Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc hạn chế nhập khẩu đậu tương: VIỄN CẢNH THỊ TRƯỜNG TACN “HẠ NHIỆT”?
04 | 09 | 2009
Nếu đúng như dự đoán, việc TQ hạn chế nhập khẩu nửa cuối năm có thể sẽ giúp cho giá thế giới của mặt hàng này bớt “tăng nhiệt”, và sẽ có tác động tích cực đến thị trường Thức ăn chăn nuôi VN. Việc quản trị chính sách thu mua và nhập khẩu đậu tương của TQ không chỉ ảnh hưởng lớn đến cung - cầu thị trường thế giới mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giá nhập khẩu trong giao dịch giữa doanh nghiệp VN và đối tác TQ, vì khô đậu tương là một trong 10 mặt hàng chủ lực nhập khẩu từ TQ của VN.

Nguồn cung 2010: Triển vọng đầy hứa hẹn

Thời gian gần đây, thị trường đậu tương có nhiều biến động, mặc dù động thái này không mấy rõ rệt. Diễn biến trên thị trường đậu tương tương đối phức tạp, đáng chú ý là điều lệ trong các hợp đồng giao dịch. Cùng với Mỹ, Brazil và Argentina, TQ là quốc gia sản xuất đậu tương chủ yếu trên thế giới. Nhưng vì số lượng nhập khẩu (NK) hàng năm cao hơn sản lượng, do đó Trung Quốc lại đóng vai trò là thị trường NK đậu tương.

Báo cáo Nông nghiệp tháng 8 của Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính năm 2009/10, sản lượng của 2 quốc gia cung ứng đậu tương lớn sẽ tăng vào năm tới, trong đó sản lượng đậu tương ở Nam Mỹ được khôi phục, sản lượng Argentina gia tăng rõ rệt. Từ đó, có thể thấy rằng cung đậu tương thế giới tương đối dồi dào trong thời gian 2009/10: Sản lượng đạt 51,830 triệu tấn, tăng 10,830 triệu tấn so với 41 triệu tấn vào thời gian 2008/09. Mặc dù trong năm nay cung đậu tương tương đối nhỏ, nhưng nguồn cung thị trường thế giới 2010 có xu hướng tăng và trở nên dồi dào.

Diện tích trồng đậu tương của TQ năm nay thu hẹp, sản lượng đậu tương so với năm trước dự đoán sẽ giảm. Theo số liệu tháng 8 của Trung tâm tin tức dầu và lương thực quốc gia, diện tích trồng đậu tương của TQ trong năm 2009 chỉ vào khoảng 9,200 triệu ha, sản lượng dự kiến là 15 triệu tấn, lần lượt giảm 3,7% và 3,2% so với năm 2008.

Tại khu vực Hắc Long Giang, diễn biến khí hậu tháng 6 là mưa nhiều và nhiệt độ thấp, có thể ảnh hưởng đến sản lượng đậu tương. Nếu sản lượng khu vực này giảm xuống 10% thì sản lượng toàn quốc của TQ dự kiến sẽ giảm 500-800 nghìn tấn. Trước mắt, đậu tương đang trong giai đoạn phát triển lâu dài, khí hậu sẽ có những tác động rõ nét đến loại cây này. Ngoài ra, nếu thời gian tới sét xuất hiện sớm như dự báo thì đậu tương sẽ phải chịu ảnh hưởng tương đối lớn. Do đó rất khó có thể ước tính được được sản lượng đậu tương nội địa của TQ.

Tham khảo số liệu trong báo cáo Cung cầu nông nghiệp của Mỹ tháng 08/2009 (Nguồn: USDA).

Năm

Mỹ

Brazil

Argentina

2009/10

8.707

6.000

5.100

2008/09

8.054

5.700

3.200

Thay đổi

653

300

1.900


Đơn vị: 10 000 tấn

Trung Quốc hạn chế nhập khẩu, Việt Nam hưởng lợi?

Mặc dù biến động thị trường đậu tương TQ và thế giới là tương quan lẫn nhau, nhưng do khác nhau về thời gian trồng trọt và thu hoạch nên sẽ dẫn tới những xu thế thị trường khác biệt. Năm 2008, TQ đã thực hiện kế hoạch thu mua tích trữ đậu tương, tổng lượng thu mua là 7,250 triệu tấn, trong đó 1,500 triệu tấn do Trung ương mua vào, 5, 750 triệu tấn là dự trữ trước mắt.

