Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra sẽ có mã số, mã vạch
23 | 07 | 2009
Việc này không chỉ tạo thêm thế mạnh cho cá tra VN trên thị trường thế giới và tránh được hàm oan mà còn phù hợp xu hướng phát triển bền vững, lâu dài

Ban Chỉ đạo (BCĐ) sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL vừa tổ chức họp lấy ý kiến về việc phát triển bền vững, lâu dài nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra.

Thành lập hiệp hội cá tra

Theo nhận định của Bộ NN- PTNT, việc ra đời BCĐ sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL cho thấy tầm quan trọng của con cá tra - một loại hàng hóa chiến lược của ĐBSCL và cả nước. Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã bầu ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, làm Trưởng Ban Vận động thành lập Hiệp hội Cá tra; ông Nguyễn Sơn Hải, đại diện phía Nam Cục Nuôi trồng thủy sản, làm phó ban. Các thành viên, gồm: Cục Nuôi trồng thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN, Bộ Nội vụ, các giám đốc và phó giám đốc sở NN-PTNT các tỉnh- thành, những doanh nghiệp xuất khẩu lớn...

Theo BCĐ, các tỉnh cần sớm triển khai việc đăng ký hộ nuôi cá tra theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, nhất là việc gắn mã số, mã vạch cho cá tra. Việc này đáp ứng yêu cầu của các nước xuất khẩu cá tra trên thế giới hiện nay, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững và lâu dài. Bởi từ trước đến nay, các hộ nuôi chỉ biết nuôi và bán cá chứ không quan tâm đến “nhật ký nuôi trồng” nên khi có vấn đề liên quan thì không biết lỗi ở đâu. Ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, Thường trực Ban Vận động thành lập Hiệp hội Cá tra, cho biết việc gắn mã số, mã vạch cá tra là hết sức cần thiết. Hộ nuôi phải có một bộ hồ sơ từ nguồn gốc con giống, chế độ dinh dưỡng, thuốc trị bệnh, thức ăn, điều kiện vệ sinh vùng nuôi, ao nuôi... rồi sẽ được cấp một mã số, mã vạch. Cơ quan quản lý sẽ phối hợp với một công ty tư vấn chuyên về lĩnh vực này để hướng dẫn người nuôi. “Đến khi bán cá cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ cần căn cứ vào mã số, mã vạch sẽ biết rõ tình trạng vùng nuôi đó như thế nào. Ngay khi sản phẩm nằm trên bàn ăn, nếu có vấn đề gì thì chỉ cần căn cứ vào mã số, mã vạch sẽ biết ngay nguồn gốc” - ông Thạnh nói. Dự án này có thể thực hiện đến năm 2012 sẽ hoàn tất.

Khó bị ép giá

Việc thực hiện gắn mã số, mã vạch cho cá tra sẽ giúp ích cho cả người nuôi cá và doanh nghiệp xuất khẩu VN. “Trước đây các doanh nghiệp, nhà máy chế biến cứ vin vào lý do cá không đạt tiêu chuẩn, cá bị nhiễm để ép giá người nuôi. Chỉ vì người nuôi cá không có bất kỳ một loại giấy tờ nào chứng nhận cho con cá của mình. Còn khi đã có mã số, mã vạch, dù muốn ép giá nông dân, doanh nghiệp cũng khó làm được”- một đại biểu phân tích. Phương thức sản xuất cũ như từ trước tới nay không chỉ nông dân mà các doanh nghiệp nhiều phen điêu đứng. Điển hình như một số lô hàng cá tra xuất khẩu ra nước ngoài bị trả lại vì nhiễm kháng sinh. Và điều này lặp đi lặp lại nhiều năm qua nhưng doanh nghiệp không thể biết được sản phẩm bị nhiễm ở khâu nào, nguồn gốc cá thuộc vùng nuôi nào. “Có mã số, mã vạch, con cá tra VN sẽ tạo thêm thế mạnh trên thị trường thế giới và sẽ tránh được hàm oan, tai tiếng làm ảnh hưởng tới sản phẩm chiến lược này”- nhiều đại biểu hy vọng.

Bộ NN-PTNT vừa có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi cá tra vay vốn theo chương trình kích cầu của Chính phủ. Yêu cầu các địa phương xây dựng hệ thống thống kê sản xuất, thông tin thị trường, nhất là thị trường Mỹ. Phải có kế hoạch phù hợp để duy trì xuất khẩu cá tra vào thị trường này trước mắt và lâu dài.

Quốc Dũng- Báo Lao Động


Báo cáo phân tích thị trường