Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vấn nạn phân bón giả: Cần xử lý đủ mạnh và nghiêm minh
16 | 08 | 2009
Năm 2009, với mục tiêu là “năm chất lượng phân bón”, vừa qua Bộ Công Thương, Bộ Công An cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Hiệp hội phân bón Việt Nam tổ chức Hội nghị bàn biện pháp phối hợp xử lý phân bón giả.

50% mẫu phân bón không đạt chất lượng

Sau một thời gian lắng xuống, thời gian gần đây tình trạng phân bón giả lại tiếp tục tái diễn với quy mô lớn, nhất là khu vực phía Nam. Chỉ trong vòng 2 tháng (tháng 6 và 7/2009), cơ quan chức năng đã bắt giữ 5 vụ sản xuất quy mô lớn với gần 1.000 tấn phân bón giả, kém chất lượng, làm giả nhãn mác đang chuẩn bị ra thị trường tiêu thụ. Vụ điển hình nhất, là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận phối hợp với lực lượng chức năng thu giữ 53,9 tấn phân bón giả của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh Phát Tài và 37,6 tấn phân bón hữu cơ nhái nhãn hiệu Phân bón khoáng hữu cơ và phân bón Vi sinh Đa Lộc…

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam, cho rằng, vấn nạn phân bón giả, nhái và kém chất lượng hiện nay không chỉ làm ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp sản xuất trong nước mà còn làm thiệt hại nghiêm trọng tới việc sản xuất của bà con nông dân, làm đau đầu cơ quan quản lý Nhà nước. Không thể thống kê hết thiệt hại của nông dân khi sử dụng phân bón giả.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt về công tác kiểm tra phân bón năm 2008, cả nước có trên 300 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón với trên 3.000 loại sản phẩm khác nhau. Qua lấy mẫu kiểm tra tại 22 tỉnh thành trên toàn quốc cho thấy kết quả gần 50% số mẫu phân bón kém chất lượng. Đứng trước thực trạng này, Hiệp hội phân bón cũng như các ngành liên quan đưa ra mục tiêu năm 2009 là “năm chất lượng phân bón” với việc triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy lùi việc sản xuất và kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng… Một trong những biện pháp được đẩy mạnh đó là tăng cường kiểm tra đột xuất và kiểm tra ngay tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, việc phát hiện, bắt giữ và xử lý phân bón giả còn quá nhiều bất cập. Đầu tiên là các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, nghiêm minh chưa cao. Đặc biệt, chưa có một văn bản có tính pháp lý cao để xử phạt lĩnh vực này.Việc xử phạt phân bón giả chưa kiên quyết, phạt nhẹ nên thiếu tính răn đe, đề phòng.

Hai lực lượng “gánh” trách nhiệm chính

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng, hiện nay tổ chức bộ máy của các cơ quan quản lý và giám sát lĩnh vực phân bón còn nhiều bất cập. Thanh tra của ngành trồng trọt chưa phải thanh tra chuyên ngành, lại không có chức năng kiểm tra, xử phạt, nên các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón giả “qua mặt”.

Mặc dù sản xuất phân bón là ngành sản xuất có điều kiện, nhưng hiện nay việc cấp phép vẫn tràn lan dẫn đến nhiều cơ sở sản xuất xin giấy phép sản xuất, kinh doanh phân bón nhưng là các loại phân bón kém chất lượng, không đạt theo tiêu chuẩn đăng ký. Hạn chế việc này, đại diện các bộ đều cho rằng, không nên và không thể cấp phép tràn lan như hiện nay. Khi cấp phép, cần tham vấn ý kiến chuyên ngành về trồng trọt, phân bón ở địa phương. Các cơ sở sản xuất phân bón phải có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, trang thiết bị như phòng kiểm nghiệm và những yêu cầu khác. Gắn trách nhiệm doanh nghiệp với pháp luật trong việc thực hiện luật tiêu chuẩn và luật quy chuẩn.

Phân bón là mặt hàng có điều kiện nên cần thiết phải có Nghị định hoặc một văn bản pháp lý tương đương. Có thể phải soạn thảo cả luật, chế tài để quản lý, xử phạt vi phạm…để quản lý chặt chẽ. Cần sớm ban hành tiêu chuẩn về tên phân bón, ngoài ra, cần sớm ban hành pháp lệnh về phân bón hoặc luật phân bón vì nếu không đưa vào luật thì sẽ thiếu cơ sở và không thể xử lý. Bên cạnh đó, cần có hình thức xử phạt theo từng cấp độ vi phạm chứ không đánh đồng tất cả vi phạm. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Hạc Thúy cho rằng, nếu sản xuất phân bón chỉ đạt 10% so với tiêu chuẩn cũng quy vào là phân bón kém chất lượng như khi đạt 90% với mức xử phạt như nhau thì chẳng ai dại gì mà sản xuất phân 90%.

Các ý kiến cũng cho rằng, vấn nạn này cần có sự phối hợp của nhiều bộ ngành, trong đó công an, quản lý thị trường là hai lực lượng đi đầu trong việc kiểm tra, xử lý, hiện nay, ngành này có đủ các văn bản pháp lý để dựa vào đó thực thi. Vì vậy, hai lực lượng này cần tăng cường thanh tra kiểm tra, kiểm soát thị trường, nếu có biểu hiện sản xuất, kinh doanh phân bón giả của tổ chức, cá nhân, thì lập tức có biện pháp xử lý đủ mạnh và nghiêm minh.
 
(Theo Báo điện tử Công thương)



Báo cáo phân tích thị trường