Giá đậu tương bán lẻ tại một số thị trường lớn trong nước, tuần 20-34/2009(VNĐ/kg)



Nguồn: AGROINFO

Trong báo cáo thị trường ngày 17/08, ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS) đưa ra nhận định rất có thể trong nửa cuối năm 2009, TQ – Cường quốc NK nguyên liệu TACN sẽ hạn chế bớt lượng NK các mặt hàng này. Có 3 nguyên nhân chính là: Thứ nhất, lượng dự trữ trong kho hiện đã tương đối dồi dào; thứ hai, cơ hội đầu tư vào các thị trường khác đang quay trở lại, đặc biệt là thị trường chứng khoán khi kinh tế hồi phục; thứ ba, mức lãi suất tín dụng ưu đãi được áp dụng trong giai đoạn suy thoái nhằm kích cầu sẽ không còn được tiếp tục duy trì. Do đó, các doanh nghiệp sẽ không còn nhiều cơ hội sử sụng nguồn vốn ưu đãi để ồ ạt NK như hồi đầu năm. Số liệu của Trang thông tin thống kê Hải quan Trung Quốc (chinacustomsstat.com) cho biết 7 tháng đầu năm nay TQ đã tiến hành NK 26,48 triệu tấn đậu tương, tăng tới 27,73% so với cùng kỳ năm 2008.

Tại Việt Nam, tuần từ 15-21/08, giá đậu tương trong nước đồng loạt tăng tại tất cả các thị trường chính. Cụ thể, giá tại Đà Nẵng và Cần Thơ tăng 500 VNĐ/kg, lên mức 17.500 VNĐ/kg, trong khi đó giá tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh tăng mạnh hơn (700-1.000 VNĐ/kg), lên mức 19.000 VNđ/kg. Như vậy, sau khi “hạ nhiệt” được một tuần, giá đậu tương trong nước tiếp tục xu hướng “leo thang”, theo sát diễn biến trên thị trường thế giới. Nếu so với cuối tháng 04/2009 tức là thời điểm bắt đầu đà tăng giá, mức giá hiện nay tại 4 thị trường nói trên đã tăng khoảng 10-20%. Giá khô đậu tương nhập khẩu từ Achentina CNF nhập cảng Sài Gòn tuần qua đã “tụt dốc”, xuống mức 465 USD/tấn, giảm 30 USD/tấn so với tuần trước đó theo xu hướng chung của thị trường Chicago. Tuy nhiên, giá khô đậu tương Ấn Độ vẫn duy trì mức 453 USD/tấn của tuần trước đó do tình hình thời tiết xấu tại nước này khiến người ta lo ngại sản lượng đậu tương trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thị trường đậu tương thế giới sắp đón nhận vụ thu hoạch tại Hoa Kỳ, dự báo lượng cung sẽ tăng. Trong khi đó, nhà NK lớn nhất là TQ (mỗi năm chiếm tới 50 - 60% tổng NK toàn thế giới) lại có những dấu hiệu giảm mức NK mặt hàng này sau khi nhập mức kỷ lục 6 tháng đầu năm. Cụ thể, tháng 06/2009, TQ nhập khẩu 4,71 triệu tấn - mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, sang tháng 7, NK giảm xuống còn 4,39 triệu tấn). Do vậy rất có thể thị trường đậu tương thế giới trong các tháng cuối năm sẽ không “sốt nóng” bất chấp việc Ấn Độ đang gặp hạn hán nghiêm trọng có thể ảnh hưởng xấu đến tổng cung trong ngắn hạn....

Hiện VN không NK nhiều đậu tương mà chủ yếu NK khô đậu tương. Tuy nhiên, giá khô đậu tương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ diễn biến của thị trường đậu tương, do đó, có khả năng giá khô đậu tương thế giới về cuối năm cũng sẽ đi theo chiều hướng nêu trên.

Nếu đúng như dự đoán, việc TQ hạn chế nhập khẩu nửa cuối năm có thể sẽ giúp cho giá thế giới của mặt hàng này bớt “tăng nhiệt”, và sẽ có tác động tích cực đến thị trường TACN VN. Việc quản trị chính sách thu mua và NK đậu tương của TQ không chỉ ảnh hưởng lớn đến cung - cầu thị trường thế giới mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giá NK trong giao dịch giữa doanh nghiệp VN và đối tác TQ, vì khô đậu tương là một trong 10 mặt hàng chủ lực NK từ TQ của VN./.



Hồng Lê – Hồng Liên – Thúy Chinh (AGROINFO)
Báo cáo phân tích thị trường