Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ba hướng đi mới của nghề nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn
07 | 10 | 2009
Với chiều dài hàng chục km, lại gần các cửa sông, bờ biển Kim Sơn (Ninh Bình) có nhiều thuận lợi phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Sau nhiều thăng trầm, giờ đây, nghề nuôi trồng thủy sản vùng ven biển Kim Sơn đã có hướng đi mới, phát triển bền vững hơn...

Thời điểm này, ở các xã bãi ngang Kim Sơn đang thu hoạch tôm sú, chuẩn bị cho vụ thả cua xanh. Ði đâu cũng thấy tôm. Tôm đựng trong  thùng xốp, nằm trong túi nhựa bơm ô-xy căng phồng, chất đống trên xe tải nhỏ. Nhiều gia đình đã hút cạn đầm, rắc vôi diệt khuẩn, chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Ông Nguyễn Ðình Cẩn ở xã Kim Trung nói: "Năm nay, nắng nóng kéo dài nên tôm còn thu hoạch rải rác, nấn ná được, còn như mọi năm thì thời điểm này phải vớt hết rồi". Ông Cẩn cho biết, tháng 2-2009, một số hộ thả không đúng thời vụ, tôm chết hàng loạt, những gia đình thực hiện nghiêm lịch thời vụ, đến đầu tháng 4 mới thả thì vẫn thu hoạch tốt. 

 Kim Sơn có ba xã bãi ngang gồm Kim Trung, Kim Ðông, Kim Hải giáp mặt với biển.  Phần lớn các hộ ở bãi ngang là người nơi khác đến xây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1997, thường là hộ nghèo. Năm 2001, từ chủ trương cho phép chuyển đổi ruộng trồng lúa, cói sang nuôi trồng thủy sản, ở đây hình thành nghề nuôi tôm sú. "Những năm đầu, nuôi tôm sú đúng là làm chơi, ăn thật, có hộ thu  vài trăm triệu đồng/vụ là chuyện nhỏ" ông Nguyễn Ðình Cẩn nói. Nhưng từ năm 2004 trở lại đây, nghề nuôi thủy sản ở Kim Sơn "trượt dốc", không ít gia đình bại sản vì tôm. Ðầu năm nay, khi vào vụ thả tôm giống, nhiều gia đình ở Kim Trung đắn đo không nuôi, sợ tôm chết. Tôm chết! Hai từ nghiệt ngã đó đã kéo hàng chục gia đình vào cảnh nợ nần, tái nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn, Ðoàn Kim Ly, người nhiều năm lăn lộn với nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương cho biết, trong số hộ nuôi thủy sản, có 30% số hộ chỉ thu hòa vốn, 20% là mất trắng và 50% còn lại bước đầu có lãi, song mức lãi rất thấp. Mặc dù UBND tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ hơn hai trăm tấn vôi và huyện Kim Sơn trợ giúp hàng trăm triệu đồng để nông dân mở rộng diện tích song tôm vẫn chết hàng loạt. Nguyên nhân chính là nguồn tôm giống không được kiểm nghiệm, môi trường nước ô nhiễm, thức ăn phần lớn là tự tạo không đủ dinh dưỡng và bị nhiễm khuẩn, người nuôi tôm không tuân thủ theo lịch thời vụ và chưa nắm vững kỹ thuật khiến tôm chậm lớn hoặc chết. Từ khó khăn ấy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình đã tìm ba hướng đi mới thích hợp cho nghề nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn bước đầu mang lại hiệu quả.

Một là, mô hình nuôi tôm theo hướng công nghiệp. Ðây là mô hình dành cho những hộ có điều kiện kinh tế, kỹ thuật để đầu tư. Chúng tôi tới đầm nuôi tôm của anh Nguyễn Cao Cường, là điển hình của việc nuôi tôm theo hướng công nghiệp. Năm 2002, anh vào tỉnh Cà Mau cùng với người bạn rồi nuôi tôm ở đó, bốn năm sau thì trở về quê nuôi tôm ở ba đầm với tổng diện tích hơn 2 ha. Theo anh Cường, hệ thống cấp, thoát nước cho các hồ nuôi thủy sản cần phải quy hoạch lại, tránh trường hợp một đầm tôm bị dịch bệnh là kéo theo cả vùng bị lây như hiện nay. Anh Cường cho biết, ao tôm nuôi công nghiệp của anh có mật độ thả 50 con giống/m2. Anh đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng vào cải tạo đầm và  mua sắm thiết bị quạt nước, hệ thống kiểm tra độ pH cùng nhiều phương tiện khác. Theo anh Cường thì, phần đáy đầm rất quan trọng đối với việc nuôi tôm sú. Nếu đáy bẩn, nhiều bùn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của con tôm.  Ðầm tôm, trước khi tháo nước vào, phải để ải ba, bốn tuần, rắc vôi bột nhằm tiêu diệt vi khuẩn có hại, giảm nồng độ pH. Sau đó, mua vải bạt phủ đáy. Vải bạt làm đáy đầm sạch, ít có nguy cơ gây bệnh cho tôm. Khi nuôi,  phải thường xuyên kiểm tra  độ pH của nước, dùng hệ thống quạt nước cung cấp ô-xy và làm mát mặt nước cho tôm phát triển. Ước tính, vụ này, anh Cường thu hoạch 10 tấn tôm, thu nhập hơn 800 triệu đồng.

