Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm tại TP.HCM: Cố gắng không gây xáo trộn lớn
04 | 08 | 2009
Các nhóm hàng thịt gia súc, gia cầm tươi, rau củ quả... chỉ được phép bán lẻ ở các chợ, siêu thị... Nội dung trên vừa được UBND TP.HCM phê duyệt theo quy hoạch kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm và có hiệu lực từ ngày 10-8. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Hồng - phó chủ tịch UBND TP - cho biết:
 Mục tiêu của quy hoạch này nhằm chấn chỉnh hoạt động bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Trong đó, yêu cầu hàng đầu là bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, đồng thời góp phần thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

Vì vậy, TP đã xác định phải giải quyết dứt điểm các chợ tự phát, chợ tạm, lấn chiếm lòng lề đường, song song với việc tập trung sửa chữa, nâng cấp chợ, xây dựng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hợp quy chuẩn. Qua đó, tạo điều kiện tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hàng hóa, hàng gian hàng giả, hàng gian lận thương mại, bảo vệ tốt nhất sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài ra, một mục tiêu quan trọng không kém là đảm bảo an toàn giao thông đô thị, nhất là dọc các tuyến đường giao thông trọng điểm.

Theo quy hoạch mới, mặt hàng rau củ quả sẽ không được bán lẻ ở lề đường. Trong ảnh: công nhân mua rau ở chợ chiều bên cạnh Khu chế xuất Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM -Ảnh: N.C.T.

* Nhưng thực tế hiện nay, TP vẫn chưa đáp ứng đủ số điểm đạt tiêu chuẩn để có thể kinh doanh những mặt hàng như quy hoạch đề ra. Người dân bán lẻ tạp hóa ở nhà có bán thêm một ít loại rau củ quả có bị xem là vi phạm?

Chỉ được bán tại chợ, siêu thị...

Theo quyết định quy hoạch kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn TP.HCM do bà Nguyễn Thị Hồng ký ngày 31-7-2009, các nhóm hàng nông sản, thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm tươi, sơ chế và nội tạng dạng thịt từ gia súc, gia cầm; thủy sản tươi, đông lạnh, khô, mắm các loại; các loại rau củ quả tươi, đông lạnh... chỉ được phép bán lẻ ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng văn minh tiện lợi đã được cấp phép. Và hoạt động bán lẻ các mặt hàng nông sản, thực phẩm được thực hiện theo quy hoạch của UBND từng quận huyện.

- Căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tiễn, TP sẽ có lộ trình và kế hoạch triển khai phù hợp, cố gắng không gây xáo trộn cuộc sống của người dân. Trước hết, yêu cầu các ngành chức năng, các quận huyện phải quán triệt đúng, đủ tinh thần chỉ đạo của UBND TP, từng bước giúp người tiêu dùng tăng cường nhận thức, đòi hỏi hàng hóa phải đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống. Từ đó bỏ những thói quen lợi bất cập hại, thói quen mua sắm hàng hóa ở lòng lề đường, chợ tạm vừa nguy hại cho sức khỏe vừa gây tác động xấu đến an toàn giao thông, văn minh đô thị và gây ô nhiễm môi trường.

* TP có hướng hỗ trợ như thế nào đối với những trường hợp sẽ bị ảnh hưởng bởi quy hoạch này?

- Chắc chắn việc giải quyết sẽ phải tính đến phương án xử lý như thế nào cho hợp tình hợp lý, giải quyết hài hòa giữa yêu cầu quản lý đô thị và vấn đề mưu sinh của người dân, giúp những người đang buôn bán, kinh doanh tại các chợ tự phát, chợ tạm di dời điểm bán cho phù hợp với từng địa bàn dân cư. Đây là nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp, không thể hoàn thành trong ngắn hạn. Do đó, rất mong được sự đồng thuận và hưởng ứng của người dân TP để góp phần phát triển ngành dịch vụ - thương mại, phát triển hệ thống bán buôn bán lẻ của TP theo đúng định hướng.

* Như vậy sau ngày 10-8, việc xử lý các trường hợp được cho là vi phạm trong hoạt động bán lẻ mặt hàng thực phẩm nông sản sẽ thực hiện chưa, thưa bà?

- TP đã giao về UBND các quận huyện căn cứ trên điều kiện thực tế để triển khai thực hiện. Khi nào UBND quận huyện tiến hành xong quy hoạch thì mới áp dụng hình thức xử lý các trường hợp kinh doanh không đúng theo quy định.

TRẦN VŨ NGHI thực hiện

 Thế nào là cửa hàng văn minh tiện lợi?

Ông Ngô Văn Hải, phó giám đốc phụ trách kinh doanh chuỗi hệ thống Citimart, cho rằng dù hiểu quy hoạch vừa ban hành nhằm tiến tới một mục tiêu kinh doanh và sử dụng hàng thực phẩm một cách an toàn, hợp tiêu chuẩn vệ sinh hơn, nhưng việc triển khai sẽ rất khó bởi không nêu rõ các tiêu chí thực hiện cụ thể thế nào, cách thức áp dụng ra sao.

Bà Tâm, chủ tiệm tạp hóa ở một hẻm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), cho biết ban đầu chỉ bán nước ngọt, bánh kẹo, gia vị. Dần dần nhu cầu khu dân cư xung quanh ngày một nhiều, bà lấy thêm rau củ quả, trứng. Rồi một vài năm gần đây sạp có kinh doanh thêm thịt heo, cá... “Những thứ này xuất phát từ những người trong hẻm nhờ tôi lấy giùm rồi dần dần lấy hàng bán đều” - bà nói. Chị Bích Phương, một khách hàng quen trong hẻm bà Tâm, cho rằng nhờ có sạp này mà buổi chiều đi làm về chị tạt ngang mua cọng hành, bó rau hay con cá, tiết kiệm nhiều thời gian. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo quyết định quy hoạch vừa được phê duyệt, tiệm tạp hóa của bà Tâm sẽ không được bán những mặt hàng tươi sống.

Trong khi đó, một chuyên gia lâu năm trong ngành thương mại cho rằng khái niệm và tiêu chí thế nào là “cửa hàng văn minh tiện lợi” cũng chưa được xác định một cách rõ ràng trong quy định hiện nay. Tại quy hoạch định hướng phát triển hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại trên địa bàn TP.HCM giai đoạn từ năm 2009-2015, hoàn toàn không nhắc đến cái gọi là “cửa hàng văn minh tiện lợi” là gì, nên khi loại hình này được xếp vào diện được kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm đã gây không ít băn khoăn về cách hiểu làm sao cho đúng để thực hiện.

T.V.N. - N.BÌNH


(Theo Tuổi Trẻ)


Báo cáo phân tích thị trường