Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều: Nông dân vẫn điêu đứng
14 | 08 | 2009
Nếu như trên thị trường thế giới, hạt điều của nước ta giữ vị trí quán quân thì trong nước, điều đang đánh mất vị trí của mình trong mắt người nông dân. Bằng chứng là diện tích điều đang có xu hướng sụt giảm bởi giá thu mua thấp, thậm chí tại một số địa phương, các nhà máy chế biến không buồn thu mua nguyên liệu. Nghịch lý này đã tồn tại từ lâu nhưng ngành điều vẫn chưa tìm được hướng đi thích hợp.

Trăm mối tơ vò

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, chất lượng hạt điều của Việt Nam thuộc hàng tốt nhất thế giới, cao hơn hẳn điều nhập từ Bờ Biển Ngà hay Nigiêria. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, hạt điều của nước ta luôn giữ vững vị trí số 1 trên thế giới về kim ngạch, sản lượng xuất khẩu. Riêng 5 tháng đầu năm 2009, cả nước xuất khẩu được 57.800 tấn, đạt kim ngạch 256 triệu USD. Đây là con số đáng nể mà ngành điều đạt được trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng, ảnh hưởng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, trớ trêu thay, để có lượng điều xuất khẩu trên, các doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu tới 50% lượng điều thô về chế biến. Nguyên nhân là do sản lượng điều trong nước giảm đáng kể do diện tích giảm. Năm 2007, sản lượng điều thô đạt 400.000 tấn nhưng năm 2008 chỉ còn 350.000 tấn và năm 2009 dự báo sẽ thấp hơn nhiều.

Lý giải về tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù tiềm năng trồng điều của nước ta rất lớn nhưng thời gian qua, năng suất liên tục sụt giảm do giá vật tư tăng cao, chi phí đầu vào lớn, dẫn đến tình trạng người trồng giảm thu nhập, không có khả năng tái đầu tư. Chính điều này làm nảy sinh tâm lý chán nản, bỏ bê chăm sóc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất mùa diễn ra liên tục ở hầu hết các “thủ phủ” của điều như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Đó là chưa kể, những tác động từ bên ngoài như ảnh hưởng của thời tiết, mưa trái mùa vừa qua làm hơn 100.000ha điều bị nhiễm bệnh. Năng suất, sản lượng sụt giảm đáng kể, cộng với giá thu mua không được cải thiện khiến bà con chặt bỏ điều chuyển sang trồng các loại cây trồng mới

Bên cạnh đó, giá thu mua điều tại vườn cũng rất thấp, chỉ khoảng 6.800-7.000 đồng/kg, giảm 3.000- 5.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2009. Vì vậy, ở một số nơi, người dân ồ ạt chặt bỏ điều để trồng cây khác khiến diện tích điều sụt giảm đáng kể. Hiện, diện tích canh tác điều của cả nước còn khoảng 400.000ha, trong đó có 300.000ha đang cho thu hoạch.

Ông Nguyễn Đức Thanh, quyền Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhận định, không phải do giá trị hạt điều nguyên liệu của Việt Nam thấp mà do thiếu sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người sản xuất dẫn đến sự đi xuống của ngành điều dù trước mắt ta vẫn còn khá nhiều cơ hội. “Hiện nông dân vẫn chưa có cơ hội tiếp cận với các nhà máy chế biến để trực tiếp bán hàng mà thường thông qua các đại lý, tư thương. Chính kẽ hở này đã tạo điều kiện cho thương lái tung hoành, tự ý đặt ra các mức giá khác nhau. Vì giá mua qua khâu trung gian cao hơn giá điều thô của một số nước nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nhập khẩu thay cho hợp tác lâu dài với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững”, ông Thanh nói.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ vì lợi ích trước mắt mà cho nhập khẩu điều thô từ các nước và vùng lãnh thổ ở Tây Phi như Nigiêria, Bờ Biển Ngà..., hoặc đầu tư vùng nguyên liệu theo cách bỏ lửng để “dìm” giá nông dân. Một điểm yếu nữa là, tổ chức chế biến của ngành điều nước ta rất manh mún và tự phát, năng suất lao động thấp, sản phẩm chưa đa dạng và ít có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đều có quy mô nhỏ, manh mún, phân tán, nhiều doanh nghiệp còn chưa có nhà máy chế biến...

Quay về thị trường nội địa?

Hiện, thị trường điều đang có những diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, khi giao kết với đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp cần phải thận trọng, nhất là thời điểm những tháng cuối năm. Đồng thời, các doanh nghiệp cần cơ cấu lại sản phẩm theo hướng giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao chất lượng và thị hiếu người tiêu dùng. Trước mắt, để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, Vinacas kiến nghị cho các doanh nghiệp vay thêm vốn với lãi suất 0%.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng khuyến cáo, đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp quay về thị trường nội địa. Hiện 95% sản lượng điều dành cho xuất khẩu, vì vậy mục tiêu đến năm 2015, mức tiêu thụ thị trường nội địa phải chiếm 10-20%. Nếu các doanh nghiệp chỉ vì cái lợi trước mắt mà nhập khẩu điều thô, không đầu tư vào vùng nguyên liệu thì về lâu dài việc phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nước ngoài sẽ xảy ra. Và nếu nghịch lý này diễn ra thì vị thế nước xuất khẩu điều số 1 thế giới của Việt Nam sẽ bị lung lay mà tiềm năng và lợi thế phát triển vùng chuyên canh điều vẫn bị bỏ ngỏ, người nông dân không thể thoát nghèo. Vì vậy, để cứu vãn ngành điều, sự thay đổi trong suy nghĩ và cách thức làm ăn của doanh nghiệp là rất cần thiết.



Theo KTNT
Báo cáo phân tích thị trường