Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chuyên gia dự báo tình hình thị trường lúa gạo: CUNG TĂNG NHẸ, GIÁ GIẢM NHẸ
30 | 07 | 2009
Đến thời điểm này, bức tranh xếp hình thị trường lúa gạo đang dần hoàn chỉnh với các miếng ghép vừa ráp lại, vừa hé mở về những triển vọng với nhiều ẩn số bất ngờ. Nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ thông tin của các doanh nghiệp một cách cập nhật, chính xác với các dự báo phân tích kịp thời…, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Nguyễn Hiếu Tâm - Chuyên gia phân tích của Trung tâm Thông tin PTNNNT (AGROINFO) về tình hình thị trường lúa gạo trong thời gian gần đây:

>>> Tin liên quan đọc nhiều nhất
* Ấn Độ "đóng băng" thị trường xuất khẩu gạo
* Ấn Độ: Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lượng mưa giảm bất thường
*
Thái Lan sẽ xuất khẩu 500.000 tấn gạo từ nguồn thặng dư
* Manila nhập khẩu gạo đấu thầu giá thấp nhất của Thái Lan và Pakistan
* El Nino có thể khiến Inđônêxia duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo
* Công bố Báo cáo ngành lúa gạo Việt Nam quý 2 năm 2009
* Hội thảo lúa gạo Việt nam 2009: TĂNG TỐC CHO XUẤT KHẨU

- Thái Lan đang bước vào guồng quay trở lại thị trường thế giới với những chuyển động về xuất khẩu rất đáng quan tâm. Chính vì vậy, sự “im ắng” của Ấn Độ khiến nhiều chuyên gia càng thêm lo ngại rằng các động thái của quốc gia này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến cán cân cung cầu lúa gạo. Nhưng dường như có khả năng là Ấn Độ sẽ đóng lại cánh cửa xuất khẩu?


Đúng vậy! Thời điểm đầu năm nay, Ấn Độ và Thái Lan không tham gia mạnh vào thị trường xuất khẩu, Việt Nam được hưởng lợi. Tuy nhiên, tình hình đang có nhiều chuyển biến. Các thông tin mới nhất đã giải tỏa phần nào ẩn số về thị trường lúa gạo Ấn Độ. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Sharad Pawar đã thông báo việc Ấn Độ trì hoãn xuất khẩu các loại lương thực dạng hạt theo một thoả thuận giữa các Chính phủ với nhau, cấm buôn bán lúa mì và gạo non-basmati dành cho xuất khẩu ra nước ngoài nhằm đảm bảo an ninh lương thực, dự phòng sản lượng của các nông trại sẽ bị thất thu do lượng mưa thấp vào năm nay.

Hiện tại lượng mưa trên toàn quốc giảm 19% so với cùng kỳ năm trước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng làm sụt giảm sản lượng gạo, mía, đậu tương, thu hẹp 21% diện tích đất gieo trồng của Ấn Độ từ 11,463 triệu ha (tính đến ngày 16/07) so với 14,521 triệu ha năm ngoái. Các thông tin về lượng mưa, tình hình thời tiết… ở quốc gia Nam Á này giờ đây cũng đang trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới, bởi vì mùa mưa có vai trò rất quan trọng với ngành nông nghiệp Ấn Độ, khoảng 60% trong số 140 triệu hécta đất canh tác Ấn Độ phụ thuộc vào nước mưa để gieo trồng. Dự trữ lương thực có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong vòng 13 tháng, nhưng giờ đây thậm chí Ấn Độ sẽ ngừng ngay cả việc xuất khẩu 2 triệu tấn lúa mì qua đường ngoại giao như bình thường, và đóng cửa xuất khẩu cho đến cuối năm để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

- Nghĩa là diễn biến thị trường lúa gạo trên thế giới hiện nay đang có hai xu hướng trái chiều song hành. Như vậy, tổng cung thế giới sẽ phải chịu những tác động gì?

Vấn đề tổng cung thế giới có một số điểm đáng chú ý như sau: Hôm 24/07, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Porntiva Nakasai cho biết, Chính phủ sẽ bán 500.000 tấn gạo trắng dành cho xuất khẩu, bao gồm 70.000 tấn gạo thơm Thai Hom Mali, và 430.000 tấn gạo trắng các loại. Đây là một trong những nỗ lực nhằm giảm bớt lượng gạo cao kỷ lục 6 triệu tấn trong kho dự trữ quốc gia. Họ cũng đã thương lượng ký kết các hợp đồng giữa Chính phủ và Chính phủ với một số nước như Malaysia, Indonesia và Iran. Nhu cầu ban đầu giữa các hợp đồng này ước tính lên tới 1 triệu tấn. Như vậy, Thái Lan đã tiến hành xuất khẩu gạo theo từng lô hàng có số lượng nhỏ thay vì xuất khẩu vài trăm nghìn tấn như trước, mục đích là để ngăn chặn giá cả trong nước tăng vọt, và tình hình biến động của nguồn cung.

Còn Indonesia có thể tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất gạo do lo ngại về hiện tượng El Nino diễn biến theo chiều hướng xấu đi có thể làm giảm sản lượng gạo của nước này. Bộ Thương Mại Indonesia ngày 20/7 cho biết, Chính phủ sẽ đặt việc đảm bảo nguồn cung lên ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, El Nino đang hình thành ở Thái Bình Dương và có thể mạnh lên, dẫn đến nguy cơ hạn hán và lũ lụt, gây tổn thất không nhỏ cho sản lượng nông nghiệp Indonesia. Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia, phải đến tháng 9 tới Indonesia mới có thể biết được mức nghiêm trọng của hạn hán và đưa ra thông báo chính xác về kết quả vụ thu hoạch tháng 8/2009. Đây là vụ chính ở Indonesia và thường đóng góp tới 60% tổng sản lượng gạo cả năm của nước này. Cho đến lúc đó, Indonesia vẫn đóng cửa xuất khẩu gạo.

Một số nước cấm xuất khẩu, số khác thì xuất khẩu trở lại, nên trong ngắn hạn cung thế giới chưa có nhiều biến động, và sẽ tăng nhẹ.

- Trong xu thế đó, bà nhận định như thế nào về tình hình giá cả và những tác động thị trường đối với thời cơ vàng cần phải tăng tốc cho xuất khẩu hiện nay của VN? Liệu có cơ hội cho gạo xuất khẩu VN tăng giá không?

Chiều 28.7, nguồn tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thừa nhận: Doanh nghiệp Việt Nam đã không trúng thầu lô gạo 78.000 tấn do Philippines mở hôm 22.7 vừa qua. Toàn bộ số gạo này rơi vào tay doanh nghiệp Thái Lan (68.000 tấn), và Pakistan (10.000 tấn). Pakistan bỏ thầu thấp nhất ở mức 472.72 USD/tấn, giá C&F cho 10.000 tấn gạo. Thái Lan có Tập đoàn Thai Hua định giá 486.28 USD/tấn cho 18.000 tấn gạo và Asia Golden Rice thắng thầu với giá C&F 487 USD/tấn để cung cấp 50.000 tấn gạo. Vinafood 2 – nhà xuất khẩu gạo hàng đầu của VN đã chào hàng để bán 75.000 tấn gạo với giá C&F là 504.50 USD/tấn tại buổi đấu thầu ở Manila – Philippines.

Từ đó có thể thấy cạnh tranh về giá cả luôn là một vũ khí chiến lược trên thương trường. Các thương gia ở Tp. HCM cho biết, cuộc đấu thầu đã đẩy giá gạo 25% tấm ở VN lên 370 USD/tấn từ 360 USD/tấn vào thời điểm trước đó một tuần. Hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan tác động không nhiều đến VN, lợi thế của chúng ta là giá gạo VN rẻ hơn Thái Lan khoảng 100 – 150 USD/ tấn, đăng ký xuất khẩu gạo lại đã đạt hơn 5 triệu tấn và vẫn có sức cạnh tranh trên thị trường. Cung dự trữ khổng lồ nên Thái Lan cần phải xuất ra, Ấn Độ có lẽ sẽ “đóng băng” thị trường xuất khẩu tới cuối năm và hiện tại chưa gây ảnh hưởng gì đến Việt Nam. Triển vọng thị trường là nguồn cung thế giới tăng nhẹ, giá gạo sẽ giảm nhẹ, không gây tác động lớn tới Việt Nam, đặc biệt là dự kiến xuất khẩu 6 triệu tấn gạo.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!



D.T.C/ AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường