Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đưa chè lên "sàn" không dễ như nghĩ
25 | 08 | 2009
Việt Nam là 1 trong những nước sản xuất và xuất khẩu chè lớn trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua ngành chè vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán... dẫn đến giá trị xuất khẩu thấp. Đây cũng chính là trở ngại căn bản khiến việc đưa chè lên sàn đấu giá gặp khó khăn.

Đưa thương hiệu ra thế giới

Mặc dù là nước có sản lượng xuất khẩu chè lớn nhưng thương hiệu chè Việt vẫn chưa được nhiều người biết đến, khi xuất khẩu thường phải chịu thua thiệt so với các đối thủ. Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội Chè Việt Nam và Tổng công ty Chè Việt Nam đã cho nghiên cứu, xây dựng sàn đấu giá chè. TS. Trần Văn Giá, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chè Việt Nam nhận định: “Sàn đấu giá chè là thước đo để tuyên bố với thế giới rằng chè Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sàn đấu giá chè không chỉ thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp nội mà còn là địa chỉ tìm đến của các nhà nhập khẩu trên thế giới”.

Tham gia sân chơi này, các doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc, đảm bảo tất cả các loại chè khi đưa lên sàn sẽ phù hợp với tiêu chuẩn GAP (thực hành sản xuất tốt). Người mua đảm bảo sẽ thanh toán ngay lập tức và phải quảng bá quốc tế cho việc buôn bán và tiêu thụ chè Việt Nam. Người môi giới giữ liên lạc với cả người bán, người mua và thu thập thông tin về chất lượng, sản lượng, các thông tin thị trường khác. Nhà kho cất giữ và duy trì chăm sóc chè, bảo vệ quyền lợi của người mua và người bán. Ngân hàng tạo điều kiện để tiến hành việc bán hàng theo thoả thuận mức độ dịch vụ được ký với các thành viên của sàn đấu giá. Trách nhiệm của các bên tham gia đấu giá sẽ được liệt kê chi tiết bởi chuyên gia đấu giá. Tại Việt Nam, nhà tư vấn đề nghị trung tâm đấu giá được thành lập với nguồn vốn hỗ trợ từ một cơ quan quản lý cao nhất với sự hướng dẫn của công ty môi giới. Khi sàn đấu giá đi vào hoạt động, các thành viên của cơ quan quản lý này sẽ là chủ nhân của sàn thông qua phần tham gia của họ trong cơ quan quản lý cao nhất.

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà tư vấn sàn đấu giá quốc tế là chất lượng chè của nước ta. Thực tế xuất khẩu thời gian qua cho thấy, có không đến 10% chè của Việt Nam được xuất tới các quốc gia có áp đặt những hạn chế với các loại thực phẩm, hàng nông sản không đảm bảo sức khoẻ. Trong khi đó, việc lạm dụng thuốc trừ sâu trong trồng chè đã trở thành vấn nạn của ngành chè Việt Nam. Với kiểu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ lại sử dụng nhiều thuốc trừ sâu nên Việt Nam đang bị coi là một trong những quốc gia vi phạm nặng nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thậm chí nhiều nông dân khi được hỏi còn thản nhiên nói rằng, sẽ không phun thuốc trừ sâu cho diện tích mà họ sử dụng, chỉ phun trên những khu vực để bán.

Không chỉ vậy, TS. Giá cho rằng, sàn muốn hoạt động thì phải đầu tư sản xuất ổn định. “Hiện chúng ta mới chỉ chạy theo số lượng mà ít quan tâm tới chất lượng. Mà nguyên tắc khi đã lên sàn, sản phẩm đấu giá phải đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất. Muốn vậy, chè Việt phải vượt qua kiểu sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay. Tất cả những người làm chè từ sản xuất, trồng đến chế biến, đóng gói... đều phải tham gia vào quá trình này”, ông Giá nói.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trinh Bá, Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu (Công ty Đầu tư phát triển chè Nghệ An) nói: “Các doanh nghiệp sẽ phải vượt qua một số vướng mắc như xây dựng được thương hiệu chè, vấn đề này hiện còn rất mơ màng, gặp muôn vàn khó khăn. Doanh nghiệp khi lên sàn phải biết bán cái mình đã có chứ không thể bán cái mình sẽ có. Ngoài ra, sàn đấu giá phải xây dựng được một trung tâm kiểm định chất lượng độc lập để kiểm định chất lượng sản phẩm có đạt tiêu chuẩn hay không, khi đạt rồi, trung tâm phải có trách nhiệm cung cấp cho sản phẩm đó một mã số để tung lên sàn; các doanh nghiệp phải trang bị cho mình hệ thống nhà xưởng, kho chứa hàng lớn. Bên cạnh đó, Nhà nước phải là trọng tài chính trong sân chơi này; hỗ trợ các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa xây dựng hạ tầng, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư trang thiết bị hiện đại...”.

Dù còn nhiều băn khoăn xung quanh việc đưa chè lên “sàn”, tuy nhiên, với quốc gia đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu các mặt hàng nông sản, chúng ta hy vọng sàn đấu giá chè sẽ góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh của chè Việt Nam và đất nước Việt Nam tới bạn bè thế giới.

 (Thúy Nga, Kinh tế nông thôn)



Báo cáo phân tích thị trường