Phát biểu tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho biết mỗi năm VN sản xuất hơn 38 triệu tấn lúa, trong đó có 4-5 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu, nhưng hệ thống kho chứa gạo chỉ có công suất chứa 2 triệu tấn và chỉ mang tính tạm thời, không thể tồn trữ, bảo quản theo đúng nghĩa.
Việc áp dụng công nghệ bảo quản chưa tốt nên tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch còn rất cao từ 11-12%, trong đó khâu phơi sấy tồn trữ chiếm tới 4-5%. Mỗi năm cả nước mất hàng ngàn tỉ đồng vì thất thoát trong bảo quản và chế biến. Chính vì vậy, việc xây dựng các kho chứa hết sức cấp bách.
Nhiều ưu đãi
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng, việc thực hiện xây dựng kho chứa lúa ở khu vực ĐBSCL, Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia và cam kết dành cho các đơn vị đầu tư nhiều ưu đãi.
“Chỉ riêng vốn vay lãi suất ở mức 6,5%/năm. Ngoài ra cho các đơn vị vay vốn ưu đãi 0% để mua các loại máy móc hiện đại từ bên ngoài mà VN chưa sản xuất được ứng dụng trong bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp” - ông Hùng khẳng định.
Kho trữ lúa đạt chuẩn Trung tâm nông sản Phú Cường tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thuộc Công ty Lương thực Tiền Giang được xem là một trong số ít hệ thống kho dự trữ lúa gạo đạt tiêu chuẩn của VN. Với diện tích đất xây dựng rộng 4ha, ngoài hệ thống kho có sức chứa hơn 60.000 tấn lúa gạo, trung tâm còn có hệ thống sấy, xay xát, lau bóng, tách màu, đóng gói liên hoàn với nhau để xuất khẩu. Tại đây, nhiều năm qua công ty cho nông dân phơi lúa và gửi lại trung bình khoảng 4.000 tấn/năm hoàn toàn miễn phí. Khi giá lúa tăng cao, nông dân muốn bán thì công ty thu mua bất cứ lúc nào. Do đó trung tâm nông sản Phú Cường còn có ý nghĩa như sân phơi và kho chứa lúa của dân chứ không chỉ riêng doanh nghiệp. V.TR. |
Ông Đoàn Mạnh Hòa, cục phó Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, cũng cho biết hiện Bộ NN&PTNT đã đề ra rất nhiều biện pháp hỗ trợ để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kho chứa lúa.
Cụ thể: đối với chính sách đất đai, chủ đầu tư xây dựng kho chứa thóc gạo được miễn tiền thuê đất trong vòng năm năm kể từ khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp 20% kinh phí giải phóng mặt bằng, 30% kinh phí để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào khu vực xây dựng kho chứa. Còn với chính sách tín dụng, các doanh nghiệp đầu tư được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm đầu đi vào hoạt động và giảm 50% trong hai năm tiếp theo.
Mô hình khép kín
Ông Cao Văn Hóa - phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang - giải thích theo đề án này VN sẽ xây mới kho chứa 2,8 triệu tấn trong tổng số 4 triệu tấn dự trữ. Như vậy, vẫn còn tới 1,2 triệu tấn kho phải tận dụng cơ sở vật chất cũ, lạc hậu và không phù hợp cho bảo quản lúa hàng hóa chất lượng cao. Dù được cải tạo nâng cấp nhưng các kho cũ phần lớn là kho chứa gạo chứ không phải là kho chứa lúa nên việc nâng cấp sẽ rất khó, kho cũ vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như xử lý độ ẩm bên trong là không kiểm soát được.
“Tôi đề nghị nên có một hệ thống sấy mới dạng tháp, hệ thống sấy liên tục, sấy nước nóng và đặc biệt là áp dụng hệ thống silô quản lý được hệ thống nhiệt độ, ẩm độ bên trong kho chứa, từ đó giữ được chất lượng hạt lúa” - ông Hóa nói.
Các silô này có thể dự trữ lúa gạo không chỉ vài tháng mà có thể kéo dài hàng năm, chờ cơ hội tốt để xuất khẩu. Điều đó không chỉ chấm dứt tình trạng doanh nghiệp đầy kho không còn chỗ thu mua lúa cho nông dân như hiện nay, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh về giá gạo trên thị trường vừa đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia.
Ông Hóa đề nghị việc đầu tư mới nên theo mô hình cụm công nghiệp mà Thái Lan đã áp dụng thành công. Trong đó nhà máy xay xát, đánh bóng gắn với kho trữ lúa, hệ thống sấy. Với quy trình này, hạt lúa từ ruộng vào kho sẽ đi theo một quy trình khép kín không phải qua trung gian nào nữa.