Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần chú trọng đến việc cải thiện điều kiện an sinh xã hội và văn hóa – tinh thần
30 | 12 | 2008
Đó là một trong những vấn đề trọng tâm được thảo luận tại Hội thảo Nguồn lực và tiếp cận nguồn lực phát triển của cư dân nông thôn miền núi đã diễn ra tại Viện chính sách và Chiến lược PTNNNT vào ngày 13/12/2008.

Theo ông Ngô Vi Dũng - Cán bộ Trung tâm Thông tin PTNNNT, người dân nông thôn miền núi, nhất là người nghèo, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội cơ bản. Do chi phí giáo dục cao, thiếu giáo viên tại chỗ và đặc biệt là giáo viên dân tộc, vấn đề về chất lượng trình độ giáo viên còn thấp, thiếu cơ sở vật chất trường học, lớp học (nhất là lớp mẫu giáo ở các thôn/ bản), phụ nữ và trẻ em không được hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng. Bên cạnh các lớp học được kiên cố hoá, vẫn còn những phòng học tạm và bán kiên cố với hệ thống nước sạch và vệ sinh hạn chế. Trong nhiều trường hợp, chương trình miễn giảm học phí cho học sinh nghèo hỗ trợ không đúng đối tượng.

Nhiều xã thiếu trạm y tế, hoặc các cơ sở này không có các trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh hiệu quả, do đó người nghèo, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số chưa được chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khoẻ sinh sản và khám chữa bệnh đầy đủ. Chi phí cho dịch vụ y tế cao, cán bộ y tế, nhất là bác sĩ sản và nhi khoa chưa đầy đủ. Các chương trình thẻ khám bệnh miễn phí cho người nghèo thực hiện không đúng 100% đối tượng, thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo chưa phát huy hiệu quả. An sinh xã hội cũng là một vấn đề nổi cộm do chưa có hệ thống an sinh xã hội hoặc cơ chế cứu trợ khẩn cấp cho những gia đình gặp rủi ro do thiên tai, bệnh dịch, mất mùa...

Khi triển khai Chương trình 135, thực tế cho thấy, nơi nào mà xã làm chủ đầu tư việc giải phóng mặt bằng cho đến nghiệm thu, thanh quyết toán rồi quản lý vật liệu xây dựng đều thuận lợi. Đối với phân cấp xã làm chủ đầu tư dự án hỗ trợ sản xuất, xã làm chủ đầu tư thì việc thực hiện rất thuận lợi và nội dung công việc triển khai gắn với thực tế, xã có quyền tự lựa chọn nội dung, tự triển khai (ví dụ: tự đi mua trâu, mua bò và không chấp nhận một cơ quan, đơn vị nào đó đứng ra mua cho họ....).

Trong quá trình xây dựng chiến lược, đặc biệt là ở bối cảnh công nghiệp hóa, các vấn đề về điều kiện sống, an sinh xã hội, văn hóa – tinh thần đã được  Hội thảo thống nhất chú trọng, với sự cải thiện các phương pháp tiếp cận, tích cực tham gia của các bên liên quan trong quá trình ra quyết định, xây dựng – quản lý công trình, tập trung duy tu bảo dưỡng và có tiến hành nghiên cứu/ khảo sát từ trước.



Thuý Chinh/AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường