Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp nội quyết chí "uốn" thị hiếu sùng hàng ngoại?
19 | 08 | 2009
Như nhiều DN dự đoán, cùng với những cuộc vận động dùng hàng nội ào ạt của các nước láng giềng, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sớm muộn cũng sẽ khai cuộc. Và nếu có sự nhập cuộc sớm và quyết tâm chinh phục lại thị trường của giới DN, hiệu quả sẽ nằm trong tầm tay.

Về phía các DN, thúc đẩy bán hàng là mục tiêu số một, cho dù thị trường trọng điểm nào cũng là điều cần chú ý. Mở rộng xuất khẩu là chiến lược ưu tiên, mũi nhọn của nhiều DN, tuy nhiên, không phải lúc nào xuất khẩu cũng đem lại lợi nhuận cao và dễ làm. Theo một số DN đã từng đi xúc tiến bán hàng tại Chi Lê mới đây, xuất khẩu dường như ngày càng khó khăn hơn. Thậm chí, có những nhà nhập khẩu sẵn sàng lấy hàng Trung Quốc để làm cơ sở mặc cả giá với DN Việt Nam, và đương nhiên là giá thấp hơn cả bán tại thị trường Việt Nam.

Đơn cử, sản phẩm quần Jean sản xuất trong nước bán cho người tiêu dùng nội địa có thể được 270.000 đồng, tương đương 15 USD, song khi phát giá bán cho khách hàng Chi Lê dù chỉ 9 USD, có DN nhập khẩu đã mặc cả giá xuống chỉ còn 3,75 USD/chiếc. Tương tự, áo sơ mi DN "hét" giá 6 USD/chiếc, khách hàng trả 2,5 USD/chiếc... Nguyên nhân do khách hàng Chi Lê chủ yếu nhập khẩu hàng dệt may của Trung Quốc và dựa vào mức giá sàn của Trung Quốc để trả giá hàng của Việt Nam, giá trả chỉ bằng 50- 60% mức giá các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu. Đây quả là một thách thức đối với hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam.

Mục đích của cuộc vận động người Việt dùng hàng nội là nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Gần đây, nhiều DN trong nước do xuất khẩu khó khăn, hoặc nhận thấy rõ tiềm năng thị trường nội địa, đã lên kế hoạch chinh phục thị trường hơn 80 triệu dân trong nước. Chưa có số liệu chính thức, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế thừa nhận sự bứt phá của thương hiệu nội trong thời gian gần đây.

Nguồn thông tin về chất lượng sữa ngoại nhập và các hãng sữa ngoại "đẩy giá lên trời" đã tạo nên làn sóng dùng sữa nội vì hàm lượng dưỡng chất tương đương trong khi giá cả lại thấp hơn một nửa. Một nhà sản xuất khác, Hancofood, cũng đã lên kế hoạch hợp tác với các trường mầm non ở TP.HCM giảm giá trực tiếp 30% trên bảng giá chính thức cho các trường, nhóm trẻ khu vực ngoại thành sử dụng sữa và các sản phẩm dinh dưỡng của hãng.

Ông Vũ Đức Giang, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), cho biết, hưởng ứng chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Vinatex sẽ chi 6-7 tỷ đồng để đầu tư đưa hàng may mặc về các vùng nông thôn thông qua chuỗi hệ thống siêu thị hàng dệt may Vinatex mart hiện có tại các tỉnh, thành phố và tập trung mở rộng hệ thống phân phối để đưa được hàng về các vùng sâu, vùng xa.

Điều gì sẽ khiến người tiêu dùng bớt sủng ái hàng ngoại và quay về với hàng nội? Câu trả lời chỉ là chất lượng hàng hoá và chất lượng hậu mãi. Trong lúc các DN hy vọng đẩy mạnh doanh số bán tại thị trường nội địa, đầy lùi hàng ngoại nhập, thì người tiêu dùng lại hy vọng chính sách bảo vệ người tiêu dùng trong nước ngày càng hoàn thiện và phát huy tác dụng, đó cũng là yếu tố xây dựng tính bền vững cho cuộc vận động người Việt dùng hàng nội.



Theo KTHT
Báo cáo phân tích thị trường