Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cây ăn quả Lục Yên (Yên Bái) mất mùa nhiều năm: Cần sự vào cuộc của nhà khoa học
27 | 08 | 2009
Nhắc đến huyện Lục Yên (Yên Bái), nhiều người sẽ nhớ ngay đến những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như quả hồng chùm không hạt, cam hay quýt, bởi chất lượng hơn hẳn so với những vùng khác. Do có giá trị kinh tế cao, ngay từ những năm 1990, ba loại cây ăn quả này đã nhanh chóng được người dân huyện Lục Yên chọn trồng trên diện tích rộng và trở thành loại cây "mũi nhọn" xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, chừng bốn, năm năm trở lại đây, chưa rõ vì căn nguyên nào đã khiến ba loại cây ăn quả này không chỉ bị mất mùa, chất lượng quả giảm sút làm mất dần "thương hiệu" mà còn đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện Lục Yên, diện tích hồng chùm không hạt trên địa bàn huyện liên tục tăng từ những năm 1990. Đến năm 1999 diện tích loại cây ăn quả này đạt xấp xỉ 500ha có ở hầu hết các xã, đặc biệt tập trung lớn tại các xã Vĩnh Lạc, Chiến Thắng, Liễu Đô, Minh Xuân. Suốt quãng thời gian đó, cây hồng đã trở thành loại cây chủ lực giúp bà con nông dân trên địa bàn huyện Lục Yên dần thoát nghèo và làm giàu. Theo ông Hoàng Ngọc Quyết, Chủ tịch UBND xã Minh Tiến: Từ năm 1990 đến 1995 diện tích hồng trên địa bàn xã không ngừng được mở rộng, có thời điểm đạt trên 30ha. Cứ từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, nhiều đoàn xe từ khắp nơi đổ về từng vườn của các hộ trồng hồng để đặt mua. Riêng gia đình ông cũng có khoảng 40 gốc hồng được trồng trên diện tích gần 800m2. Mỗi cây cho sản lượng từ 2-3 tạ/vụ. Mỗi vụ ông thu gần 30 triệu đồng từ vườn hồng. Ông Quyết cho biết thêm: Cây hồng rất dễ trồng, đặc biệt quả hồng khi chưa chín có vị chát nên không bị trẻ con hái trộm. Chỉ đến tháng 8 trở đi quả hồng "đẫy", nếu cần bán chỉ việc hái xuống ngâm qua nước lã 2 ngày là chín, còn không đến tháng 11, hồng sẽ chín hẳn.

Tuy nhiên, chừng 5 năm trở lại đây, không rõ vì nguyên nhân gì, tất cả diện tích hồng trên địa bàn xã bị bệnh, sản lượng giảm chỉ còn khoảng 30%, trong khi chất lượng quả rất kém. Do đó, đến nay phần lớn diện tích hồng đã bị người dân chặt bỏ dù chưa biết trồng loại cây nào để thay thế. Hiện cả xã chỉ còn gần 10ha. Ông Quyết cũng cho biết: Biểu hiện bệnh của cây hồng rất rõ. Suốt quãng thời gian sinh trưởng, thân lá cây phát triển tốt, giai đoạn ra hoa đậu thành quả non vẫn chưa có hiện tượng gì. Nhưng khi quả to bằng ngón tay cái thì lá bắt đầu có những chấm đen to như hạt đỗ, rồi lan sang quả, sau đó quả rồi cả lá đều rụng. Không riêng gì xã Minh Tiến, đến nay diện tích hồng chùm không hạt trên địa bàn huyện Lục Yên chỉ còn chưa đầy 40ha và vẫn đang tiếp tục bị thu hẹp. Theo ông Hoàng Văn Thon, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện: Nguyên nhân khiến cây hồng bị bệnh hiện vẫn chưa có kết luận chính xác. Chỉ biết đó là bệnh xuất phát từ lá.
 
 Đối với cây cam, quýt cũng chung cảnh buồn đó. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện Lục Yên: Năm 2002, toàn huyện có gần 300ha cây ăn quả có múi. Trong đó có gần 230ha cam sành và quýt vỏ giòn, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Lĩnh, Minh Chuẩn, Mường Lai, Mai Sơn, Lâm Thượng và thị trấn Yên Thế. Gần chục năm trước, năng suất cam quýt bình quân đạt từ 10-12 tấn/ha/vụ. Tổng sản lượng quả hàng năm đạt từ 2.000-2.300 tấn và đem lại thu nhập từ 2-3 tỷ đồng. Nhờ phát triển cây cam quý mà nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Lục Yên đã thoát nghèo và trở lên khá giả. Tuy nhiên, từ năm 2000 trở lại đây loại cây này liên tục bị mất mùa.
 
