Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tình hình xuất khẩu gỗ 9 tháng năm 2009 và dự báo
17 | 11 | 2009
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 9/2009 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt 213,1 triệu USD,tăng 2,3% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,77 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2008.

Như vậy, sau khi giảm nhẹ trong tháng 8, thì sang tháng 9 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đã tăng trở lại. Ước tính kim ngạch xuất gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 10/2009 đạt khoảng 220 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 10 tháng đầu năm lên 1,986 tỉ USD, giảm khoảng 13,6% so với cùng kỳ 2008.

Mỹ là thị trường xuất khẩu chính sản phẩm này của Việt Nam trong 9 tháng năm 2009. Tháng 9/2009 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này đạt 99,9 triệu USD, tăng 5,7 triệu USD (tăng 6%) so với tháng 8, và tăng 8,4% so với tháng 9/2008. Như vậy, sau khi bất ngờ giảm sút trong tháng 8 (giảm 5,3%) thì sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã tăng trở lại, đưa tổng kim ngạch 9 tháng đạt 761 triệu USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt là thị trường Nhật Bản. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Nhật Bản từ Việt Nam thời gian qua vẫn khá ổn định. 9 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 269,31 triệu USD, đứng thứ hai sau thị trường Mỹ, nhưng giảm 3,28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giai đoạn cuối năm thường là vụ xuất khẩu lớn của ngành gỗ. Tuy nhiên, nhiều khả năng, trong hai tháng cuối năm, ngành gỗ sẽ rất khó khăn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu để đạt được kim ngạch 2,8 tỉ USD của năm 2008.  Tuy nhiên, theo báo cáo quí 3 của ngành hàng gỗ Việt Nam, hai yếu tố tác động quan trọng nhất đến tình hình xuất khẩu gỗ của Việt Nam là nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nhu cầu từ những thị trường chính. Tháng 3-2009, giá gỗ thế giới có xu hướng tăng nhẹ và việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu của Việt Nam đang bắt đầu tăng lên do đơn hàng xuất khẩu tăng dần. Cùng khoảng thời gian đó, vấn đề căng thẳng ngoại hối được giải quyết nên các doanh nghiệp ngành gỗ không còn lo lắng về việc thiếu ngoại tệ để nhập khẩu gỗ.

Tháng 5-2009, kinh tế Mỹ có những dấu hiệu phục hồi, thị trường bất động sản ấm lên. Qua tháng 7 và tháng 8-2009, những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nhật và châu Âu đang từng bước vượt qua khủng hoảng cũng bắt đầu xuất hiện. Tín hiệu tích cực từ các thị trường chính giúp ngành gỗ Việt Nam có những bước tăng trưởng khá tốt. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ liên tục tăng lên kể từ tháng 5 tới nay. Hiện tại, các doanh nghiệp ngành gỗ đang có khá nhiều đơn hàng xuất khẩu cho những tháng cuối năm.

Đây là những dấu hiệu cho thấy ngành gỗ Việt Nam đang dần dần phục hồi. Dự báo giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2009 sẽ theo xu hướng chung của giá thế giới, giảm hơn so với mức trung bình của năm 2008 khoảng 11,94%. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ gỗ từ các thị trường chính đang dần khôi phục kết hợp với việc ngành gỗ đã bước vào mùa xuất khẩu chính nên rất có thể kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ đạt mức 2,8 tỉ đô la Mỹ của năm 2008.

Thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt kim ngạch trên 10 triệu USD trong 9 tháng năm 2009

Thị trường
Kim ngạch (USD)
Mỹ760.542.639
Nhật Bản260.311.405
Trung Quốc117.367.674
Anh113.706.931
Hàn QUốc61.926.694
Đức61.639.147
Ôxtrâylia45.989.536
Pháp39.688.185
Hà Lan39.394.127
Canada34.883.362
Đài Loan23.817.400
Italia20.105.128
Bỉ15.288.951
Tây Ban Nha14.407.345
Thuỵ Điển13.807.802
Đan Mạch13.367.475

 



Theo Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường