Diện tích tăng từ 300 ha (năm 1999) lên gần 800 ha (2003). Từ năm 2003 trở đi phong trào nuôi tôm sú bị suy thoái do giá bán không cao, lãi ít bên cạnh đó nhiều loại dịch bệnh đã xuất hiện làm tôm chết hàng loạt như dịch đốm trắng, đầu đỏ và phân trắng... Nhiều vùng nuôi tôm sú có thời gian dài bỏ hoang như một số vùng nuôi ven sông Hiếu. Nhưng có một số vùng vẫn duy trì và nuôi có hiệu quả là các vùng nuôi ven sông Hiền Lương.
Bước vào vụ năm 2009, diện tích nuôi tôm sú cả tỉnh khoảng 400 ha, nhưng những người nuôi tôm sú đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức về kỹ thuật như chọn giống tốt, nuôi mật độ vừa phải, tuân thủ lịch thời vụ của chuyên ngành đề ra. Kết quả mới thu hoạch trên diện tích khoảng 50 ha nhưng cho lãi lớn, giá bán hiện nay khoảng 105.000đ/kg cỡ tôm 40 con/kg (trong khi đó giá thành 1kg tôm trên chỉ vào khoảng 45.000-50.000đ/kg). Đi thăm đồng gặp trực tiếp những người nuôi tôm sú, nhận thấy những nét hân hoan rạng ngời hạnh phúc trên khuôn mặt, chúng tôi biết những gian nan vất vả đã qua, họ đang chờ thu hoạch với niềm tin lãi lớn. Anh Dụng, chủ nhiệm HTX Phan Hiền, nói: Năm nay HTX nuôi khoảng 59 ha, số hộ nuôi là 130 hộ, ước tính khoảng 90% có lãi, nhiều hộ lãi từ 60 - 100 triệu đồng.
Qua bài học thắng lợi của vụ tôm năm nay, chúng tôi nhận thấy phát triển và duy trì nghề nuôi tôm sú bền vững cần có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng và quyết định là người nuôi phải am hiểu kỹ thuật và yêu nghề. Bên cạnh đó là tính trách nhiệm và hợp tác của cộng đồng những người nuôi phải cao để cùng nhau xử lý và hạn chế các dịch bệnh. Các ngành chức năng và chính quyền hỗ trợ cơ sở hạ tầng như: điện, các hệ thống xử lý cấp và thoát nước... tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nuôi để có những vụ mùa bội thu tiếp theo.
(Theo NNVN)