 Từ năm 2003 đến nay, trung bình mỗi năm các hộ trồng cam, quýt phải chặt bỏ từ 40- 50ha cam, quýt do không cho quả. Đến nay, toàn huyện chỉ còn khoảng 40ha tập trung ở các xã Khãnh Hòa (25ha), thị trấn Yên Thế (15ha), Mường Lai, Tân Lĩnh. Diện tích ít ỏi còn lại này vẫn đang tiếp tục bị sâu bệnh phá hoại và cho năng suất rất thấp, chỉ đạt từ 2,5-3 tấn quả/ha/vụ. Năm 2008, sản lượng cam quýt của toàn huyện Lục Yên chỉ còn 150 tấn, đạt giá trị thu nhập còn gần 450 triệu đông. Cùng với đó, chất lượng quả so với trước cũng rất kém: Quả nhỏ, cùi dầy, vỏ bị dám đen, sần sùi, độ ngọt giảm. Theo ông Thon: Bước đầu xác định là do cây cam quýt bị mắc bệnh thối rễ, vàng lá gân xanh. Đây là bệnh do nấm Thán thư, một loại nấm đa thực gây nên. Bên cạnh đó, do quá trình canh tác thâm canh của người dân chưa đúng quy trình đã khiến chất lượng đất ngày càng suy giảm.

Mặt khác, tình hình sâu bệnh đặc biệt các loại rầy phát triển mạnh khiến dịch bệnh ngày càng lan rộng. Ông Lương Chân Chính, thôn Cầu Vè, xã Tân Lĩnh cho biết: Trước kia cả xã có gần 50ha cam, quýt, nhưng đến nay chỉ còn gần chục cây cam trong vườn nhà ông. Gia đình ông đầu tư trồng cây ăn quả có múi từ năm 1990. Gần chục năm trước gia đình có hơn 2 ha cây cam quýt chủ yếu là giống cam sành và quýt. Hàng năm vườn cây này cho sản lượng từ 7-8 tấn quả/vụ, cho thu nhập từ 40-50 triệu đồng. Song, bốn năm trở lại đây, vườn cây ăn quả của gia đình bị sâu bệnh mà không tìm ra được nguyên nhân. Ông Chính cho hay: Bệnh bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn hình thành lộc non. Đặc biệt ở hai đợt lộc chính: Lộc xuân, lộc thu tháng 8 bệnh có xu hướng lan truyền nhanh. Sau đó lá nhỏ lại. Đến thời kỳ ra hoa, ra quả, lá bắt đầu rụng hết, rồi quả bé lại và rụng theo.
 
 Được biết, từ năm 2000 UBND tỉnh Yên Bái đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư phát triển vùng cây ăn quả đặc sản cam quýt và hồng không hạt giai đoạn 2000-2005 trên địa bàn huyện Lục Yên. Theo đó giao cho huyện làm chủ đầu tư phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thực hiện. Dự án có tổng giá trị đầu tư gần 9,5 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là phát triển vùng cây ăn quả đặc sản của huyện thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong đó phấn đầu trồng mới gần 300 ha cam quýt để đưa tổng diện tích cam quýt của toàn huyện lên gần 1.000ha. Tuy nhiên dự án này mới chỉ triển khai được khoảng hai năm đã bị phá sản do dịch bệnh lan truyền nhanh...
 
 Hiện, nhằm hỗ trợ địa phương tìm ra nguyên nhân, duy trì diện tích cam, quýt, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đang triển khai dự án trồng mới thí điểm diệc tích cam quýt tại một số xã giai đoạn từ tháng 6/2009 đến hết năm 2011. Theo đó, Viện sẽ lấy những mắt ghép "sạch bệnh" mang về Phú Thọ nhân giống rồi mang lên Lục Yên cho bàn con trồng. Nhưng theo ông Thon, qua phản ánh của một số hộ thuộc dự án, bệnh vẫn phát triển trở lại trên các cây do Viện mang lên trồng.
 
 Huyện Lục Yên vừa hoàn thành hồ sơ đề nghị lên Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để xin đăng kỹ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm hồng không hạt. Dự kiến tháng 12/2009 sẽ được công nhận. Bên cạnh đó huyện cũng đang hoàn thành hồ sơ gửi xin đăng ký tiếp nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm cam quýt. Tuy nhiên trước hiện trạng này, huyện Lục Yên đang rơi vào hoàn cảnh được công nhân nhãn hiệu hàng hóa thì sản phẩm đã bị xóa sổ(!)./. 

(Theo AgroViet)



Báo cáo phân tích thị trường