Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá sữa tại Việt Nam có cao nhất thế giới?
31 | 08 | 2009
Hiện Vinamilk là doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp chế biến sữa ở Việt Nam, tuy nhiên Vinamilk chỉ chiếm hơn 10% thị phần sữa bột trên toàn quốc, hơn 80% thị phần rơi vào các hãng sữa nước ngoài, thị phần còn lại là của một số công ty nhỏ ở Việt Nam.

Thời gian gần đây có nhiều thông tin cho rằng: Giá sữa ở Việt Nam cao nhất thế giới và người tiêu dùng đang phải gánh chịu thiệt hại một cách vô lý. Vậy sự thực như thế nào?

Các nhà sản xuất nói gì?

Bà Bùi Thị Hương - Giám đốc đối ngoại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) nhận định: "Trước hết cần phải nhìn nhận một cách khách quan là không phải sản phẩm sữa nào ở Việt Nam cũng đắt mà ở đây chỉ đề cập đến giá sữa bột mà thôi. Còn các sản phẩm khác như sữa tươi, sữa chua… ở Việt Nam rẻ hơn nước ngoài rất nhiều."

Hiện Vinamilk là doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp chế biến sữa ở Việt Nam, tuy nhiên Vinamilk chỉ chiếm hơn 10% thị phần sữa bột trên toàn quốc, hơn 80% thị phần rơi vào các hãng sữa nước ngoài, thị phần còn lại là của một số công ty nhỏ ở Việt Nam.

Hiện giá cả của sữa bột Dielac Alpha/Vinamilk so với sữa bột ngoại chỉ bằng một phần ba, hoặc một nửa. Giá 1 hộp sữa bột Dielac Alpha 900gr dành cho trẻ đang tăng trưởng, Vinamilk đang bán với giá 130.000đồng, giá bán này đã ổn định hơn 1 năm nay. Trong khi đó, các nhãn sữa bột nước ngoài đang bán từ 300.000-400.000đồng/hộp 900gr tùy từng nhãn hiệu.

Về năng lực sản xuất sữa bột của Vinamilk: công suất 26.000 tấn/năm, trong đó, Vinamilk xuất khẩu 14.500 tấn và 11.500 tấn tiêu thụ nội địa. Như vậy, vấn đề không phải Vinamilk không có khả năng cung cấp đủ hàng cho thị trường mà do người tiêu dùng sính hàng ngoại nên thị phần sữa bột trong nước chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với đối thủ nước ngoài. Một nghịch lý hiện nay đang diễn ra là Vinamilk đang hàng ngày xuất khẩu sản phẩm sữa bột ra nước ngoài nhưng người tiêu dùng trong nước lại đang bỏ ra rất nhiều tiền để mua sữa bột ngoại nhập với giá cao.

Trong khi đó ông Jan Bles, Giám đốc điều hành Công ty Sữa FrieslandCampina Việt Nam nhìn nhận, thời gian qua, giá sữa tại Việt Nam luôn là đề tài nóng. Ông nói: “Ở đây tôi muốn chia sẻ về vấn đề định giá vì việc này liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp, nhằm mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn. Chẳng hạn với sản phẩm sữa bột Dutch Lady, chúng tôi tạo ra 2 dòng dựa trên 2 phân khúc khách hàng khác nhau. Theo đó, Dutch Lady Gold giá hơi cao và Dutch Lady truyền thống có giá thấp hơn.

Đại diện Công ty XNK Nam Phương - Nhà phân phối độc quyền sữa bột XO (Hàn Quốc) tại Việt Nam cho biết, sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em và người lớn của công ty 100% nhập khẩu từ tập đoàn Namyang (Hàn Quốc) nên phải chịu thuế nhập khẩu cao nhất hiện nay (10-15% sản phẩm dành cho trẻ em và 25% đối với sản phẩm cho người lớn), mà không được ưu đãi về thuế như các sản phẩm sữa khác nhập từ Thái Lan hoặc các nước trong ASEAN.

Tuy nhiên, nếu xét về giá thì hiện giá sữa bột XO dành cho trẻ em chỉ tương đương giá sữa bột của các nhãn hiệu khác trên thị trường. Hiện, tập đoàn Namyang chỉ xuất khẩu sản phẩm đi Đài Loan, châu Âu và Việt Nam và giá bán ở Việt Nam tương đương với các thị trường khác. Đơn cử sản phẩm Imrerial Dream XO 4 (dành cho trẻ từ 12-36 tháng tuổi) ở Việt Nam giá bán hơn 300.000 đ/hộp 900gr thì ở Hàn Quốc giá bán tại các siêu thị là 21.800 won, tương đương 19 USD. Còn nếu nói giá sữa bột Việt Nam cao nhất thế giới e rằng không chính xác. Vì ngay trong Tập đoàn NamYang, có những sản phẩm giá tới gần 1 triệu VND/hộp 900gr như sản phẩm Five Star (giá bán tại các siêu thị ở Hàn Quốc. công ty cũng chưa dám nhập những sản phẩm đó vào Việt Nam vì giá quá cao so với thu nhập của người dân Việt Nam.

Ý kiến người tiêu dùng

Chị Hồ Thị Lan Hương (có con 15 tháng tuổi) ngụ ở chung cư Hoàng Anh Gia Lai II (Q.4, TP.HCM) cho biết: “Tất cả các sản phẩm sữa tươi, sữa chua… tôi vẫn hay dùng của các thương hiệu nội địa có uy tín. Tuy nhiên, riêng sữa bột cho em bé, tôi lựa chọn sữa ngoại vì đối với trẻ sơ sinh cho đến 2-3 tuổi, vấn đề vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng rất quan trọng. Nên tuy sữa ngọai giá mắc hơn hàng nội địa khá nhiều nhưng tôi yên tâm hơn, vì đó là những thương hiệu lớn trên thế giới”.

Cùng quan điểm với chị Lan Hương, chị Trần Thị Xuân (có con 6 tháng tuổi) ở Thanh Đa, Q.Bình Thạnh và chị Trần Thị Tuyết Mai ở 106 Nguyễn Trường Tộ (Tân Thành, Q.Tân Phú) chia sẻ thêm: Rõ ràng là sữa ngọai mắc hơn sữa bột nội địa rất nhiều và nhiều khi chúng tôi cũng "nhức đầu" vì giá sữa ngoại cứ tăng ầm ầm. Nhưng thời gian gần đây, ngay cả sản phẩm của những thương hiệu lớn trong nước cũng nhiễm melamine, rồi hàng loạt các sản phẩm (hầu hết là trong nước) được mang đi "test" đều không đủ hàm lượng đạm hay đủ các thành phần dưỡng chất như in trên hộp khiến người tiêu dùng rất hoang mang. Vì thế, chúng tôi đành phải lựa chọn những nhãn hiệu uy tín của nước ngoài cho chắc ăn!

Như vậy, người tiêu dùng Việt Nam giờ đây rất hiểu biết và thực tế chứ không còn thiếu thông tin như nhiều năm trước. Hơn nữa, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng, đặc biệt là chất lượng những sản phẩm dành cho trẻ nhỏ luôn được đặt ra. Vì thế, cho dù các nhà sản xuất có quảng cáo thế nào đi chăng nữa, nhưng sản phẩm đó chất lượng không đảm bảo, giá cả không phù hợp… chắc chắn sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay! Chính vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây cho không chỉ với riêng sản phẩm sữa là: song hành với giá cả hợp lý còn phải có chất lượng bảo đảm, mới tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng.



Theo Công Thương
Báo cáo phân tích thị trường