Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ứng phó với rào cản xuất khẩu
13 | 10 | 2009
Các doanh nghiệp dệt may, da giày, thủy sản đang lo sốt vó với các rào cản kỹ thuật mới được dựng lên từ các thị trường xuất khẩu chủ lực của VN. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không chuẩn bị tốt, khả năng tăng trưởng xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.

Hầu hết các rào cản kỹ thuật này đều có hiệu lực từ đầu năm 2010 khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị lúng túng.

Siết ngày càng chặt

Xem lại hợp đồng vừa “ký nháy” với các đối tác chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu quý 1-2010, ông T., giám đốc Công ty cổ phần may TC (TP.HCM), thấy có đến bốn đề nghị của khách đặt hàng yêu cầu nhà sản xuất phải cung cấp giấy kiểm tra về tính an toàn cháy của vải, kèm theo hàm lượng chì trên vải theo tiêu chuẩn mà đạo luật cải thiện tính an toàn cho sản phẩm tiêu dùng Mỹ (Consumer Product Safety Improvement Act - CPSIA) chính thức áp dụng từ tháng 2-2010 cho các sản phẩm dệt may nhập khẩu vào thị trường này.

“Trước đây cũng có một vài khách đặt hàng yêu cầu phải kiểm tra một số tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nguyên liệu hoặc sản phẩm hoàn chỉnh. Nhưng bây giờ gần như yêu cầu này đã trở thành bắt buộc”, ông T. nói.

Ông Lê Quốc Ân, chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), cho biết kể từ 1-2-2010 dự luật CPSIA yêu cầu các lô hàng nhập khẩu vào Mỹ phải có giấy kiểm tra lô hàng và xác nhận phù hợp với tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Mỹ. Giấy chứng nhận này phải kèm theo hồ sơ lô hàng nhập khẩu và sẽ được hải quan Mỹ kiểm tra trước khi cho thông quan.

“Chắc chắn khi được áp dụng nhà nhập khẩu sẽ yêu cầu nhà xuất khẩu bổ sung giấy xác nhận này. Nếu lô hàng nào nhập khẩu vào Mỹ mà không có giấy này sẽ không được thông quan”, ông Ân khẳng định.

Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso), ngành da giày sẽ chịu tác động rất lớn từ quy định mới này do thị phần xuất khẩu vào Mỹ của ngành giày ngày càng tăng.

“Hiện nay các doanh nghiệp ngành giày đang chào giá cho các đơn hàng mới xuất vào Mỹ đều phải cân nhắc để đưa chi phí phát sinh thêm từ việc kiểm định nguyên liệu. Về nguyên tắc, khách hàng sẽ chịu phần chi phí phát sinh này, nhưng cái khó là phải đàm phán thế nào để đối tác chấp nhận chia sẻ, ông Kiệt phân tích.

Phát sinh thủ tục

Với ngành thủy sản, từ ngày 1-1-2010, các quy định của Ủy ban châu Âu (EC) về thiết lập hệ thống kiểm soát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp (illegal, unreported and unregulated fishing - IUU) cũng bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, tất cả lô hàng hải sản khai thác phải có chứng nhận về tính hợp pháp của sản phẩm, phải có chứng nhận tên tàu khai thác, vùng biển khai thác... mới được phép xuất vào thị trường EU.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), để đáp ứng các yêu cầu này cần có ít nhất 12 thông tin cần khai báo trong giấy chứng nhận khai thác (tên tàu, tên chủ tàu, số đăng ký của tàu, giấy phép khai thác, mô tả hải sản khai thác được...).

Ông Nguyễn Xuân Nam, giám đốc Công ty thủy sản Hải Vương (Khánh Hòa), cho hay hầu hết doanh nghiệp đều mua nguyên liệu qua các chủ vựa, thương lái chứ không trực tiếp thu mua của ngư dân. “Mỗi chủ vựa lại mua từ hàng chục, hàng trăm tàu thuyền từ nhiều nơi. Vì vậy nếu kê khai đủ nguồn gốc thì mỗi lô hàng có thể phải kèm theo hàng chục giấy tờ” - ông Nam lo lắng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hòa, tổng giám đốc Công ty CP chế biến hàng thủy hải sản đông lạnh SG Fishco, cho biết ngay tại thị trường châu Âu nhiều nước cũng chỉ thực hiện được luật IUU đối với tàu thuyền có công suất lớn, được trang bị những hệ thống định vị vệ tinh, khai thác trên những vùng biển lớn đã được phân vùng. Trong khi ở VN phương thức đánh bắt của ngư dân chủ yếu nhỏ lẻ và lạc hậu nên chưa có hệ thống giám sát, kiểm soát và chứng thực đáp ứng các điều kiện theo IUU.

Tiếp tục đàm phán

Theo ông Lê Quốc Ân, hiện VN vẫn chưa có phòng thí nghiệm nào có tên trong danh sách đạt chuẩn kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn CPSIA của Mỹ. Chỉ có các công ty quốc tế như INTERTEX, SGS, BVQI (hiện đã có văn phòng tại VN) là nằm trong danh sách được phía Mỹ chấp thuận.

“Viện Dệt may thuộc Vinatex đang xây dựng phòng thí nghiệm sinh thái đạt chuẩn của quốc tế với kinh phí đầu tư khoảng 48 tỉ đồng và dự kiến chính thức hoạt động vào tháng 2-2010”, ông Ân nói. Do thời gian áp dụng CPSIA không còn nhiều nên các doanh nghiệp chắc chắn phải thêm khoản phí trả cho các công ty giám định quốc tế.

Vì vậy, hiện Vitas đang trao đổi với Mỹ là không nên bắt buộc phải có giấy chứng nhận (vì sẽ tăng chi phí), mà chỉ cần hải quan Mỹ hậu kiểm theo xác suất lô nào bị kiểm tra không đạt sẽ bị phạt hoặc bị trả về VN.

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Thu Sắc, chủ tịch Ủy ban hải sản VASEP (giám đốc Công ty TNHH Hải Nam), cho rằng trong khi các doanh nghiệp và cơ quan chức năng tăng tốc để đáp ứng các điều kiện của EU, cần kiến nghị đàm phán với đại diện EU về điều kiện thực tế của ngành thủy sản VN hiện nay và đề xuất EU thay đổi một số quy định cho phù hợp.

Trước tiên đề nghị chỉ áp dụng luật IUU đối với tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn trên 90 mã lực (CV), sau đó mới áp dụng với những tàu thuyền nhỏ.



Theo www.tuoitre.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường