Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bình Thuận: Nông dân “đổ xô” trồng cao su
31 | 07 | 2009
Cao su là cây công nghiệp chủ lực, ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận nói chung, người nông dân huyện Tánh Linh nói riêng. Loại cây này ngày càng có sức hút mạnh mẽ...

Những vườn cao su đã cho thu hoạch ở các huyện Tánh Linh và Đức Linh cho năng suất bình quân từ 1,5 - 1,8 tấn/ha. Với giá bán 30 triệu đồng/tấn mủ nguyên liệu thì sau khi trừ chi phí, người nông dân trồng cao su thu lãi ròng khoảng 40 - 45 triệu đồng/ha. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bảy (hay gọi thân mật là Bảy "đảo") tại huyện Đức Linh vốn là ngư dân tận huyện đảo Phú Quý đã lên bờ lập nghiệp trồng cao su. Hiện anh chị có gần 12ha cao su đang cho thu hoạch: "Bây giờ hết đất rồi, chứ còn đất tôi vẫn trồng tiếp"- anh cho biết. Gia đình Bảy "đảo" trở thành một trong nhiều hộ dân giàu lên nhờ trồng cao su.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, PCT UBND huyện Đức Linh cho biết: “Cây cao su là cơ hội để người dân phát triển, để họ xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện vẫn chưa có NM nào chế biến mủ cao su. Do đó, toàn bộ mủ cao su của bà con nông dân đều bán ở dạng mủ thô cho các NM ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương...
 
Ông Bùi Thế Nhân, Bí thư Huyện uỷ Tánh Linh phấn khởi nói: “Không chỉ dân địa phương trồng, mà một số người ở ngoài tỉnh cũng đến huyện mua đất phát triển cao su. Thậm chí, cả những vùng đất đồi có độ dốc cao, nghèo dinh dưỡng cũng được "xuống tóc" trồng cao su". Lão nông Chu Văn An, thôn 1, xã Đức Tân, huyện Tánh Linh tâm sự: “Bình Thuận có nhiều vùng đồi núi trọc, bà con khắp nơi đến nơi đây lập nghiệp lúc đầu thì cấy lúa, trồng mì…Từ khi cây cao su về bản làng nó "đánh bay" mọi loại cây trồng khác”. Nhờ giá mủ lên, nhiều hộ gia đình ở Đức Tân mua được máy cày, xây nhà kiên cố, “’rinh” về đầy đủ tiện nghi.

Theo báo cáo của Sở NN - PTNT tỉnh Bình Thuận, diện tích quy hoạch cao su của tỉnh đến năm 2010 là 20.000 ha, nhưng đến nay không những về đích sớm mà còn vượt kế hoạch với 22.000 ha. Không chỉ 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh, phong trào trồng cao su đã lan sang cả những huyện trước đây chưa hề trồng cây này như các huyện: Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam. Sở NN – PTNT đang xin UBND tỉnh điều chỉnh lại diện tích cây cao su đến năm 2010, theo đó tăng lên khoảng 23.000 - 25.000 ha thay cho mức 20.000ha.

(Theo NNVN)



Báo cáo phân tích thị trường