Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá đường thế nào là hợp lý?
13 | 10 | 2009
Từ đầu năm đến nay, giá đường trong nước tăng 60% và hiện cao gần gấp hai lần so với Thái Lan.

Từ đầu năm đến nay, giá đường trắng tinh luyện tăng chóng mặt. Nguyên nhân là do giá đường thế giới tăng và để cân đối cung - cầu của thị trường, mới đây Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu thêm 10.000 tấn đường. Điều này liệu có ảnh hưởng đến tâm lý của các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước?

Chỉ người tiêu dùng thiệt

Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ đại lý tạp hóa tổng hợp tại Định Công (Hà Nội) cho biết: “Hồi đầu năm, tôi bán đường trắng tinh luyện với giá 9.000 đồng/kg. Sau đó, cứ nửa tháng, giá đường lại tăng thêm 500-1.000 đồng/kg. Đến giờ đã là 19.000 đồng/kg. Tôi cũng không biết tại sao giá đường tăng liên tục như thế, chỉ nghe nhà cung cấp nói, giá đường thế giới tăng...”.

Theo Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp - nông thôn, từ đầu năm đến nay, giá đường trong nước tăng 60% và hiện cao gần gấp hai lần so với Thái Lan. Tháng 01/2009, giá đường trắng tinh luyện bán buôn tại Việt Nam chỉ 7.500 đồng/kg, đến tháng 8/2009 đã vọt lên 13.500-14.000 đồng/kg.

Giải thích việc tăng giá này, ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, giá đường trong nước cao do tăng theo giá đường thế giới và do cân đối cung cầu của thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách giải thích này chưa thỏa đáng, nguồn cung tại thị trường trong nước không phụ thuộc vào đường nhập khẩu.


Hơn nữa, có dấu hiệu cho thấy các nhà máy đường đã dắt tay nhau tăng giá bởi sau chuyến khảo sát tại Thái Lan của Hiệp hội Mía đường Việt Nam vào tháng 4/2009, các nhà máy trong nước đồng loạt tăng giá bán đường từ 8.500 đồng/kg lên 11.000-11.300 đồng/kg. Trong khi đó, chính Bộ Nông nghiệp và PTNT vào thời điểm đó cũng xác nhận mức giá 8.500 đồng/kg là hợp lý vì giá thành sản xuất đường niên vụ 2008-2009 chỉ khoảng 7.500 đồng/kg.

Niên vụ 2008-2009, Việt Nam sản xuất được 951.000 tấn đường các loại (bao gồm đường thô, đường RS và đường RE), đây là sản lượng đạt được thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Chính diễn biến này đã kéo giá đường trong nước tăng một cách đột biến.

Nhập khẩu để cân đối cung - cầu?

Ông Doãn Minh Dũng, Tổng giám đốc Công ty Kotobuki than thở, giá đường mà Kotobuki lấy của nhà cung cấp trong nước chênh lệch 4.000 đồng/kg so với giá nhập khẩu. Tính trung bình, mỗi tháng Kotobuki sử dụng khoảng 200 tấn đường làm nguyên liệu sản xuất, như vậy Công ty đã bỏ ra khoảng 800 triệu đồng/tháng để mua đường với giá đắt.

Theo các chuyên gia, mặc dù có sự chênh lệch về giá nhập khẩu và giá trong nước, nhưng khả năng để các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu đường cũng không nhiều, bởi đã cận kề vụ thu hoạch mía và thủ tục xin quota cho nhập khẩu đường cũng chẳng dễ dàng.


Việc giá đường trong nước cao hơn giá đường nhập khẩu, hẳn nhiên là niềm vui với nhà cung cấp đường, song cũng khiến các DN sử dụng nguyên liệu đầu vào là đường đang gặp khó khăn.

Vừa qua, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cho các DN nhập thêm khoảng 10.000 tấn đường.


Theo ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, trước những phản ánh của DN và người tiêu dùng về tình hình thiếu đường, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, vận động các DN mía đường tìm mọi cách đáp ứng đủ nhu cầu của các DN sử dụng đường số lượng lớn.


Việc làm trên nhằm bình ổn giá đường trong nước, tránh giá đường nội địa tăng đột biến so với giá đường thế giới cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và duy trì hoạt động của DN chế biến thực phẩm.

Về đề nghị của Bộ Công Thương yêu cầu tính toán cho nhập thêm đường, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, phải cân nhắc xem có nên cho nhập đường nữa hay không vì việc cho nhập thêm đường sẽ tác động xấu đến tâm lý người trồng mía và những nhà sản xuất đường trong nước.


Do đó, phải xem xét nhu cầu của DN xem muốn nhập loại đường nào và nếu cho nhập thì chỉ cho một số ít DN lớn, có đóng góp và ảnh hưởng lớn đến xã hội, thị trường được nhập.

Hiện, lượng đường tại Việt Nam vẫn đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của các DN. Đặc biệt, bây giờ đã bắt đầu vào vụ sản xuất đường niên vụ mới 2009-2010 nên khả năng thiếu đường không thể xảy ra. Vì vậy, việc nhập khẩu đường cần được tính toán cẩn trọng, tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý người trồng mía.

Theo Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp - nông thôn (Agroinfo - Bộ Nông nghiệp và PTNT), giá đường trắng tinh luyện (RE) tại thị trường Hà Nội trong giai đoạn 2006-2009 thấp nhất là 615 USD/tấn và cao nhất là 922,6 USD/tấn, trong khi giá đường Thái Lan cao nhất chỉ có 491,7 USD/tấn và tại thị trường London cao nhất là 568,8 USD/tấn.



Theo Kinh tế nông thôn
Báo cáo phân tích thị trường