Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hướng tới tăng trưởng và giảm nghèo bền vững vùng núi phía Bắc
20 | 09 | 2007
Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế trên mức trung bình của cả nước, thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa vùng miền núi phía Bắc với các vùng khác trong cả nước. Nâng cao chất lượng giáo dục và cải thiện sự tiếp cận đến giáo dục của người dân tộc thiểu số, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cho vùng.
Thực hiện chính sách về đất đai, khoáng sản, rừng trên địa bàn; chính sách liên kết kinh tế quốc tế, đẩy mạnh giao thương kinh tế với Trung Quốc, Lào; hoàn thiện chính sách xóa đói giảm nghèo theo hướng toàn diện, lâu dài và đặt trọng tâm giảm nghèo ở cấp cơ sở...“. Đó là một số định hướng cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi phía Bắc được đưa ra tại Hội thảo "Miền núi phía Bắc Việt Nam hướng tới tăng trưởng và giảm nghèo bền vững" do Ủy ban Dân tộc và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức ngày 29/11 tại Hà Nội.

Ngoài những vấn đề trên, hội thảo còn đề cập đến việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các đại biểu dự hội thảo xác định việc xây dựng và nâng cấp các tuyến đường giao thông đường bộ là ưu tiên hàng đầu; nâng cấp và đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống công trình kè bờ sông dọc biên giới chống xói lở; phát triển mạng lưới cấp nước sạch, cấp điện, viễn thông; phát triển hệ thống đô thị, bố trí lại dân cư xây dựng nông thôn mới. Vấn đề đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về các mặt văn hóa, giáo dục, y tế... đối với vùng miền núi phía Bắc; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số cũng được lưu ý.

Nghiên cứu "Miền núi phía Bắc - Hướng tới tăng trưởng và giảm nghèo bền vững" là kết quả của sự hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc, Viện Dân tộc, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Ngân hàng phát triển Châu Á . Mục tiêu chính của nghiên cứu là đưa ra các đề xuất, khuyến nghị chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các biện pháp cho công tác giảm nghèo bền vững trong những năm tới; đồng thời giúp ADB có thông tin đầy đủ về vùng núi phía Bắc để hỗ trợ vùng này phát triển kinh tế - xã hội và phát triển các cộng đồng dân tộc thiểu số.



(Theo TTXVN)
Báo cáo phân tích thị trường