Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dự án cải tạo rừng hay dự án lấy gỗ?
07 | 08 | 2009
Vừa qua, tỉnh Đắc Lắc đã có quyết định đồng ý cho 2 doanh nghiệp của TP.Hồ Chí Minh triển khai 2 dự án (DA) cải tạo rừng ở vùng biên giới huyện Ea Súp.

Hai doanh nghiệp được thực hiện DA là Cty cổ phần Bảo Ngọc 390ha và Cty TNHH thương mại - dịch vụ xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát 193,5ha. Nhưng dư luận trong tỉnh không đồng tình với việc cho thực hiện 2 DA này.

Đây là vùng rừng khộp, mật độ cây còn khá dày. Có nhiều cây to đường kính trên 60cm. Cây non cỡ 10 - 20cm. Mùa mưa, nên rừng um tùm. Với mật độ cây như vậy, rõ ràng rừng ở đây không chỉ còn có giá trị lớn về tài nguyên, mà còn có giá trị sinh thái, môi trường rất lớn.

Một chuyên gia về lâm sinh của Viện KHKT nông - lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: Đó là vùng rừng khộp. Mà rừng khộp là vùng rừng có khí hậu khắc nghiệt. Cây cối ở đây phải phát triển trong điều kiện rất khó khăn và đã được thiên nhiên tự chọn lọc qua hàng vạn năm. Loại cây gì thì sống và phát triển được ở đây.

Loại cây gì đưa vào đây sẽ không tồn tại được. Và vì thế, chỉ nên làm vệ sinh, chăm sóc để nó phát triển tự nhiên mà không nên chặt phá để trồng lại. Không hiểu là các cơ quan chịu trách nhiệm khảo sát, đánh giá loại rừng, đánh giá tác động môi trường của DA như thế nào mà vẫn đồng tình tham mưu cho lãnh đạo tỉnh cho phép thực hiện DA.

Một sĩ quan biên phòng tỉnh Đắc Lắc cũng cho biết: Đây là vùng biên giới, bộ đội biên phòng đang quản lý, nhưng khi xem xét thẩm định các DA, lực lượng biên phòng hoàn toàn không biết, đến khi DA được triển khai thì biên phòng mới "té ngửa"...

Cuối tháng 7 vừa qua, PV Lao Động đã vào hiện trường nơi Cty TNHH thương mại - dịch vụ xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát đang triển khai DA. Ông Võ Hồng Nguyên - phụ trách DA - cho biết: Ông sẽ đầu tư vào đây 7,7 tỉ đồng để cải tạo rừng. Hiện giờ đang bắt đầu tỉa cây, bình quân mỗi hécta sẽ để lại khoảng 180 cây thẳng đẹp, sau đó sẽ cho dọn vệ sinh và đưa cây keo lai vào trồng...

Việc trồng cây rồi sẽ đi tới đâu chưa biết, nhưng chỉ mới thu gom, chặt tỉa khoảng 3ha, ông Nguyên đã có một đống gỗ khá lớn, dễ đến mấy chục mét khối, trong đó có nhiều loại gỗ quý như cam xe, cà chít. Nếu thu gom chặt tỉa xong cả gần 200ha rừng, ông sẽ có tới hàng ngàn mét khối gỗ. Dĩ nhiên là ông sẽ được ưu tiên mua, tiêu thụ và chắc chắn sẽ có lãi lớn...

Sau khi chặt tỉa, thu gom gỗ và chở đi tiêu thụ rồi thì việc trồng cây cải tạo rừng theo mục đích tốt đẹp mà DA vạch ra có thể làm được chăng hay chớ. Cải tạo rừng không thành công, có thể đổ lỗi vì nhiều lý do và... sẽ chẳng "làm gì được nhau", vì khi tỉnh Đắc Lắc cho thực hiện DA đâu có điều khoản nào ràng buộc phải bồi thường nếu DA không thành công.

(Theo Lao Động)

 

 
 



Báo cáo phân tích thị trường