Hướng phát triển thứ hai ở Kim Sơn là nuôi tôm dưới hình thức quảng canh và nuôi cá rô phi đơn tính. Ðây là mô hình dành cho người nghèo không có điều kiện kinh tế, đang được phần lớn hộ nuôi thủy  sản  ở Kim Sơn thực hiện có hiệu quả. Tại ao nuôi tôm của gia đình ông Phạm Văn Bắc ở xóm 5, xã Kim Trung, ông Bắc cho biết, gia đình nuôi tôm sú từ năm 2001, đến vụ năm 2004, tôm chết hàng loạt. Cho nên, từ năm 2005 đến nay ông chỉ nuôi tôm sú dưới hình thức quảng canh, mật độ 3-5 con/m2. Trong câu chuyện kể về nuôi tôm của ông Bắc, chúng tôi thấy việc thất bại của ông là có nhiều nguyên nhân của nó, trong đó đáng chú ý là mỗi lần thu hoạch tôm, hầu như ông Bắc không bao giờ dọn đầm, làm vệ sinh đáy. Hơn nữa, do thiếu tiền, ông Bắc chỉ mua cá mè và một số cá vụn khác rồi về nghiền làm thức ăn cho tôm. Những thức ăn ấy rất dễ nhiễm khuẩn, gây hại khiến tôm mắc bệnh mà chết hoặc còi không lớn được. Từ năm 2007 đến nay, Sở  Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Ninh Bình vận động các gia đình, sau khi thả tôm một tháng, thả thêm cá rô phi đơn tính. Theo ông Ðỗ Văn Miền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cá rô phi sẽ dọn sạch đáy đầm khi thức ăn thừa của tôm còn lưu lại vừa tránh ô nhiễm nguồn nước, vừa có thêm thu nhập cho hộ nuôi. Với hình thức này, cá rô phi đơn tính trong đầm nuôi tôm sú lớn rất nhanh mà đáy đầm được dọn sạch bởi tính phàm ăn của cá.

Hướng thứ ba của nghề nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn là nuôi tôm sú với mật độ thả 3-5 con/m2 cùng nuôi cá mú, cá vược. Sau khi thả tôm sú khoảng 30-35 ngày, có thể thả cá mú và cá vược giống. Ðây là hướng mới mở ra cho hộ có kinh tế  khá.  Hiện nay, do nhu cầu  thị trường, phong trào nuôi cá mú và cá vược ở huyện Kim Sơn đang có xu hướng phát triển. Nhiều gia đình nông dân tập trung đầu tư tu sửa đầm nuôi và con giống. Tuy giá con giống tương đối cao, nhưng cá thương phẩm được nhiều người ưa chuộng và quan trọng hơn cả là nuôi tôm sú ở những đầm này thì  tính rủi ro thấp khiến người nuôi có lãi khá.                                                          

Huyện Kim Sơn có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng hơn hai nghìn ha. Theo đồng chí Ðoàn Kim Ly, trong thời gian tới, nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương sẽ phát triển theo ba hướng nói trên. Huyện có chủ trương tìm đối tác liên doanh, liên kết những đơn vị hay cá nhân có kinh nghiệm nuôi tôm sú công nghiệp để giúp nông dân có thu nhập kinh tế cao hơn. Các mô hình nuôi thí điểm nói trên, đã thật sự hé mở hướng đi cho người nông dân nghèo Kim Sơn. Vùng biển Kim Sơn đang dần được nhiều người biết đến với sản phẩm tôm sú, cá rô phi đơn tính, cá mú, cá vược...



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường