Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thừa Thiên - Huế: Giao đất các lâm trường quản lý nhưng không sử dụng hết cho dân trồng rừng
14 | 08 | 2009
Trước đây, đất lâm nghiệp đều được khoanh vùng giao cho các đơn vị nông, lâm trường quản lý để tránh tình trạng bà con đồng bào các dân tộc đốt phá rừng làm nương rẫy. Nay, hình thức quản lý này cần phải được thay đổi vì đất các lâm trường không sử dụng hết, trong khi dân thiếu đất trồng rừng, nhất là rừng kinh tế.

Vấn đề này càng trở nên bức xúc hơn kể từ khi Thừa Thiên - Huế tìm ra được bộ giống cây trồng thích hợp cho việc trồng rừng kinh tế gồm: keo lá tràm, keo lưỡi mác, keo tai tượng, keo lai, phi lao, thông nhựa, cây sao, dầu, huỷnh và một số cây bản địa có ở rừng tự nhiên trong toàn tỉnh. Thay vì trồng cây bạch đàn như trước đây, hiện các địa phương, hộ dân trong tỉnh đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng các loại cây trồng nói trên. Tính ra, cứ 1 ha rừng cây keo, chi phí bỏ ra ban đầu không quá 7 triệu đồng, sau từ 5 đến 7 năm cho thu hoạch từ 20 đến 40 triệu đồng/ha. Trong khi đó, đầu ra của cây keo hiện nay lại hết sức thuận lợi: cung cấp gỗ làm nhà, làm đồ gia dụng, bàn ghế học sinh, và nguyên liệu dăm giấy cho xuất khẩu.

Theo tính toán, riêng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông có tới 9.819 ha/41.710 ha rừng và đất rừng đơn vị đang quản lý nhưng không sử dụng. Tương tự các lâm trường Tiền Phong, A lưới, Phong Điền... cũng trong tình trạng như vậy. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế Hồ Đăng Vang chia sẻ: Tỉnh đang soát xét lại toàn bộ diện tích đất rừng do các đơn vị quản lý, nơi nào không sử dụng hết thì phải giao lại cho dân trồng rừng, không để lãng phí nguồn tài nguyên đất đai. Mới đây nhất, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 2.599 ha đất rừng của các đơn vị như Ban Quản lý rừng Nam Đông, Ban Quản lý rừng Hương Thuỷ trả lại cho các địa phương để giao đất cho dân trồng rừng.

Thừa Thiên - Huế có tới 46 xã miền núi có đông đồng bào sinh sống chủ yếu dựa vào rừng và đất rừng để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhờ giao đất, giao rừng đồng bào các dân tộc ở đây đã nâng cao được ý thức trong quản lý, bảo vệ và trồng rừng tốt hơn. Đặc biệt, thu nhập từ việc bán các nguồn lợi lâm sản khai thác từ rừng trồng đã góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong vùng...Tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi, vùng dân tộc nhờ vậy đã giảm từ 41,7% xuống đến nay còn dưới 27,5%.



Theo TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường