Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần xây dựng thương hiệu cho hạt tiêu Việt Nam
12 | 08 | 2009
Gần đây, Việt Nam nhanh chóng trở thành nước xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới với khối lượng xuất khẩu hàng năm lên tới gần 100.000 tấn, chiếm tới một nửa lượng hồ tiêu giao dịch trên thế giới. Nhưng tiếc thay, sản phẩm này lại chưa được xây dựng thương hiệu xứng tầm.

Năm nay, khả năng vụ hồ tiêu 2008 - 2009 Việt Nam thu hoạch đạt tới 950 nghìn tấn, tăng 400 tấn so với năm 2008. Theo ước tính 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất tới 52 nghìn tấn, tăng 43,3% so với năm 2008. Tuy nhiên, mức tăng về trọng lượng cũng không kéo lại được mức giảm về giá. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nên giá nhiều mặt hàng, trong đó có hồ tiêu giảm liên tục.

Trong 5 tháng giá xuất khẩu trung bình mặt hàng này giảm tới 21% so với mức giá xuất khẩu trung bình tháng 12 năm 2008. Có thể thấy rằng, mặc dù sản lượng tiêu vụ này tăng không nhiều và giá giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp và người trồng tiêu vẫn ồ ạt bán và xuất khẩu.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do tâm lí lo ngại giá hàng hóa nói chung, giá hồ tiêu nói riêng tiếp tục giảm do kinh tế thế giới vẫn tiếp tục suy thoái. Thứ 2, mặc dù giá hồ tiêu trong nước giảm và dao động ở mức 30 000 - 33 000đ/kg, thì người trồng tiêu vẫn còn lãi 16.000đ/kg khoảng 50%. Vì thế, người dân vẫn ồ ạt bán ra. Thứ ba, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vốn ít nên được giá là bán, chủ yếu bán sản phẩm mới chỉ sơ chế, không có thương hiệu nên giá bán hồ tiêu thấp hơn so với các nước khác. Đây là tình trạng chung của nông sản Việt Nam xuất khẩu: ít chế biến, không thương hiệu, giá thấp. Nhiều quốc gia khác thường mua hồ tiêu và các nông sản khác của Việt Nam về chế biến và gắn thương hiệu của họ bán với giá rất cao. Đây chính là điểm yếu nhất của hàng nông sản xuất khẩu nước ta.

Trong 5 tháng, Việt Nam xuất khẩu ồ ạt nên nguồn cung của Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới, không còn nhiều. Trong 7 tháng còn lại Việt Nam chỉ còn khả năng xuất khẩu 40.000 tấn hồ tiêu. Chính vì thế giá tiêu trong thời gian tới sẽ phục hồi và tăng cao.
Việc Việt Nam dù xuất nhiều nhất thế giới về tiêu vẫn không thể làm chủ được giá thị trường là một điều cần xem xét. Trong thời gian tới, nhu cầu tiêu trên thế giới vẫn cao, việc tiêu dùng sản phẩm này ít bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế. Chúng ta cần phải chủ động điều tiết lượng xuất ra bằng cách giảm lượng xuất khẩu trước mắt để đẩy giá lên, chỉ nên xuất khi giá tối thiểu đạt tới 2.800USD/tấn.

Việc chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng nông sản này đã làm cho Ấn Độ phải xếp hàng thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, về mặt thương hiệu lại chưa được quan tâm và xây dựng xứng tầm. Việc xây dựng thương hiệu đối với hàng nông sản Việt Nam là cần thiết nhưng đối với hồ tiêu lại càng cần thiết hơn vì đây là sản phẩm thế mạnh. Bên cạnh đó, về lâu dài cần tổ chức xây dựng các kho dự trữ hồ tiêu và nghiên cứu đầu tư công nghệ chế biến, tiến tới xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam. 

 (Vinanet)

 



Báo cáo phân tích thị trường