Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hội thảo thị trường thịt và thực phẩm: Phát triển đề tài chuyên sâu hơn
31 | 07 | 2009
Sáng nay, 31-7-2009, Hội thảo ngành thịt và thực phẩm với chủ đề “Áp lực tăng giá”, hội thảo cuối cùng trong chuỗi hội thảo về ngành hàng do Viện Chính sáchvà Chiến lược PTNNNT, Trung tâm thông tin phát triển NNNT phối hợp tổ chức đã khai mạc. Hai báo cáo của chuyên gia phụ trách ngành hàng Bùi Minh nguyệt về vấn đề Thực trạng tiêu dùng thịt và xu hướng thị trường những tháng cuối năm đã thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp cùng giới truyền thông.

Theo chuyên gia Bùi Minh Nguyệt cho biết, mức tiêu dùng bình quân đầu người qua những năm gần đây là có xu hướng tăng, tăng cao hơn tỷ lệ tăng dân số, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn. Mức tiêu dùng thịt gà cũng tăng cao từ năm 2007 trở lại đây. Một số yếu tố tác động đến tiêu dùng thịt và thực phẩm là vấn đề dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm; thói quen tiêu dùng thực phẩm, thói quen chọn lựa kênh phân phối, tác động của giá tới thói quen tiêu dùng. Qua số liệu phân tích giai đoạn 2002-2006 của VHLSS cho thấy, mặt hàng thịt lợn chiếm tới 40% trong xu hướng tiêu dùng, thịt trâu, bò khoảng 20%; thịt gia cầm khoảng 23-24%, các loại thịt khác và thịt chế biến chiếm từ 16-17%.

Chuyên gia Bùi Minh Nguyệt trao đổi với các khách mời
Nếu tính khối lượng tiêu dùng thịt lợn ở các khu vực thì khu vực thành thị tiêu dùng nhiều thịt lợn hơn khu vực nông thôn, tuy nhiên tiêu dùng thịt lợn ở khu vực nông thôn có xu hướng tăng nhanh hơn khu vực thành thị. Sở dĩ có kết quả này là do mức sống, mức thu nhập ở thành thị và nông thôn khác nhau. Thành phố là nơi tập trung đông dân cư, nhiều cơ quan, công sở, nhà máy xí nghiệp, trường học nên lương thịt tiêu thụ nhiều hơn. Mức mức sống ở thành phố cao hơn nông thôn, chi tiêu về thịt cho bữa ăn gia đình đóng vai trò chủ yếu trong việc cung cấp các chất dinh dưỡng, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. Ở nông thôn trong một vài năm gần đây, do mức sống được cải thiện, xu hướng tiêu dùng thịt trong bữa ăn hang ngày đã tăng lên đáng kể, việc chăn nuôi ngày càng phát triển, nhu cầu về thịt của người dân nông thôn cũng được đáp ứng nhiều hơn. Đó chính là nguyên nhân vì sao xu hướng tiêu dùng thịt tăng nhanh ở khu vực nông thôn như hiện nay.

Mặc dù thịt lợn vẫn là mặt hàng chính trong xu hướng tiêu dùng thịt của người dân nhưng do yếu tố dịch bệnh như dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh đã tác động khiến người dân bắt đầu quay sang lựa chọn các thực phẩm khác thay thế như thịt bò, thịt gà được sử dụng nhiều hơn trong bữa ăn. Năm 2008 AGROINFO đã tiến hành điều tra chọn mẫu hành vi tiêu dùng thực phẩm của các hộ gia đình tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả điều tra trên số mẫu được chọn cho thấy thịt lợn là loai thịt thường xuyên sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày, thịt bò được sử dụng với tần suất thấp hơn. Cụ thể số hộ gia đình sử dụng thịt bò vài lần /tuần chiếm khoảng 55-56%, còn số hộ sử dụng thịt bò hàng ngày chiếm khoảng 9%. Cũng theo kết quả điều tra tiêu dùng nói trên có đến 96,7% người tiêu dùng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận dịch bệnh có ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng. Vì vậy để đối phó với dịch bệnh, người tiêu dùng đã chọn mua tại các hàng quen(37,5%), mua về và chế biến kỹ càng hơn, xem kỹ trước khi mua và mua thịt có dấu kiểm dịch. Các tiêu chí được người tin đó là thực phẩm sạch và thực phẩm an toàn. Với tiêu chí nàỳ, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn chiếm từ 15-20% trong cơ cấu bữa ăn hộ gia đình; số hộ sử dụng thực phẩm tươi sống được kiểm dịch khoảng 10%.

Ông Nguyễn Duy Lý - đại diện Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam đang phát biểu
Từ đầu năm 2009 tới nay, tháng đầu năm 2009, thị trường thịt và thực phẩm nhìn chung không quá biến động, không rơi vào sốt nóng như năm 2008. TP. Hồ Chí Minh là thị trường duy nhất phải hứng chịu một cơn bão giá sau tết do nguồn cung sụt giảm mạnh. Giá thịt tại Tp. HCM thời điểm sau tết tăng có tác động kéo giá bán tại các thị trường khác tăng nhẹ, tác động tích cực đến quyết định đầu tư tái đàn, mở rộng chăn nuôi của người dân. Theo kết quả điều tra của Tổng cục thống kê tại thời điểm 1/4/2009, chăn nuôi lợn cả nước đạt 26,5 triệu con, sản lượng thịt xuất chuồng là 1,7 triệu tấn (tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước); đàn gia cầm đạt 256,6 triệu con (đàn gà là gần 185,3 triệu con), sản lượng thịt gia cầm hơi xuất bán là 282,8 nghìn tấn (tăng khoảng 11,3%).

Diễn biến giá thịt lợn hơi trên các thị trường trong 2 quý đầu năm 2009 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Tại thị trường Đà Nẵng, giá thịt lợn hơi trong quý 2/2009 giảm đến hơn 15% so với quý 2/2008; Cần Thơ cũng có giá giảm gần 18%. Không giống các thị trường khác, từ đầu năm 2008 đến nay giá thịt lợn hơi trên 80kg tại thị trường Hà Nội luôn có xu hướng giảm, đến đầu quý 2/09 tăng nhẹ trở lại song cuối quý 2/09 lại giảm mạnh. Giá bán lẻ thịt lợn hơi tại thị trường Hà Nội ở thời điểm quý 2/2009 thấp hơn so quý 1/2008 hơn 7%.

Toàn cảnh hội thảo
Kinh tế khó khăn, vấn đề tín dụng bị thắt chặt khiến kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu đều có xu hướng giảm. Nguồn cung thịt trong nước 6 tháng đầu năm không bị ảnh hưởng bởi thịt nhập khẩu như năm 2008 song giá thịt trên thị trường ở thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7 vẫn rớt mạnh. Giá xuất chuồng giảm trong khi chi phí đầu vào cho thức ăn chăn nuôi từ tháng 5 liên tục được các hãng điều chỉnh tăng đang đẩy người nuôi vào cảnh thua lỗ, giảm đàn sau khi xuất bán. Và theo chiều hướng như hiện nay ,sức mua của thị trường cuối quý 2 giảm xuống thấp đang là nguyên nhân ghìm giá các sản phẩm thịt trong tháng 7. Bên cạnh đó yếu tố thời tiết nắng nóng, không thuận lợi, nguồn cung thịt lợn, gia cầm tăng so với cùng kỳ đã làm giá thị trường đi xuống. Tuy nhiên thịt vẫn là mặt hàng thực phẩm chủ chốt, thiết yếu, không thể thiếu. Hơn nữa sắp bước vào năm học mới cũng là là một trong những yếu tố dẫn tới tăng cầu. Dự báo thị trường thịt và thực phẩm từ nay đến cuối năm sẽ có biến động theo chiều hướng tăng so với quý 2. Áp lực tăng giá là do yếu tố cầu kéo và chi phí đẩy.

Nhìn chung các đại biểu đều thống nhất với những số liệu, cách nhìn nhận và phân tích vấn đề mà chuyên gia ngành hàng Bùi Minh Nguyệt trình bày. Dưới góc độ là đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Lý- đại diện Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam cho rằng cần phân tích sâu hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến giá như mùa vụ, tâm lý, mức độ tập trung con người, các đối tượng tiêu dùng. Vì trên thực tế hiện nay các doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh rất quan tâm đến các yếu tố này, đặc biệt như yếu tố mùa vụ. Ví dụ vào mùa hè do thời tiết nắng nóng nên người tiêu dùng cũng có xu hướng chuyển từ thịt sang một loại thực phẩm thay thế khác. Hoặc như trong mùa hè thì lượng học sinh, sinh viên về nghỉ hè nhiều cũng làm giảm nhu cầu tiêu dùng thịt. Yếu tố tâm lý cũng tác động đến người tiêu dùng nhất là vừa qua các cơ quan chức năng đã phát hiện hang loạt vụ vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm…

Một số đại biểu cũng trao đổi thêm về yếu tố ảnh hưởng của thịt nhập khẩu trong thời gian qua, liệu việc tăng giá trên thị trường thịt và thực phẩm có ảnh hưởng gì đến chỉ số CPI và định hướng thị trường trong thời gian tới như thế nào. Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Duy Lý , đơn vị Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam, bà Nguyệt cho biết gần đây liên tiếp xuất hiện các vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thịt nhập khẩu nên người dân hầu như không quan tâm đến mặt hàng thịt ướp lạnh, đông lạnh. Và từ trước tới nay người dân Việt Nam vẫn có thói quen mua ở các chợ gần nhà, mua của người quen chứ ít khi vào các siêu thị, các cửa hàng để mua thịt. Cũng trong buổi hội thảo này, bà Nguyễn Thị Hường chuyên viên nông nghiệp cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn về thói quen tiêu dùng, để từ đó các doanh nghiệp có thể biết xu hướng tiêu dùng thịt và thực phẩm trong nước hay nhập khẩu mà có chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp.

Hội thảo về ngành hàng thịt và thực phẩm là hội thảo cuối cùng trong chuỗi ngành hàng mà AGROINFO đã phối hợp thực hiện từ đầu tháng 7 đến nay. Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, nhưng theo đánh giá chung của các đại biểu tham dự thì những báo cáo tham luận của các diễn giả đã đề cập đúng vấn đề nóng hiện nay của các ngành hàng với những số liệu cụ thể từ các nguồn chính thống, tin cậy và những phân tích nhận định mang tính dự báo cho thị trường. Mặc dù đã có sự cố gắng cập nhật thông tin, tham khảo từ các nguồn khác nhau nhưng việc thoả mãn tất cả các yêu cầu của các đại biểu cũng là điều khó có thể thực hiện được. Các diễn giả của AGROINFO đã tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp chân thành của các đại biểu để có thể hoàn thiện hơn báo cáo. Cũng từ những ý kiến này, nhiều hướng nghiên cứu đề tài mới đã ra đời. Mong rằng trong thời gian sắp tới AGROINFO có thể nhanh chóng công bố những báo cáo mới để góp phần cung cấp thông tin hoàn thiện hơn cho các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân cũng như giới truyền thông.

>>> Tin liên quan:

Thị trường thịt và thực phẩm : Sẽ có biến động theo chiều hướng tăng

Công bố Báo cáo Thịt và thực phẩm quý 2/2009



Kiều Nga
Báo cáo phân tích thị trường