Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo: Xuất hiện tình trạng đăng khống giữ chỗ
08 | 10 | 2009
Chỉ 3 tháng, hơn 123 hợp đồng đăng ký xuất khẩu trên 373.000 tấn gạo. Tuy nhiên hết hạn, chỉ có hơn 33.000 tấn được giao. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), có nhiều doanh nghiệp đăng ký khống như trên nhiều lần, nhằm giữ chỗ...
Ký khống, DN "ấm chỗ", nông dân liêu xiêu

Hôm qua (7.10), VFA đã có cuộc họp báo tại TPHCM xung quanh kết quả xuất khẩu gạo tháng 9 và 9 tháng năm 2009 cũng như nhiều vấn đề liên quan đến điều hành của VFA.

Theo ông Nguyễn Thọ Trí - Phó Chủ tịch VFA - theo kết quả kiểm tra của VFA từ tháng 7 tới hết tháng 9.2009, đã phát hiện có tới 123 hợp đồng đăng lý xuất khẩu gạo với số lượng 373.907 tấn. Tuy nhiên, chỉ có 34.366 tấn được thực hiện theo hợp đồng. Còn lại, 339.541 tấn bị huỷ hoặc hết hạn không thực hiện được.

Theo VFA, trong số các hợp đồng không thực hiện do huỷ hoặc hết hạn, có nhiều đơn vị không thực hiện hợp đồng nhiều lần, thể hiện việc đăng ký khống nhiều, nhằm mục đích "giữ chân".

Theo quy chế đăng ký hợp đồng xuất khẩu mà VFA đề ra, thì các thương nhân khi xuất khẩu phải đăng ký và nếu qua hàng loạt "rào" kiểm soát của VFA (hợp đồng hợp lệ, không bị nghi vấn, có tên người mua - bán, chủng loại hàng, thời hạn giao, cảng bốc xếp, hàng trong kho v.v...) thì mới được duyệt.

Việc làm này nhằm mục đích kiểm soát, cân đối lượng gạo xuất khẩu tránh gây tác động bất lợi ảnh hưởng xấu tới cung - cầu trong nước và thị trường xuất khẩu. Nếu DN vi phạm (ký khống, không tuân hợp đồng, bán phá giá...), VFA sẽ xử ở mức từ cảnh cáo, khai trừ đến đề nghị Bộ Công Thương đình chỉ việc xuất khẩu.

Tháng 8.2009, trong văn bản gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông, VFA cam kết sẽ xử lý các trường hợp đã đăng ký hợp đồng mà không có khả năng thực hiện, có dấu hiệu đăng lý khống nhằm giữ chỗ.

Thế nhưng, báo cáo kết quả hết tháng 9.2009, cho thấy đã lòi ra hàng trăm ngàn tấn gạo bị ký khống, nhưng không thấy VFA đề nghị xử lý ai.

Trong khi đó, theo quy trình, căn cứ theo lượng hợp đồng đã cho ký, VFA sẽ đề nghị với tổ điều hành cũng như bộ, ngành liên quan ngừng hay tăng lượng xuất. Như vậy, nếu căn cứ lượng đăng ký kể cả "ảo", dừng xuất, như một tác động dây chuyền, các DN không ký thêm, nên chưa hẳn đã "mặn mà" mua gạo nguyên liệu của thương lái, tất yếu thương lái giảm mua lúa nông dân. Lúa gạo tồn đọng, tất nhiên giá hạ và nông dân liêu xiêu.

Vi phạm quy chế hợp đồng tập trung tràn lan

Cũng theo quy chế hợp đồng XK gạo tập trung do VFA ban hành thì DN không được bán vào những thị trường tập trung đã được VFA giao cho  thương nhân thành viên có năng lực uỷ thác XK. Nhưng theo báo cáo của VFA, có tới 14 DN đã bán gạo vào Philippines, vi phạm hợp đồng tập trung, phải làm giải trình. Theo nghị quyết của HĐQT VFA tại cuộc họp ở Trà Vinh ngày 7.9.2009 thì DN vi phạm sẽ không được ký hợp đồng xuất khẩu trong 1 năm.

Trả lời chất vấn PV hôm qua, ông Nguyễn Thọ Trí nói, thông báo của VFA tới các DN ghi rõ không được bán vào thị trường Philippines, nhưng DN "lách" bằng cách bán gián tiếp cho DN khác để vào thị trường này. Tuy nhiên, DN vẫn vi phạm. VFA đã chuyển hồ sơ ra Bộ Công Thương để bộ có quyết định hình thức xử lý.

Năng lực VFA?

Tại cuộc họp, nhiều PV đặt vấn đề về năng lực điều hành của VFA. Bởi gần đây, nhiều DN XK gạo cũng như các nhà khoa học, quản lý ở ĐBSCL phản ứng gay gắt trên công luận. Đơn cử, ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) viết: "Các Cty và Tổng Cty Lương thực (Vinafood 1 và Vinafood 2) của các tỉnh và của T.Ư từ khi thành lập cho đến nay (không kể các Cty đã chuyển sang cổ phần) có ba chức năng: Bảo đảm an ninh lương thực; tiêu thụ lúa gạo cho nông dân với giá có lợi cho nông dân nhất; kinh doanh có lãi. Vì một mình "diễn ba vai tuồng" nên từ ấy đến nay, có Cty nào mà diễn trọn "ba vai"? Chính phủ phải rất vất vả trong điều hành hàng năm, như chu kỳ chống bão. Trong khi đó, các Cty - tổng Cty - hiệp hội không khi nào diễn trọn hai vai phục vụ, thế nhưng vai kinh doanh thì thường là diễn trọn hoặc xuất sắc là khác... Đã đến lúc Nhà nước phải phân lại vai cho cụ thể, minh bạch trong vấn đề sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ lương thực, trên nguyên tắc mỗi người diễn một vai thì ai cũng dễ tròn vai diễn".

Mua gạo đợt 2 không đạt kế hoạch

Báo cáo của VFA cho thấy, các đơn vị thành viên của VFA đã tổ chức thu mua gạo dự trữ đợt 2, với kế hoạch là 500.000 tấn, nhưng trên thực tế, tính đến hết tháng 9.2009 chỉ mua được 380.214 tấn. Hiện tổng tồn kho của các DN hơn 1,8 triệu tấn. VFA dự kiến XK cả năm 2009 khoảng 6-6,2 triệu tấn.



Theo Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường