Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cương quyết với "thịt không sạch" nhập khẩu
31 | 08 | 2009
Gần đây nhiều lô hàng thịt đông lạnh nhập khẩu bị phát hiện nhiễm vi sinh hoặc không đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước tình hình này, ngày 27/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc họp với cơ quan thú y các tỉnh, thành phía Nam để bàn giải pháp thắt chặt quản lý.

Lỏng lẻo trong quản lý

Theo Cục Thú y, để xảy ra tình trạng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh kém chất lượng tràn lan như trong thời gian qua là do hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về vệ sinh thực phẩm chưa đầy đủ, đặc biệt đối với hàng phủ tạng, phụ phẩm gia súc, gia cầm. Có khi quy định của cơ quan chức năng lại bị các doanh nghiệp kinh doanh “lợi dụng và qua mặt”.

Ông Mai Văn Hiệp, Cục phó Cục Thú y cho biết, Thông tư 17/2003/TTLT-BNN&PTNT-BTS cho phép thông quan trước kiểm dịch sau. Vì vậy các doanh nghiệp đã lợi dụng đưa hàng về kho nội địa, gây khó khăn cho việc kiểm tra, thậm chí có doanh nghiệp bán hàng ra ngoài thị trường trước khi được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.

Còn theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục phó Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh, hiện các cơ quan chức năng trong nước đang kiểm soát thịt nhập khẩu theo kiểu “phần ngọn thả lỏng" nên phía dưới phải chạy đôn chạy đáo đi "giải quyết”.

Ngay cả việc phát hiện ra sản phẩm kém chất lượng các cơ quan chức năng cũng có những hướng giải quyết không thống nhất. Là lãnh đạo một đơn vị kiểm dịch thú y có kinh nghiệm, thời gian qua đã phát hiện nhiều lô hàng thực phẩm đông lạnh không đạt chất lượng, ông Nguyễn Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương bức xúc, hiện nay số lượng doanh nghiệp kinh doanh nhiều mà nhân viên kiểm tra lại ít.

Chỉ riêng một kho của một doanh nghiệp đã cần đến 20 nhân viên mới làm hết, trong khi cơ quan chức năng chỉ có 4-5 người. Nếu kiểm tra không nhanh thì gây "đội" chi phí cho doanh nghiệp.

Theo quy định của Nhà nước là hạn kiểm tra tối đa trong vòng 7 ngày, trong đó thông thường quy trình kiểm tra mất từ 3- 5 ngày, cộng với các thủ tục thông quan mất 1-2 ngày. Nhưng với các lô hàng nghi nhiễm khuẩn sẽ phải kiểm tra nhiều lần và có thể tới 10 ngày mới có thể thông quan.

Sẽ có “hàng rào” chặt chẽ hơn

Trước thông tin sau khủng hoảng, nhiều công ty nước ngoài sẽ tìm cách xả hàng tồn kho với giá rất rẻ, trong đó có thịt và sản phẩm động vật… nếu không có những quy định chặt chẽ, rất có thể Việt Nam sẽ là điểm đến của loại hàng hóa kém chất lượng này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần khẳng định: "Sẽ có những quy định đòi hỏi thịt nhập khẩu phải đảm bảo các tiêu chuẩn như phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu. Thậm chí cơ quan chức năng trong nước có thể kiểm tra các cơ sở giết mổ nước xuất khẩu”.

Hiện các cơ quan thú y đang đi khảo sát các quy trình kiểm tra tại các nước sau đó sẽ xây dựng một quy trình giám sát những sản phẩm này. Nếu có hàng rào kỹ thuật sẽ hạn chế được các doanh nghiệp không đủ điều kiện để nhập khẩu, và sẽ đảm bảo được những yêu cầu.

Riêng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Cơ quan thú y vùng VI cho biết, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ tại các kho hàng 2-3 tháng/lần. Ngoài ra, những quy định nhập khẩu mới sẽ hạn chế bớt những doanh nghiệp không đủ điều kiện tham gia.



(Tin Tức/Vietnam+)
Báo cáo phân tích thị trường