Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người tiêu dùng lo lắng, mất niềm tin với sản phẩm thịt nhập khẩu
19 | 08 | 2009
Những ngày gần đây, thông tin về thịt nhập khẩu nhiêm khuẩn, không đạt chất lượng bị các cơ quan chức năng phát hiện và tiêu huỷ với số lượng lớn trên thị trường đã gây hoang mang cho người tiêu dùng. Một số người tiêu dùng đang có xu hướng quay trở lại với các sản phẩm thịt trong nước. Vấn đề thịt bẩn thực sự tác đông đến thị trường thịt và thực phẩm trong nước như thế nào. Mời quý vị và các bạn tham khảo thêm ý kiến của bà Bùi Minh Nguyệt - chuyên gia phân tích thuộc đơn vị AGROINFO

-Thưa bà, thông tin thịt nhập khẩu kém chất lượng trong thời gian qua đã tác động như thế nào đến thị trường thực phẩm trong nước?

Thời gian gần đây, Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP Tp. HCM liên tục phát hiện thấy các lô hàng thịt nhập khẩu quá đát, nhãn mác bao bì không đúng với sản phẩm bên trong hoặc chưa qua chiếu xạ được các công ty cất giữ trong kho lạnh. Một trong số các lô sản phẩm đó đã được bán ra thị trường, thậm chí còn được bán tại các siêu thị lớn như BigC, Coop.mart… gây tác động lớn đến tâm lý của người tiêu dùng. Việc đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh thú y tỉnh Bình Dương mới đây phát hiện thấy gần 27 tấn thịt gà và thịt bò của Metro Việt Nam bị nhiễm khuẩn gấp nhiều lần so với quy định được lưu trữ tại kho lạnh của công ty ở KCN Sóng Thần II, huyện Dĩ An (Bình Dương) càng khiến cho người tiêu dùng lo lắng, mất lòng tin đối với các sản phẩm thịt nhập khẩu. Một số người tiêu dùng đang có xu hướng quay trở lại sử dụng các sản phẩm thịt có nguồn gốc trong nước. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào để phân biệt được đâu là thịt sạch hay không sạch khi mà ngay cả công ty lớn như Vinafood, công ty đồ hộp Hạ Long cũng gian lận trong chứng từ để tiêu thụ hàng không đảm bảo chất lượng ra thị trường.

Chuyên gia phân tích Bùi Minh Nguyệt tại cuộc hội thảo về thị trường thịt và thực phẩm
Theo số liệu của TCHQ, thì kim ngạch nhập khẩu thịt trong quý 2/2009 vào khoảng 38 triệu USD, cao hơn so với quý 1/2009 đến 85%, đặc biệt là tháng 6/09 tăng mạnh lên trên 16 triệu USD. Do đó, có thể thấy thịt nhập khẩu trên thị trường trong quý 2/2009 có xu hướng tăng so với các tháng đầu năm. Tuy nhiên, như đã nói thì thịt nhập khẩu hiện đang mất vị thế, người dân có xu hướng quay lại tiêu dùng các sản phẩm thịt trong nước nên đã có tác động kéo giá các sản phẩm thịt trong nước tăng, song chưa mạnh. Công suất giết mổ của một số cơ sở giết mổ lớn tại Tp. HCM hiện cũng đã được tăng lên so với trước đó.

-Cục Thú y mới có quy định tạm thời hạn chế nhập khẩu thịt giá rẻ và các sản phẩm nội tạng có tác động đến giá thịt và thực phẩm trong nước?

Việc Cục Thú y mới ban hành văn bản số 1167 và 1168 ngày 14/7, quy định không được nhập khẩu thịt gia cầm, gia súc đông lạnh mà không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y theo quy định của Bộ y tế và đề nghị các công ty không nhập khẩu sản phẩm bím, nội tạng động vật làm thực phẩm cho con người đã có tác động làm giảm lượng thịt được nhập về trong những ngày đầu tháng 8.
Nhập khẩu thịt bị hạn chế cùng với việc người dân lo sợ tiêu dùng phải thịt bẩn nên chuyển sang chọn các thực phẩm thịt sản xuất trong nước đã có tác động kéo giá thịt trong nước lên. Tuy nhiên, do nguồn cung thịt trong nước khá ổn định và nhìn chung tiêu dùng của người dân cũng chưa thật sự tăng mạnh nên giá thịt và thực phẩm trên thị trường chưa bị tăng đột biến.


Cuối tháng 2.2009, Cty Trúc Đen - địa chỉ 80 Nguyễn Biểu, Q.5 - xin phép Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhập lô hàng gồm 80 tấn cánh gà, 10 tấn mề gà và 10 tấn đùi tỏi gà từ Cty Hazeldene's Chicken Farm Pty., Ltd. (Úc). Cty này đã nhập trước 13,5 tấn cánh gà và thực hiện xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật (Cơ quan Thú y vùng VI). Lô hàng trên qua 2 lần xét nghiệm đều không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm do nhiễm khuẩn E.coli và coliform.

Sự việc 13,5 tấn cánh gà nhập khẩu bị nhiễm khuẩn chưa có kết luận thì ngày 9.7. 2009, Chi cục Thú y TPHCM lại phát hiện thêm 3 lô hàng "ngọc dương" (bộ phận sinh dục của dê đực) phế thải kém chất lượng chứa trong 101 thùng đã được Cơ quan Thú y vùng VI cấp phép cho tung ra thị trường.

-Giá thịt thời gian qua có xu hướng giảm, nguyên nhân là do đâu?


Giá thức ăn chăn nuôi trong tháng 5 liên tục được các hãng điều chỉnh tăng song giá thịt trong tháng 6 đầu tháng 7 lại có xu hướng giảm mạnh. Việc giá thịt trên thị trường thời gian vừa qua giảm mạnh theo tôi có 2 nguyên nhân chính, đó là:
Sức mua của thị trường ở thời điểm cuối quý 2, đầu quý 3 giảm đã gây áp lực giảm giá lên các mặt hàng thực phẩm trong nước. Tác động của dịch bệnh cúm H1N1 đang lây lan rộng, khó kiểm soát cũng là một trong những nguyên nhân làm cho sức mua thịt lợn tại 2 thành phố là Hà Nội và Tp. HCM bị giảm đáng kể. Qua đó, tác động đến giá các sản phẩm thịt hơi, đẩy nhiều hộ chăn nuôi vào cảnh thua lỗ.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đầu năm phát triển ổn định. Tại thời điểm điều tra 1/4/09, đàn gia cầm trên cả nước tăng trưởng đến 11,4%; đàn lợn là 3,57%, đàn bò duy trì ở mức 1-2% nên nguồn cung thịt ra thị trường được đảm bảo (cùng kỳ năm ngoái, đàn lợn và đàn bò có tốc độ tăng trưởng âm, đàn gia cầm chỉ tăng 6%), cùng với sức mua thấp đã ảnh hưởng đến thị trường thực phẩm trong nước

Kim ngạch nhậpkhẩu thịt trong quý 2 có chiều hướng tăng cao so với quý 1 cũng góp phần tăng nguồn cung cho thị trường trong thời điểm sức mua thấp tác động kéo giá xuống.

-Dự báo thị trường thịt và thực phẩm từ nay đến cuối năm như thế nào?

Thịt vẫn luôn là một trong những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không thể thiếu của người dân. Do đó, thị trường thịt và thực phẩm từ nay đến cuối năm được AGROINFO dự báo sẽ biến động theo chiều hướng tăng so với quý 2.

Áp lực tăng giá trên thị trường thịt và thực phẩm từ nay đến cuối năm là do yếu tố cầu kéo, chi phí đẩy gây nên. Bởi theo quy luật, sức mua của thị trường sẽ có xu hướng hồi phục trở lại vào những tháng cuối năm. Tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi quý 3 được AGROINFO chạy bằng mô hình dự báo có thể sẽ chỉ đạt mức thấp do yếu tố chi phí đầu vào tăng. Cùng với đó là tác động của lạm phát, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng cũng sẽ là nguyên nhân gây tăng chi phí đầu vào, tác động làm tăng giá bán sản phẩm.

Xin cảm ơn bà

Tin liên quan:

200 con heo lở mồm long móng được tuồn vào trung tâm giết mổ



AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường