kỳ tại Bình Dương vào ngày 15-22.7.  HTX này vừa được phía Hoa Kỳ chứng nhận là nơi đóng gói đúng quy cách thứ 6 tại Việt Nam (điều kiện bắt buộc khi qua dây chuyền chiếu xạ thực phẩm) và đang chờ cấp code vùng sản xuất...

”Đã có nơi báo giá chiếu xạ 1 USD/kg sản phẩm, chi phí đó không lớn, vấn đề là giá đầu ra ổn định lâu dài”- Ông Ngàn nói. Ông Nguyễn Văn Thực, Chủ nhiệm HTX Xoài cát Hòa Lộc, ấp Khu Phố, xã Hòa Hưng (Cái Bè, Tiền Giang) thử chiếu xạ một lô xoài cát Hòa Lộc 10 tấn trước khi xuất sang Canada, khẳng định: “Giá tốt lắm”.

Đài Loan đã ra lệnh cấm nhập khẩu thanh long Việt Nam vào thị trường này kể từ 01.3.2009 nếu không được chiếu xạ tiệt trùng trước khi xuất khẩu.

Đầu tư 20 triệu USD vào hệ thống kho lạnh có độ cao 12m, sức chứa 5.000 tấn (giai đọan 1) và một hệ thống kho lạnh tự động hoàn toàn có độ cao 34m, sức chứa 12.500 - 13.000 tấn (giai đoạn 2)... làm dịch vụ thuê kho tồn trữ, sức tác động bắt đầu lan tới các nhà máy chế biến thủy hải sản có thị trường ổn định và cần tăng lượng dự trữ. Nhưng khi hệ thống kho lạnh này gắn với công nghệ chiếu xạ thực phẩm thì sức tác động của nó lan tới ngành xuất khẩu rau quả, gạo và ngành sản xuất dụng cụ y tế xuất khẩu.

Cả ba ông chủ nhiệm HTX ở Tiền Giang lạc quan khi nghe nói Cần Thơ đã có nơi chiếu xạ. Trước đây chỉ Bình Thuận, Bình Dương mới có. Tới đây, Long Hậu (Long An) cũng sẽ có một kho lạnh gắn với hệ thống chiếu xạ thực phẩm như Cần Thơ.

Bà Trần Thị Thiên Nga, Tổng giám đốc Thái Sơn Group, nhà đầu tư dây chuyền chiếu xạ đầu tiên ở ĐBSCL, nói rằng so với những loại hình đầu tư khác thì đây là loại phức tạp và đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao. Cái khó nhất là nguồn phóng xạ, nhưng đây là cái mới và thực sự cần khi làm hàng xuất khẩu.

Cái khó thứ hai là vượt qua đắn đo khi làm dịch vụ kho lạnh, chiếu xạ thực phẩm - khi mà nhiều người chưa hiểu hết lợi ích của nó - còn khó hơn... Bà Nga chấp nhận đầu tư lớn, chọn công nghệ cao, sức cạnh tranh tốt hơn, cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp hơn... Theo bà lợi ích dễ thấy là bảo quản tốt hơn, ít tốn năng lượng hơn, thiết bị tự động hóa sẽ giảm được lao động làm việc ở kho lạnh với nhiệt độ tâm sản phẩm - 18ºC.

Về giá, nếu việc thuê kho chưa tốt lắm thì chiếu xạ xử lý vi sinh sẽ nuôi kho lạnh. Dù từng có kinh nghiệm đầu tư ở Bình Dương, khi đầu tư ở ĐBSCL, chi phí rất cao và phần lớn bị chôn xuống đất nhưng phí thuê kho không thể ngất trời? Bà Nga nói: “Tôi chấp nhận khấu hao dài, cái này nuôi cái kia, miễn sao trái cây ở miền Tây sẽ xuất khẩu tốt hơn, gạo xuất khẩu, dự trữ quốc gia sẽ được chiếu xạ bảo quản lâu hơn. Hiện nay, công suất chiếu xạ khoảng 100 tấn/ngày. Giai đoạn 2 sẽ nâng công suất lên 300 tấn/ngày”.

(Theo Lao Động)



Báo cáo phân tích thị trường