Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nỗi lo thất thoát sau thu hoạch trong mùa mưa lũ
12 | 08 | 2009
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão là nhà nông Tiền Giang lại đối mặt với nỗi lo thiếu sân phơi, thất thoát sau thu hoạch lớn, chất lượng hạt lúa hàng hóa và tính cạnh tranh kém, dẫn đến thiệt hại nhiều mặt cho kinh tế địa phương. Đặc biệt, trong vụ hè - thu chính vụ toàn tỉnh xuống giống gần 82.000 ha, là một trong những vụ sản xuất chính trong năm, nếu tính bình quân năng suất đạt 50 tạ/ ha thì sản lượng cả vụ lên đến trên 400.000 tấn lúa.

Tuy nhiên, vụ hè - thu chính vụ hàng năm tại Tiền Giang thường trùng với mùa mưa bão đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do vậy tình trạng thu hoạch chạy lũ, không phơi phóng được đưa đến thất thoát lớn là khá phổ biến.

 Ước tính, nếu vụ đông xuân tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch bình quân từ 10% đến 11% thì trong vụ hè - thu chính vụ, tỉ lệ đó tăng lên trên 15%. Như vậy, trong vụ hè - thu chính vụ, chỉ riêng về thất thoát sau thu hoạch (chủ yếu do các khâu đổ ngã, không phơi sấy kịp thời...) tỉnh Tiền Giang mất trên 42.000 tấn lúa , tương đương số tiền trên 126 tỉ đồng (tính giá lúa khoảng 3.000 đ/kg) mặc dù thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã có chánh sách hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất lúa hàng hóa, chú trọng các khâu: cơ giới hóa làm đất, bơm tát, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch...

Phơi lúa ven đường
Theo thống kê, toàn tỉnh phát triển được gần 6.400 công cụ sạ hàng, gần 320 máy gặt xếp dãy, 38 máy gặt đập liên hợp, trên 300 máy sấy lúa. Từ nay đến năm 2010, Tiền Giang phấn đấu trang bị thêm 300 máy gặt xếp dãy, 188 máy gặt đập liên hợp, gần 200 máy sấy lúa. Nhờ nỗ lực chung, địa phương đã nâng tỉ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp lên trên 50%.

Đó là trên bình diện chung. Tuy nhiên, điểm yếu và thiếu nhất hiện nay vẫn là khâu phơi, sấy lúa. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, toàn bộ máy sấy lúa chủ yếu tập trung tại các huyện phía Đông như các huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công; trong khi đó, các huyện phía Tây thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ lụt sông Cửu Long và cũng là vựa lúa gạo của tỉnh như là các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước hầu như có rất ít máy sấy lúa (!), việc phơi phong chủ yếu dựa vào ánh nắng mặt trời mà những ngày chịu ảnh hưởng mưa bão, áp thấp nhiệt đới...coi như bó tay. Những ngày thu hoạch rộ, nếu như gặp phải thời điểm thời tiết xấu là nông dân đành đau lòng nhìn lúa nảy mầm, chất lượng kém, khó bán hoặc không bán được. Đơn cử như tại xã Thạnh Lộc - một trong những vựa lúa quan trọng của huyện Cai Lậy nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, có diện tích canh tác trên 1.800 ha với sản lượng hàng năm trên 30.000 tấn lúa, tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy xã Dương Văn Kia, cả xã không có một hệ thống sấy lúa nào!. Sân phơi tập trung cũng không có. Bà con tận dụng ven lộ, sân nhà hoặc đưa đi phơi nhờ ở những nơi khác có hệ thống sân phơi tốt như ở Phú Cường (Cai Lậy) chẳng hạn. Từ đó, nảy sinh dịch vụ cho thuê sân phơi, cho thuê máy sấy. Giá thuê sân phơi ở mức 80.000 đ/ tấn lúa còn giá sấy thuê lên đến trên 120.000 đ/tấn lúa đã làm tăng thêm chi phí sản xuất và lợi nhuận nhà nông giảm thấp.

Cũng theo ông Dương Văn Kia ,việc thiếu hệ thống phơi sấy lúa tại các địa bàn trọng điểm sản xuất nông nghiệp có nhiều nguyên nhân: đất đai manh mún, nhỏ lẻ, đầu tư hệ thống máy sấy hoặc làm sân phơi đạt tiêu chuẩn không hiệu quả, tập quán sản xuất của nông dân còn lạc hậu và theo kiểu truyền thống...Còn theo ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đề án Chính sách hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2008-2010 đã được triển khai nhưng tiến độ rất chậm. Qua đề án, chỉ mới trang bị thêm được 13 máy gặt đập và máy sấy lúa các loại với tổng nguồn vốn đầu tư trên 1,5 tỉ đồng.

Cơ giới hóa là một bộ phận quan trọng của nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao mà tỉnh Tiền Giang - vựa lúa ĐBSCL đang hướng tới. Đặc biệt, là tiêu chí không thể thiếu được khi tổ chức sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP) đáp ứng mục tiêu hội nhập quốc tế trong giai đoạn phát triển mới. Nông hộ muốn nâng chất lượng lúa gạo theo hướng GAP đòi hỏi phải là xã viên hợp tác xã, phải có nhà kho, sân phơi đạt tiêu chuẩn, có hệ thống phơi sấy thích hợp được công nhận...Ông Nguyễn Văn Khang cho rằng tỉnh đã có chính sách ưu đãi đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đối với nông hộ và loại hình kinh tế tập thể. Gần đây, Chính phủ cũng có thêm những gói kích cầu cho khu vực nông nghiệp - nông thôn, vấn đề còn lại cần nâng cao nhận thức của người dân, sự chung tay của các cấp, các ngành trong định hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao mà vấn đề khắc phục thất thoát sau thu hoạch phải được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu. Có như thế mới không còn phải lo thiếu nhà kho, thiếu sân phơi, giúp nhà nông tăng thêm lợi nhuận cũng như tăng giá trị nguồn nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh./.



Theo TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường