Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, Dự án có 11 chương, 62 điều quy định về phạm vi, đối tượng, nguyên tắc áp dụng pháp luật, nguyên tắc quản lý ATTP...
So với Pháp lệnh năm 2003, Dự thảo luật quy định rộng, bao quát và cụ thể hơn. Ngoài bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh, khắc phục tình trạng ngộ độc thực phẩm, Dự thảo Luật còn quy định cả việc kiểm nghiệm, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm, điều kiện bảo đảm an toàn đối với các loại thực phẩm, sản phẩm thực phẩm, quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm.
Thêm Thanh tra VSATTP ở địa phương “Thanh tra chuyên ngành vệ sinh ATTP mới được thành lập ở Trung ương, hoạt động còn kém hiệu quả. Dự thảo luật cần quy định tổ chức, hoạt động của thanh tra chuyên ngành ATTP theo hướng: Thanh tra chuyên ngành về ATTP được thành lập ở T.Ư và địa phương”- (Báo cáo Thẩm tra dự Luật). |
Thẩm tra Dự luật, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KHCN - MT) cho biết có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề quản lý nhà nước về ATTP. Có ý kiến cho rằng, cần phân cấp trách nhiệm của các bộ có liên quan và UBND các cấp để khi luật có hiệu lực thì thực thi được ngay, tránh tình trạng phải đợi nghị định hướng dẫn.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị dự thảo luật phân công rõ Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về ATTP. Còn đối với các bộ khác, nên giao Chính phủ phân công cụ thể; đồng thời phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về ATTP.
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN - MT Đặng Vũ Minh cho biết, ủy ban này tán thành với loại ý kiến thứ hai. Ngoài ra, đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, theo hướng: Bảo đảm việc quản lý xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm; tránh việc một cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nhiều cơ quan quản lý nhà nước vào thanh tra, kiểm tra; phân cấp mạnh cho UBND các cấp trong quản lý nhà nước về ATTP.
“Phải giảm bớt đầu mối các bộ tham gia vào công tác quản lý thực phẩm, đồng thời không gây xáo trộn lớn về bộ máy tổ chức của các bộ được phân công quản lý nhà nước về ATTP hiện nay” - Ông Minh nói.
Thực phẩm biến đổi gien - quản thế nào?
Liên quan đến vấn đề thực phẩm biến đổi gien, có ý kiến tán thành với quy định trong Dự thảo luật, theo đó thực phẩm biến đổi gien phải đáp ứng điều kiện “có giấy chứng nhận an toàn sinh học do cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất thành phần biến đổi gien trong thực phẩm cấp”, ghi rõ trên nhãn là thực phẩm biến đổi gien.
Loại ý kiến khác cho rằng, cần quy định trong luật mức giới hạn tỷ lệ nguyên liệu biến đổi gien trong thực phẩm, ghi nhãn để kiểm soát.
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN - MT cho rằng, quản lý thực phẩm biến đổi gien là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Hiện nay, chưa có kết luận khoa học xác định chắc chắn tác hại của thực phẩm biến đổi gien. Vì vậy Chính phủ cần quy định cụ thể mức giới hạn tỷ lệ nguyên liệu biến đổi gien trong thực phẩm và cần phải ghi rõ trên nhãn.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị phân cấp và quy định rõ trách nhiệm cho các địa phương trong việc quản lý, xử lý vi phạm về ATTP đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể. Bổ sung quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm về ATTP theo hướng giao Chính phủ quy định mức xử phạt cụ thể, nhưng phải bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa.
Nguyễn Tuấn
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Nguyễn Đăng Vang: Cần nhập các đơn vị quản lý thực phẩm về một bộ Trao đổi với Tiền Phong bên lề kỳ họp, ông Nguyễn Đăng Vang cho rằng, để quản lý công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thực sự hiệu quả phải tiến tới nhập tất cả các đơn vị làm công tác này đang tồn tại phân tán ở nhiều bộ, ngành về một bộ để thống nhất quản lý nhà nước, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. “Thưa ông, trước tình trạng “cha chung không ai khóc” thì tại sao chúng ta không đề xuất thành lập một cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ lo công tác quản lý ATVSTP? Theo tôi được biết, Mỹ, Nhật Bản, Canada là những nước rất khắt khe về ATVSTP nhưng cũng chưa có cơ quan riêng trực thuộc Chính phủ như vậy. Ở các nước này, họ tăng cường quyền lực cho cơ quan cấp bộ được giao trách nhiệm. Họ có nhân lực giám sát ngay trong quá trình sản xuất. Ví như, trong mỗi lò mổ có người kiểm soát những con lợn, con gà đưa vào. Chúng ta thì chả có kiểm soát gì cả, giết mổ ở đâu cũng được, lực lượng thanh tra, kiểm tra ATVSTP toàn quốc chỉ có 12 người. Ủy ban KH-CN&MT vừa làm việc với Bộ Nông nghiệp Hungary để tìm hiểu về mô hình quản lý thực phẩm, Việt Nam tham khảo được gì từ mô hình này, thưa ông? Ở Hungary, Bộ Nông nghiệp quản lý tất cả các vấn đề liên quan đến ATVSTP. Trước đây, họ cũng chia ra nhiều bộ quản lý như Việt Nam. Tuy nhiên, để thống nhất họ đã thành lập văn phòng quản lý ATVSTP trực thuộc Bộ Nông nghiệp. Vậy Việt Nam nên theo mô hình quản lý nào, thưa ông? Cũng nhiều ý kiến cho rằng nên nhập theo hướng của Hungary. Bởi vì, hiện nay một sản phẩm bị phân ra cho nhiều cơ quan quản lý. Hướng hiện nay là đã giao sản phẩm cụ thể cho một bộ quản lý thì bộ đó chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối. Có nghĩa là, sản phẩm nông sản thì Bộ NN&PTNT quản lý từ khâu sản xuất đến khi ra thị trường. Sản phẩm chế biến công nghiệp thì Bộ Công Thương, sản phẩm dinh dưỡng, thuốc thì Bộ Y tế quản lý. Còn những vấn đề trong phạm vi địa phương, thì phân cấp mạnh cho địa phương. Các bộ cũng có vẻ ủng hộ phương án này. Nếu quản lý theo từng loại sản phẩm như vậy, thì năng lực của Bộ NN&PTNT, Công Thương liệu có kiểm tra được chất lượng sản phẩm ở giai đoạn trên bàn ăn? Chúng ta phải quản lý theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Vấn đề là hệ thống thanh tra kiểm tra sẽ được tăng cường. Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đang được thành lập tại địa phương. Mỗi chi cục này có khoảng 15 cán bộ, trong đó có 5 cán bộ thanh tra. Hiện nay ta không có ai, nhưng tới đây sẽ có khoảng 1.000 người quản lý về chất lượng nông sản. Khi đó tình hình sẽ được cải thiện. Cám ơn ông. |