Tuy nhiên, hiện nay, VFA được toàn quyền trong việc ấn định giá gạo xuất khẩu và ấn định giá thu mua lúa trong nước. Cơ chế đó biến nông dân - chủ nhân thật sự của lúa gạo - thành những người phụ thuộc vào VFA, biến VFA - những công ty xuất khẩu gạo hoạt động vì lợi nhuận - từ vị trí phụ thuộc trở thành chủ thể của lúa gạo.
Hãy nhìn sang hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhưng ổn định là Thái Lan và Ấn Độ. Nhờ có đủ kho nên Chính phủ mua gạo của nông dân tồn đọng thường xuyên vài ba triệu tấn từ năm trước, đến gần mùa thu hoạch của năm sau, họ mới bán gạo của năm trước, nếu giá thấp thì họ tiếp tục mua lúa của nông dân cất vào kho, đợi giá thích hợp mới bán nên không ai ép giá họ được.
Họ cũng chẳng cần dự báo sản lượng xuất khẩu gạo từng năm, chẳng cần giao hạn mức cho từng tỉnh, thành. VN thì ngược lại, do không có đủ kho nên ký hợp đồng bán gạo khi trong kho... chưa có gạo, nông dân thu hoạch lúa tới đâu thì giao gạo tới đấy; do thiếu kho chứa nên việc điều tiết xuất khẩu gạo luôn gặp khó khăn, vì vậy luôn bị khách hàng ép giá.
VN là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới nhưng nông dân vẫn nghèo. (Trong ảnh: Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN)
Lúa gạo Campuchia nhập lậu giá rẻ vào VN cũng là nguyên nhân làm cho giá gạo xuất khẩu và giá lúa trong nước giảm. Hai năm nay, lúa của nông dân chúng tôi ế ẩm, có lúc không có người mua, trong khi gạo lậu vẫn ùn ùn qua biên giới. Nhập lậu thì phải cấm, thế nhưng cách chống gạo nhập lậu của VN cũng thật “đặc biệt”, đó là biến việc nhập lậu thành nhập khẩu hợp pháp bằng cách thành lập liên doanh xuất khẩu gạo với Campuchia.
Tại sao VFA lại lấy thị trường và khách hàng vốn đang thiếu của nông dân VN để san sẻ cho nước khác? VFA cứ làm chuyện ngược đời mà vẫn không sao, chỉ có nông dân là lãnh đủ.
Vẫn lỗ dù giá bán trên giá thành
VN vẫn giữ vững vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo nhưng giá gạo VN quá thấp, người trồng lúa vẫn nghèo. Lý do không vì gạo Việt kém chất lượng mà bởi cơ chế điều hành xuất khẩu của VFA có quá nhiều bất cập.
Việc “tiêu thụ hết lúa hàng hóa và bảo đảm giá lúa có lợi cho nông dân” cũng cần những giải thích rõ ràng. Tiêu thụ hết lúa hàng hóa nhưng với giá thấp nhất thế giới như hiện nay liệu có chấp nhận được không?Việc ấn định mức lãi 30% cho nông dân cũng cần phải xem lại. Phải nói cho rõ mức lời đó là mức lời tối thiểu Chính phủ dành cho nông dân, hay là mức giá Chính phủ cho phép VFA làm căn cứ để quy định giá sàn xuất khẩu gạo và giá thu mua lúa cho nông dân.
Việc lỗ lãi của nông dân, ngoài yếu tố giá thành còn phụ thuộc vào năng suất, lãi 30% theo giá thành nhưng năng suất thấp thì nông dân vẫn lỗ. Ví dụ, vụ hè thu năm nay, đa số nông dân ở tỉnh Đồng Tháp sạ lúa thơm từ huề đến lỗ dù giá lúa trên giá thành 30%.
Nếu mức lãi 30% là căn cứ để VFA quy định giá sàn gạo xuất khẩu và giá thu mua lúa của nông dân thì chúng tôi không đồng tình. Bởi nếu như VFA chỉ cần xuất khẩu gạo với giá 400 USD/tấn thì đã có thể mua lúa cho nông dân lãi đến 40%, thế nhưng giá gạo thế giới đang ở mức 500 USD/tấn, vậy VFA sẽ xuất khẩu gạo theo giá nào, bán theo giá thị trường thế giới hay bán theo quy định lãi 30%?
Vì những lý do vừa nêu, theo tôi để giá gạo xuất khẩu có lợi cho nông dân, đề nghị nên sửa đổi nguyên tắc điều hành từ “bảo đảm an ninh lương thực; tiêu thụ hết lúa hàng hóa và bảo đảm giá lúa có lãi cho nông dân, đồng thời phù hợp mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước” thành “tiêu thụ hết lúa hàng hóa theo đúng giá thị trường thế giới cho nông dân”. (Còn nữa)
Cần điều hành trực tiếp của Chính phủ
Cơ chế xuất khẩu gạo hiện hành của VN có từ thời bao cấp, đã không còn phù hợp trong cơ chế thị trường. Chính cơ chế xuất khẩu gạo có quá nhiều yếu kém đã làm cho việc xuất khẩu gạo năm nào cũng lúng túng, thua thiệt.Đã đến lúc cần phải có một cơ chế xuất khẩu gạo mà Chính phủ trực tiếp điều hành và có đủ kho bãi chứa lúa. Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt việc bán gạo rẻ nhất thế giới, nông dân chúng tôi mong chờ một cơ chế xuất khẩu gạo quan tâm đúng mức quyền lợi của những người quanh năm bán mặt cho đất - bán lưng cho trời
Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn