Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Châu Âu giảm nhập khẩu rau quả tươi từ các nước đang phát triển
10 | 08 | 2009
Trung tâm xúc tiến Nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) cho biết, các nhà nhập khẩu tại châu Âu đã giảm nhập khẩu rau quả tươi từ các nước đang phát triển và đang tìm kiếm các sản phẩm có chất lượng cao hơn tương xứng với đồng tiền bỏ ra trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng.

Xuất khẩu của các nước đang phát triển đang gặp khó khăn bởi những nguyên nhân: Các nhà nhập khẩu Châu Âu tận dụng vị thế để ép giá; nhu cầu tiêu dùng giảm đối với các loại rau quả nhiệt đới đắt tiền, đối với rau quả trái vụ tại châu Âu, và đối với các sản phẩm mới được đưa ra thị trường. Ngoài ra, sự bất lợi về tỷ giá cùng với việc giảm hỗ trợ tài chính đã góp phần khiến các nhà nhập khẩu tại Châu Âu giảm nhập rau quả tươi từ các nước đang phát triển.

Một số công ty xuất khẩu còn bị tác động bởi tỷ giá, đặc biệt là trong các giao dịch với thị trường Anh. Tình hình còn tệ hơn khi các công ty khó tiếp cận các dịch vụ tài chính, các tổ chức tài chính. Chính vì vậy, một số nhà xuất khẩu phải quay sang nhờ hỗ trợ từ các nhà nhập khẩu tại châu Âu.

Tuy vậy, đến lượt các nhà nhập khẩu này lại phải đối diện với tình trạng trả chậm từ phía khách hàng của họ; thời hạn 60 ngày giờ đây đã trở thành bình thường. Một chuỗi các khó khăn như vậy đã tạo sức ép lớn lên toàn ngành và không ít các nhà cung cấp tại các nước đang phát triển buộc phải ngừng hoạt động.

Vì vậy, các nhà nhập khẩu đang giảm bớt số lượng đơn hàng để giảm bớt rủi ro và cũng khắt khe hơn đối với chất lượng sản phẩm. Những tiêu chuẩn chất lượng trước đây có thể không được chú ý nhưng nay có thể dẫn đến việc huỷ đơn hàng, từ chối hàng, hoặc thậm chí chấm dứt quan hệ bạn hàng.

Để bán được hàng, các nhà xuất khẩu phải tuân theo các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe hơn do nhà nhập khẩu đặt ra. Các vấn đề liên quan đến thực phẩm và an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu.

Các nhà nhập khẩu tại châu Âu luôn tìm kiếm các thị trường và sản phẩm tiềm năng; do đó, nếu có lợi thế cạnh tranh về những sản phẩm đặc sản thì các nhà xuất khẩu sẽ thu hút được sụ chú ý của các nhà nhập khẩu tại châu Âu.

Theo CBI và các tổ chức hỗ trợ thương mại (BSOs), các nước xuất khẩu cần đầu tư vào các chương trình và các hoạt động liên quan đến chất lượng, cấp giấy chứng nhận, hậu cần, và đầu vào thị trường để duy trì các thị trường nhập khẩu đang có và tìm kiếm thêm các thị trường mới. Mọi cải thiện trong việc làm hàng, gửi hàng, kiểm soát chất lượng trong quá trình vận chuyển sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Các nhà xuất khẩu cũng cần phối hợp với BSOs trong việc nâng cao hiểu biết của đối tác nhập khẩu về các sản phẩm tiềm năng của mình.

CBI chỉ ra rằng, các nước tại châu á như Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, và Trung Quốc có khả năng phục hồi nhanh hơn từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Khi nền kinh tế phát triển trở lại thì nhu cầu tiêu dùng rau quả sẽ tăng lên. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà xuất khẩu rau quả mong muốn đa dạng hoá thị trường xuất khẩu bên ngoài châu Âu.

(Theo rauquavietnam)



Báo cáo phân tích thị trường